(ĐSPL) – Thiếu tướng Phan Văn Xoàn, người từng làm cận vệ bên cạnh Bác Hồ, nguyên Tư lệnh Bộ Tư lệnh Cảnh vệ, Bộ Công an, đã qua đời lúc 23h24 ngày 29/4/2014 (tức ngày 1/4 năm Giáp Ngọ) tại nhà riêng.
Lễ truy điệu Thiếu tướng Phan Văn Xoàn được tổ chức lúc 13h30 chiều ngày 2/5, sau đó linh cữu thiếu tướng Phan Văn Xoàn sẽ được hỏa táng tại nghĩa trang Bình Hưng Hòa. Trước đó, các vị lãnh đạo Nhà nước, TP.HCM và hàng trăm đoàn các cá nhân, tổ chức đã đến viếng, chia buồn cùng gia quyến Thiếu tướng Phan Văn Xoàn tại Nhà tang lễ TP.HCM (25 Lê Quý Đôn, Q.3).
Đảng ủy - Ban giám đốc Sở Cảnh sát PCCC TP.HCM viếng linh cữu Thiếu tướng Phan Văn Xoàn - Ảnh: Tuổi trẻ. |
Thiếu tướng Phan Văn Xoàn, sinh ngày 15/1/1924 tại xã Tân Hưng, huyện Cà Mau, tỉnh Minh Hải (nay là tỉnh Cà Mau) trong một gia đình nông dân nghèo, nơi có truyền thống cách mạng và giàu lòng yêu nước. Ông nguyên là Tư lệnh Bộ Tư lệnh Cảnh vệ, từng làm cận vệ thân cận bên cạnh Bác Hồ với nhiều kỷ niệm khó quên.
Là con thứ ba trong gia đình có bốn chị em, ngay từ khi còn nhỏ ông đã cùng bố, mẹ gánh vác công việc gia đình và xã hội. Ông sớm giác ngộ cách mạng, tham gia dân quân du kích và các tổ chức đoàn thể quần chúng địa phương. Tháng 6 năm 1940 ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam, tham gia nhiều hoạt động trong đó có nhiệm vụ rải truyền đơn và tổ chức quần chúng làm cách mạng.
Tháng 3 năm 1945, đồng chí bắt liên lạc với Đảng và sinh hoạt tại Chi bộ Thạnh Phú, vận động quần chúng tham gia cướp chính quyền tại xã Tân Hưng, huyện Cà Mau. Năm 1951, ông tham gia đoàn cán bộ miền Nam được triệu tập ra căn cứ Việt Bắc để chuẩn bị đi học ở nước ngoài.
Đến chiến khu Việt Bắc, ông được gặp Bác Hồ và nhận chỉ thị sang Trung Quốc học, sau khi tốt nghiệp khóa chính trị ở Trung Quốc về, ông vinh dự được điều động về công tác tại Cục Cảnh vệ - đơn vị được Đảng, Nhà nước giao trọng trách bảo vệ Bác Hồ, bảo vệ Trung ương, Chính phủ. Trong thời gian công tác tại đây ông có rất nhiều lần được bảo vệ Bác đi công tác.
Năm 1955, khi theo đoàn quân về tiếp quản Thủ đô, ông bắt đầu tham gia công tác bảo vệ ở Bộ Công an, từ đó cuộc đời ông gắn liền với công tác cảnh vệ, trên nhiều cương vị khác nhau.
Ông từng giữ trọng trách Cục phó rồi Cục trưởng Cục Cảnh vệ (thuộc Bộ Công an) từ năm 1958-1989 và sau đó là quyền Tư lệnh rồi Tư lệnh Bộ Tư lệnh Cảnh vệ cho đến ngày về hưu năm 1992.
Khi đảm nhiệm trọng trách bảo vệ sự an toàn cho Bác, ông thường hay nhắc anh em sẵn sàng hi sinh xương máu bất cứ lúc nào để bảo vệ lãnh tụ, đừng bao giờ đặt nặng bản thân mình.
