Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Người cha của hơn 100 đứa trẻ mồ côi

(DS&PL) -

Mặc dù cuộc sống còn nhiều khó khăn, tủi khổ, nhưng người cha già Đinh Minh Nhật vẫn dành trọn cả quãng đời thanh xuân của mình nuôi “các con” nên người.

Mặc dù cuộc sống còn nhiều khó khăn, tủi khổ, nhưng người cha già Đinh Minh Nhật vẫn dành trọn cả quãng đời thanh xuân của mình nuôi “các con” nên người.

Góc học tập của các cháu ở nhà ông Nhật. Ảnh: Công an nhân dân

Đó là câu chuyện của ông Đinh Minh Nhật (SN 1962, xã Ia H’lốp, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai). Ngôi nhà của ông Đinh Minh Nhật nằm sâu trong một con ngõ nhỏ của xã Ia H'lốp, là nơi cưu mang hơn 100 đứa trẻ mồ côi, không nơi nương tựa. 

Mái ấm của ông Nhật hình thành vào năm 2008. Năm đó cũng là năm đầu tiên ông mang đồ đạc ở thị trấn Chư Sê về dựng nhà sống một mình ở nơi đây.

Ông Nhật cho hay, vào năm 2008 trong một lần đi vào ngôi làng ở huyện Chư Prông để chơi, ông chứng kiến cảnh dân làng đang chuẩn bị chôn sống một bé gái đang còn đỏ hỏn. Bé gái mới sinh được 2 ngày thì mẹ qua đời nên dân làng đã làm theo tục lệ là chôn đứa trẻ theo mẹ.

Mặc dù bất ngờ và bàng hoàng trước cách làm của dân làng nơi đây nhưng ngay lập tức, ông không chút đắn đo mà xông vào giành giật lại mạng sống của đứa trẻ.

Để có thể mang đứa trẻ đi, ông Nhật phải năn nỉ và nộp phạt vạ một con heo 50 ký cúng Yàng.

Theo ông Nhật trở về nhà, đứa trẻ do thiếu sữa mẹ nên khóc không ngừng nghỉ, khi đó ông phải chạy đi khắp nơi xin sữa, chắt chiu từng lon gạo, hộp sữa nuôi lớn đứa con mà cha âu yếm đặt tên là Đinh Hồng Phúc.

Mỗi đứa trẻ ở đây có một hoàn cảnh khác nhau, đứa thì cha mẹ mất sớm, đứa bị bỏ rơi,... nhưng đều được ông Nhật mang về, yêu thương, chăm sóc, dạy bảo như con đẻ.

Từ đó về sau, có người trực tiếp mang tới cho ông Nhật những trẻ bị bỏ rơi, còn nơi xa thì gọi điện báo. Bởi vậy, những người con nuôi của ông không chỉ ở tỉnh Gia Lai, nhiều em bị bỏ rơi ở mãi Nha Trang, Đắk Lắk,..

Năm này qua năm khác, bây giờ ngôi nhà của ông đã lên đến 102 cháu.

Ông Nhật bên đàn con nhỏ của mình. Ảnh: Tiền Phong

Theo ông Nhật, các cháu ở các làng, xã, huyện khác nhau của tỉnh Gia Lai, lúc mới về không hòa nhập được. Thế nhưng, sau một thời gian chúng sống, đến nay các cháu biết yêu thương nhau, chăm sóc nhau như anh chị em ruột thịt. Chị lớn biết chăm sóc em nhỏ, thấy em khóc là biết sẻ cơm, nhường bánh. 

Hiện tại, ông Nhật có 600 gốc cà phê và 400 trụ tiêu làm kinh tế nuôi các cháu lâu dài. Trước khi vườn rẫy cho thu hoạch, ông đi đến các trung tâm y tế, các bệnh viện để chăm sóc người già. Sau đó, con cháu của họ bồi dưỡng cho ít tiền, dành dụm đem về mua thức ăn, áo quần cho các cháu.

Ông bảo, nhờ các cá nhân, tổ chức hảo tâm gần xa biết đến chung tay giúp đỡ và cả nguồn thu nhập từ làm thuê của mình nhưng vẫn thiếu trước hụt sau.

Bữa sáng của các cháu chủ yếu vẫn là mì tôm, cơm ngày 2 bữa chính chỉ có món canh. Mặc dù cuộc sống kham khổ nhưng vẫn tốt hơn để các cháu phải sống lang thang, không nơi nương tựa.

Nhận thấy việc làm của cha Nhật có ích cho xã hội, chính quyền địa phương cũng thường xuyên quan tâm, giúp đỡ, hỗ trợ cha về những thủ tục hành chính… Bên cạnh đó, các mạnh thường quân, các nhà hảo tâm biết đến và giúp đỡ nên cha mới có đủ kinh phí và nghị lực để nuôi được 102 người con khôn lớn nên người như ngày hôm nay.

Được sống bên cạnh các con, thấy các con lớn lên, học hành chăm chỉ và đạt thành tích cao là niềm vui, niềm hạnh phúc của ông Nhật. Trong thâm tâm người cha già chỉ hy vọng rằng sau này các con lớn lên sẽ là người có ích cho xã hội và biết quý trọng tình cảm giữa con người với con người.

Bạch Hiền (t/h)

Tin nổi bật