Số liệu "vênh" vì có sự dàn xếp, “ém” thông tin?
Thống kê của bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) năm 2013 cho biết, cả nước xảy ra hơn 550 vụ tai nạn lao động nghiêm trọng gây chết người, nhưng cuối năm chỉ nhận được 175 biên bản điều tra. Trong khi đó thống kê 6 tháng đầu năm 2014 cả nước xảy ra 280 vụ tai nạn lao động chết người và tính đến ngày 05/8/2014, bộ LĐTBXH đã nhận được 81 biên bản điều tra (trong đó có 87 người chết). Dư luận thắc mắc tại sao số vụ tai nạn lao động nhiều vậy mà bộ LĐTBXH chỉ nhận được biên bản điều tra chỉ bằng 1/3 số liệu thực? Và liệu số vụ tai nạn lao động được Bộ này công bố đã phản ánh đúng thực tế thực trạng an toàn lao động ở nước ta hay chưa?
Ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội cho biết, số liệu ngành y tế báo cáo gấp 20 lần con số 600 vụ tai nạn lao động chết người mỗi năm. Vì thế tính chính xác của số liệu này bị các đại biểu Quốc hội nghi ngờ. Theo đại biểu Quốc hội Bùi Thị An (đoàn đại biểu Hà Nội): "Số liệu công bố hàng năm về tai nạn lao động trong cả nước chủ yếu được bộ LĐTBXH tổng hợp từ các báo cáo của các Sở trực thuộc. Trong khi đó, các Sở lại thu thập thông tin từ những báo cáo của các đơn vị có người bị tai nạn. Tất nhiên, khi để xảy ra tai nạn lao động thì những đơn vị sử dụng lao động thường bộc lộ những khiếm khuyết trong công tác đảm bảo an toàn lao động nên nhiều đơn vị đã cố tình tránh né, không khai báo thông tin. Thay vào đó họ sẽ tìm đủ mọi phương kế để giấu giiếm, làm sai lệch hồ sơ và tính chất của vụ việc. Thậm chí họ còn lựa chọn phương án đền bù cao cho gia đình người mất để tránh khiếu tố. Vì thế con số mà bộ LĐTBXH công bố có thể vẫn chưa sát thực tế".
600 người chết mỗi năm vì tai nạn lao động liệu có đáng tin? (ảnh minh họa). |
Đây rõ ràng là một thực tế đã và đang xảy ra trong xã hội ta. Ngày 28/03/2014 vừa qua, anh Lê Quang Quýnh (trú xã Xuân Du, huyện Như Thanh, Thanh Hóa, trước đó đã ký hợp đồng khai thác đá với công ty TNHH Xuân Trường trên địa bàn) đã gặp phải một tai nạn thương tâm. Trong lúc nổ mìn phá đá, anh đã bị mìn công phá gây tử vong. Chị Lê Thị Ngân vợ anh Quýnh cho biết: "Hôm anh Quýnh chết tại mỏ đá, công ty Xuân Trường có đến gặp gia đình và thỏa thuận bồi thường 150 triệu đồng cộng với 10 triệu đồng tiền mai táng phí. Họ đưa hồ sơ, giấy tờ cho gia đình tôi bảo ký tên và yêu cầu không kiện cáo gì nữa... Lúc đó, tôi không biết gì cả, họ nói bồi thường rồi thì thôi. Giờ đây tôi phải một mình nuôi bốn đứa con, không biết tương lai sẽ ra sao".
Chưa đầy một tháng sau, ngày 14/04/2014, thợ đá Bùi Tuấn Vương (trú xã Lộc Thịnh, huyện Ngọc Lặc, Thanh Hóa) trong lúc làm việc tại mỏ đá của công ty TNHH chế biến đá tự nhiên Nam Thái Sơn trên địa bàn đã bị khối đá lớn rơi trúng đầu, dẫn tới tử vong tại chỗ. Bà Bùi Thị Dung, mẹ đẻ của nạn nhân cho biết: "Tôi có năm người con thì hai người đã chết vì tai nạn lao động. Hai thằng đều có gia đình và con cái, khi chết thì công ty đền bù cho một khoản chỉ đủ tiền mai táng và trả những món nợ trước đây. Cuộc sống đã nghèo nay càng nghèo hơn".
Hai trường hợp trên có thể thấy, không ai dám chắc hai vụ tai nạn trên đã được doanh nghiệp báo cáo lên các phòng ban của sở LĐTBXH tỉnh. Độ "vênh" số liệu trong thực tế, xuất phát từ nhiều trường hợp đã được dàn xếp thoả thuận theo kiểu này.