Nhà tướng Xoàn rất đông con, ông sống cực kỳ giản dị, tiết kiệm. Khi đã vào công việc và ở bên đồng đội thì ông không còn nghĩ gì cho riêng mình nữa. Ông sẵn sàng sẻ chia cho anh em từng tấm áo, chén cơm.
Thiếu tướng Phan Văn Xoàn cung cấp tư liệu cho các cán bộ cảnh vệ. Ảnh: Công an TP.HCM. |
Ngoài trọng trách bảo vệ Bác Hồ, tướng Xoàn cũng hoàn thành nhiều nhiệm vụ đặc biệt trong thời gian phụ trách Cục Cảnh vệ. Suốt mấy năm diễn ra Hội nghị Paris ở Pháp khởi đầu từ năm 1968, ông là người tổ chức tuyệt đối an toàn cho nhiều đoàn cán bộ ta sang tham dự hội nghị.
Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình đã xúc động đánh giá: “Trên đất Pháp, ròng rã gần năm năm trời, các đồng chí đã bảo vệ tuyệt đối an toàn hai đoàn đàm phán của ta, với 201 phiên họp công khai, 45 cuộc gặp riêng giữa Việt Nam và Mỹ, 500 cuộc họp báo, gần 1.000 cuộc phỏng vấn diễn ra nhưng không một thông tin nào, địa điểm nào, tài liệu nào bị tiết lộ. Giữ được tuyệt đối bí mật các kế hoạch đấu tranh của ta, nội dung thông tin liên lạc của đoàn ta ở Paris với Hà Nội. Đảm bảo an toàn về chính trị cũng như đoàn kết nội bộ, chủ động thực hiện tốt các phương án đấu tranh với địch, góp phần quan trọng vào thắng lợi của ta ở Hội nghị Paris về Việt Nam”.
Kỷ niệm những ngày làm việc bên Bác Về kỷ niệm với Bác Hồ, ông nhớ như in lần được bảo vệ Bác đi chợ trong dịp Tết. Ông kể lại: “Những năm đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ III, nền kinh tế miền Bắc nước ta có những chuyển biến mạnh mẽ và đáng tự hào. Những năm đó, Bác Hồ và nhiều đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước liên tục đi thăm và làm việc tại các tỉnh miền Bắc. Đặc biệt, nhân dịp Tết cổ truyền năm Qúy Mão, Bác Hồ đã đề nghị Bộ Chính trị và chỉ thị lãnh đạo Bộ Công an bố trí Bác đi thăm chợ Đồng Xuân - một trung tâm buôn bán sầm uất nhất Hà Nội”. Thể theo nguyện vọng của Người, lãnh đạo Bộ Công an yêu cầu lãnh đạo Cục Cảnh vệ (nay là Bộ Tư lệnh Cảnh vệ) nhanh chóng xây dựng kế hoạch và phương án bảo vệ an toàn tuyệt đối Bác Hồ đi thăm chợ tết tại khu vực Đồng Xuân. Lãnh đạo Cục Cảnh vệ đã triệu tập chỉ huy các đơn vị để bàn bạc xây dựng kế hoạch, phương án sát hợp và khả thi nhất. Thực tiễn công tác bảo vệ Bác Hồ cho thấy bất kỳ ở đâu, Người đều có sức hút kỳ lạ đối với các tầng lớp nhân dân. Do vậy, đi thăm chợ Đồng Xuân trong ngày tết, người đông như mắc cửi, nếu nhận ra Bác Hồ thì bà con kéo đến vây quanh Bác đông biết nhường nào, gây khó khăn và hậu quả khôn lường. Trước tình hình đó, đã có rất nhiều ý kiến đưa ra. Có ý kiến Bác và các đồng chí bảo vệ đóng giả đoàn của Sở Y tế Hà Nội đi kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm