(ĐSPL) - Nói về bếp ăn miễn phí của mình, ông Trần Văn Tôn thật lòng chia sẻ, đó chẳng là gì so với những việc thiện mà đời cha, ông nội ông từng làm. Năm 1978, cha của ông bán hết tài sản, thậm chí bán cả mái tôn của ngôi nhà đang ở… lấy tiền mua gạo cứu đói cho người dân trong vùng. Lớn lên trong gia đình có truyền thống nhân ái, ông lấy việc tu tại gia, chăm lo đời sống cho hơn 20 cụ già, trẻ em nghèo, phát cơm chay, bún chay miễn phí là niềm vui.
Truyền thống nhân ái cha truyền con nối
Ông Trần Văn Tôn, 65 tuổi, ngụ phường 9, TP. Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang được người dân sống trong khu vực biết đến như “ông tiên” giữa đời thường. Lúc nào, ông Tôn cũng nở nụ cười hiền, điệu bộ khoan thai trong bộ quần áo bà ba trắng giản dị. Theo truyền thống của gia đình, ông Tôn tu tại gia, ăn chay trường từ nhỏ. Thế nên, nhà ông được bà con lao động nghèo gọi là “chùa lá”. Thời buổi, nhà nhà phấn đấu xây nhà cao cửa rộng, ông lại yêu thích không gian mộc mạc của quê nhà. Vả lại, ông muốn giữ lại mái lá của ngôi nhà để nhắc nhở bản thân về hành động nhân ái của cha năm xưa.
Ông Tôn nhớ lại: “Đời ông nội, cha tôi đều làm việc thiện. Năm 1978, lũ lụt hoành hành ở miền Tây. Lúa gieo không trổ bông. Nhà nào cũng đói kém. Thấy cảnh tình bà con không có cơm ăn, cha tôi đem hết tài sản trong nhà bán đi. Được bao nhiêu tiền, cha tôi mua gạo về phát cho bà con. Ông còn cho mỗi người một ít tiền để phòng thân. Bán hết tài sản, người nghèo vẫn đến gõ cửa, cha tôi quyết định dỡ mái tôn đem bán”.
“Tôn thời đó có giá lắm. Bán tôn cũng có thêm một số tiền, cha tôi đem chia tiếp cho bà con nghèo. Thấy cha tôi dỡ mái nhà bán, bà con mang lá dừa nước đến lợp lại. Từ đó, lớp lá cũ mục, tôi lợp lá mới chứ không lợp bằng tôn nữa. Mái lá cũng hợp với sở thích gần gũi thiên nhiên của tôi”, ông Tôn cho biết thêm. Sống bên cạnh người cha có tấm lòng nhân ái, ông Tôn cũng chọn con đường tu hành, hành thiện tích đức làm phương châm sống. Ban đầu, ông đến xin trú ngụ ở nhiều chùa khác nhau để làm công quả.
Đến năm 2005, ông trở về quê nhà Mỹ Tho và gắn bó với ngôi nhà mái lá của cha để lại. Ông sửa sang lại ngôi nhà, rồi nguyện một lòng làm việc thiện. “Ai đói khổ đến nhà tôi cậy nhờ, tôi sẵn lòng có gì cho đó. Xin gạo có gạo, hết gạo thì cho mì tôm. Người không có nơi ăn chốn ở, tôi cho tá túc. Nếu chịu ở lâu dài, tôi sẵn sàng nhập hộ khẩu cho họ yên lòng sinh sống. Những người già thích không khí yên tĩnh, muốn làm việc thiện, tôi vui vẻ chấp nhận. Tôi mời con cái, người thân của họ đến xin phép. Mọi người đồng thuận, tôi làm thủ tục cho nhập hộ khẩu, lo cơm nước ngày đủ 3 bữa”, ông Tôn chia sẻ.
Có tham quan “chùa lá” của ông Tôn, mới cảm nhận được niềm vui, sự an lạc trong tâm của những cụ già cao tuổi. Các bà lão tươi cười, nhanh nhẹn, minh mẫn cùng chung tay với ông Tôn nấu cơm, quét nhà... Lúc rảnh rỗi, họ lại đung đưa trên chiếc võng giữa khu nhà có cây cối mát mẻ, rôm rả kể chuyện cho nhau nghe. Một vài người thong thả nhai chậm chạp từng muỗng cơm trắng trong không gian bình yên.
Nhiều căn phòng, gác nhỏ được ông Tôn tự thiết kế rồi nhờ bà con phụ giúp dựng lên. Phòng cho bà lão thì được kê kín đáo, có chiếu, nệm ấm áp. Phòng của mấy ông phải thoáng mát, không cần cầu kỳ. Phòng học cho mấy đứa nhỏ phải yên tĩnh, thoáng mát, có kệ đựng sách, có máy tính để học. Không ai nghĩ, một người đàn ông sống một mình như ông Tôn lại chu đáo, tính toán tỉ mỉ đến cầu toàn. Ông chăm lo cho mọi người sát sao, nhưng phòng của ông lại nằm trên gác nhỏ, bên trong chỉ kê mỗi chiếc giường, thêm cái tivi và vài quyển sách Phật giáo.