"Tôi tin vào độ chính xác của ngành y tế hơn"
Trả lời báo chí về vấn đề này, ông Hà Tất Thắng, Cục trưởng cục An toàn lao động (bộ LĐTBXH) cho biết: "Khi xảy ra một vụ tai nạn lao động nào đó, sẽ có hai loại báo cáo là báo cáo nhanh của cơ sở và báo cáo định kỳ của địa phương. Với báo cáo nhanh thì các doanh nghiệp tư nhân, vừa và nhỏ vẫn cố tình giấu giếm hoặc làm sai lệch thông tin. Còn đối với báo cáo định kỳ của các địa phương thì lại chưa đầy đủ, cần phải có các yếu tố phân tích. Việc phối hợp giữa các cấp chưa tốt nên tiến độ điều tra các vụ tai nạn lao động chết người vẫn còn rất chậm so với quy định. Đặc biệt, nhiều vụ tai nạn xảy ra trong khai thác khoáng sản tư nhân, trong các công trình xây dựng nhà ở dân dụng thì chẳng có ai đứng ra tiến hành điều tra, thống kê và báo cáo cả".
Nói tới trách nhiệm của lãnh đạo địa phương khi để xảy ra những tai nạn lao động chết người, ông Thắng cho rằng: "Hiện nay chưa có chế tài nào quy định nhắc nhở địa phương trong vấn đề này cả. Tuy trong Chỉ thị của Ban Bí thư có nhắc đến trách nhiệm của người đứng đầu địa phương khi để xảy ra nhiều tai nạn lao động nhưng trách nhiệm như thế nào vẫn còn chưa được quy định cụ thể".
Trả lời PV báo Đời Sống và Pháp Luật, ông Lê Văn Cuông (nguyên đại biểu Quốc hội, đoàn Thanh Hóa) cho biết: "Theo quy định thì khi xảy ra một vụ tai nạn lao động chết người hoặc có hai người bị thương nặng trở lên đơn vị sử dụng lao động phải báo cáo với sở LĐTBXH để họ cử đoàn xuống điều tra làm rõ nguyên nhân vụ tai nạn. Kết quả sau đó được các Sở tổng hợp và báo cáo lên trên. Đó là nguyên tắc và thực tế là các con số mà bộ LĐTBXH công bố dựa trên những số liệu này. Riêng chuyện tại sao biên bản điều tra vụ tai nạn lao động lại ít hơn nhiều so với số liệu công bố thì đó là chuyện của cơ quan chức năng. Địa phương họ đã báo cáo lên trên, còn điều tra thế nào thì là việc của cơ quan chuyên trách chứ không thể đổ lỗi hết cho địa phương được".
Về độ "vênh" của hai số liệu mà ông Bùi Sỹ Lợi đã dẫn, ông Lê Văn Cuông nhận định: "Con số thực tế phải lớn hơn nhiều nhưng nhiều hơn 20 lần như ông Lợi công bố thì cần phải có số liệu cụ thể. Tuy vậy, nếu ngành y tế có số liệu thực thì tôi tin vào độ chính xác của ngành y tế hơn. Bởi lẽ người ta có thể giấu việc khai báo tai nạn lao động lên cơ quan chức năng nhưng họ không thể không đến bệnh viện được. Số liệu của ngành y tế là chính xác nhất và thực tế nhất".
Chỉ 15\% lao động được huấn luyện về an toàn lao động Tại buổi họp thẩm tra dự thảo Luật An toàn vệ sinh lao động chiều 26/9 vừa qua, Bộ trưởng bộ LĐTBXH Phạm Thị Hải Chuyền thừa nhận, công tác an toàn vệ sinh lao động hiện còn một số yếu kém. Việc tuân thủ luật pháp về an toàn vệ sinh lao động của nhiều doanh nghiệp chưa nghiêm, một số cơ sở thực hiện chỉ nhằm đối phó với sự kiểm tra của cơ quan chức năng. Chỉ 15\% người lao động được huấn luyện về an toàn lao động.
Công nhân bị điện giật chết, công ty ém nhẹm thông tin Thông tin đăng trên báo Tuoitre.vn ngày 27/8 mới đây cho biết, vào ngày 22/08/2014 anh Nguyễn Trần Tân Thanh (26 tuổi, quê Quảng Nam) khi đang làm việc tại công ty Cổ phần cơ khí lắp máy Đại Hãn (đóng tại đường số 5, KCN Hòa Cầm, P.Hòa Thọ Tây, Q.Cẩm Lệ, TP. Đà Nẵng) do sơ ý để que hàn kẹp vô ngực, que hàn chạm với dòng điện máy hàn khiến anh tử vong. Tuy nhiên, hàng chục công nhân làm việc tại đây phảón ánh chủ doanh nghiệp đã không báo cho các cơ quan chức năng theo quy định. Chỉ đến khi báo chí vào cuộc thì lãnh đạo công ty này mới thừa nhận việc mình "quên" báo cáo lên cơ quan chức năng. |