Những suất cơm ấm lòng người nghèo
Những người già sống rất vui vẻ ở “Chùa lá” (ảnh Ngọc Lài). |
“Những người ở lại đây đều tự nguyện đến sống với tôi. Tôi ăn chay, họ cũng ăn chay. Tôi ngủ nhà lá, họ cũng ngủ nhà lá. Hiện, nhà tôi có khoảng hơn 20 người già sống cùng, trong đó người lớn tuổi nhất là 81. Ngoài ra, tôi còn nhận nuôi mấy học sinh, sinh viên nghèo. Tôi cho các cháu ăn uống, ở nhà miễn phí. Ai thích thì phụ tôi nấu cơm chay, chiên bánh xèo, xào bún phát từ thiện cho các bệnh nhân, người nuôi bệnh ở 6 bệnh viện tại Tiền Giang và người lao động nghèo có thu nhập thấp như thợ hồ, bán vé số, lượm ve chai...”, ông Tôn phân trần cho PV nghe.
Từ tháng Giêng đến tháng 11 (Âm lịch), vào 23 mỗi tháng, ông Tôn lại nấu cơm chay phát cho bà con. Hiện nay, mỗi tháng, ông phát 4.500 suất cơm chay, 800 suất bún chay. “Tôi ăn chay nên chỉ có thể làm cơm chay phát cho mọi người. Ngoài phát cho người nghèo ở các bệnh viện, tôi thường đặt thùng cơm cho một số điểm có người trông coi như chợ, ngã tư đường. Đặt ở những chỗ này, tôi nghĩ sẽ thuận lợi cho người bán vé số, lao động nghèo có thể ghé vào lấy cơm. Bên cạnh đó, người nào thích ăn chay, tôi cũng phát để họ dùng. Để có ngần ấy suất cơm, suất bún, tôi và hơn 20 người ở đây phải chuẩn bị cả tháng trời ròng rã. Tuy là cơm chay miễn phí nhưng tôi muốn mọi người ăn ngon miệng và hợp vệ sinh”, ông Tôn cho biết.
Ông Tôn chỉ mọi người nấu cơm trắng bỏ thêm lá dứa xanh cho thơm. Thức ăn phải chế biến sạch sẽ, vừa ăn. Bảo quản, bày trí hộp cơm sao cho đẹp mắt, tránh ôi thiu. Bởi vậy, người dân ăn cơm chay của ông Tôn phát miễn phí đều tấm tắc khen ngon. Ăn được 1 lần, lại mong ngóng, chờ ăn lần sau. Ngoài ra, bún xào chay được ông Tôn chế biến và phát vào ngày rằm mỗi tháng. Còn bánh xèo, ai muốn ăn cứ gọi điện, ông nhờ mấy bà, mấy bác... cùng vào bếp chế biến theo công thức ông đề ra.
Bánh xèo chay của ông Tôn vừa béo, vừa ngọt lại thanh đạm nên người từ TP.HCM thích ghé vào ăn. Họ ăn xong lại có nhã ý cúng dường để ông có kinh phí duy trì công việc từ thiện. “Nói thật, tôi làm việc thiện vô tư và không tính toán. Tôi làm được việc gì tốt là cảm thấy mừng vui nhiều lắm. Ai tin tưởng góp công góp sức, tôi sẵn sàng đón nhận, còn không tự tôi xoay xở để duy trì bếp ăn. Nhiều người cũng góp ý với tôi về cách làm, có người chửi bới. Thế nhưng, tôi không buồn. Tôi chấp nhận những điểm còn thiếu sót để sửa đổi. Nếu có xảy ra chuyện, lời qua tiếng lại, tôi chấp nhận hạ mình năn nỉ họ. Dĩ hòa vi quý cho cuộc sống hài hòa, không có thiệt đâu”, ông Tôn chia sẻ.
Ông Tôn, “ông tiên” nhân ái của người dân (ảnh VOV). |
Ông Hà Văn Vũ, SN 1964, ngụ huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang, một mạnh thường quân lâu dài của bếp ăn “chùa lá”, nhận định: “Tôi cũng phát tâm làm từ thiện ở nhiều chùa. Đến khi có duyên làm việc thiện cùng anh Hai (ông Tôn-PV), tôi nể cách anh làm nên gắn bó luôn. Anh Hai là người có tấm lòng từ bi, làm từ thiện vô tư, không tính toán, vụ lợi. Tôi thấy việc anh Hai làm có ý nghĩa nên cố gắng noi theo. Cơm, bún miễn phí nhưng đều được chế biến ngon lành, sạch sẽ. Anh chăm lo cho mấy cụ già ở đây tốt lắm. Hậu sự của họ, anh Hai cũng đứng ra lo luôn”.
Ông Tôn nói: “Nhờ phước ơn, tuy vất vả với công việc nấu nướng cơm miễn phí nhưng tôi và các cụ đều không ai bệnh tật gì hết. Ai cũng vui vẻ, lạc quan, làm việc hết mình. Ngoài phát cơm miễn phí, tôi còn nhận giúp đỡ tụng kinh miễn phí cho tang sự. Các dịp lễ, tết, tôi đều chuẩn bị quà cáp, gạo, mắm muối... phát cho bà con vui. Nói chung, làm việc gì có ích, tôi đều làm. Tôi một thân, một mình, có chết đi thì mong người sau cố duy trì các công tác thiện nguyện”.
Ông Tôn làm nhiều việc tốt giúp người dân Ông Nguyễn Ngọc Diệp, Trưởng khu phố 4, phường 9, TP. Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang nhận xét: “Ông Trần Văn Tôn là 1 hộ tu tại gia, có tấm lòng nhân ái. Hiện, ông Tôn đang nuôi dưỡng hơn 20 người, trong đó có cả người già lẫn người trẻ. Ông Tôn thường xuyên có những hoạt động từ thiện đáng được ghi nhận. Chúng tôi rất vui và khuyến khích, tạo điều kiện để ông giúp được càng nhiều người càng tốt”. |
NGỌC LÀI
Xem thêm video:
[mecloud]ZJ7fHCInxC[/mecloud]