khu chợ Đồng Xuân. Cục Cảnh vệ đã cử người sang Sở Y tế Hà Nội mượn quân trang về hoá trang. Người bảo vệ tiếp cận Bác Hồ là đồng chí Phạm Lê Ninh (sau này đồng chí Ninh là Phó Cục trưởng Cục Cảnh vệ) và đồng chí Phạm Đỉnh - cán bộ Phòng Bảo vệ I – Cục Cảnh vệ. Trong lúc hai đồng chí đang chọn, thử bộ quần áo mặc cho vừa thì một đồng chí lãnh đạo Cục đưa ra ý kiến, đồng chí Phạm Lê Ninh không đi bảo vệ Bác lần này được. Vì nhà riêng của đồng chí Ninh ở phố Hàng Khoai, gần chợ Đồng Xuân, rất nhiều người biết đồng chí là cán bộ chuyên đi bảo vệ Bác Hồ. Nếu thấy đồng chí Ninh thì bà con nghi ngờ và phát hiện ra Bác. Do vậy lãnh đạo cử đồng chí Phan Văn Xoàn, Phó Cục trưởng đi bảo vệ tiếp cận Bác và chỉ đạo công tác bảo vệ Người đi chợ tết. Về kỷ niệm này thiếu tướng Phan Văn Xoàn kể lại: "Chúng tôi bàn đi tính lại, phương án hoá trang đóng giả đoàn của Sở Y tế đi kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm chợ Đồng Xuân cũng không khả thi. Vì bà con buôn bán khu vực chợ Đồng Xuân chẳng lạ gì mấy cán bộ ở Sở Y tế Hà Nội hay đi kiểm tra. Thấy người lạ đi kiểm tra, bà con nghi ngờ ngay. Trăn trở, tính toán mãi, lãnh đạo Cục đã đưa ra một phương án tối ưu. Đó là phương án bảo vệ Bác hoàn toàn bí mật, lấy yếu tố bất ngờ để giành thắng lợi trong tình thế khó khăn. Phương án này được lãnh đạo Bộ Công an đồng ý. Đồng chí Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn lên báo cáo Bác, được Bác khen ngợi. Kế hoạch bảo vệ Bác Hồ đi thăm chợ tết Đồng Xuân được triển khai hết sức chặt chẽ và bí mật. Ngày 24/1/1963 (đúng 30 Tết năm Quý Mão), tôi và đồng chí Phạm Đỉnh được giao nhiệm vụ trực tiếp bảo vệ tiếp cận Bác. Sáng sớm hôm đó, cái lạnh của những ngày cuối đông như cắt da cắt thịt, ngoài trời mưa lất phất, hai yếu tố đó càng thuận lợi cho công tác hoá trang của Bác và hai chúng tôi. Lần đó, Bác hoá trang thành một cụ già. Người đội chiếc mũ cát đã cũ, đeo kính lão, mặc bộ quần áo nâu đã bạc màu và chiếc áo bông giữ ấm; bên ngoài khoác chiếc áo mưa bằng vải bạt; cổ quàng khăn len quấn mấy vòng che kín bộ râu; chân đi đôi dép cao su. Bác tự hoá trang rất khéo. Nhìn Bác khi hoá trang, chúng tôi rất xúc động. Là vị Chủ tịch nước, thế mà Người hoá thân thành người dân lao động giống đến từng chi tiết, không ai phát hiện ra. Ba Bác cháu đi chợ được hoá trang bằng mối quan hệ gia đình. Bác là bố, tôi là con và đồng chí Phạm Đỉnh là cháu. Người cháu theo ông đi chợ tết xách chiếc làn đựng mấy túm hành hoa, mấy củ cà rốt và ít rau thơm. Bố con, ông cháu đi chợ tết rất vui và tự nhiên. Ô tô đưa Bác theo đường Phan Đình Phùng đến phố Hàng Đậu. Sau đã, ba “ông cháu” xuống đi bộ theo đường Nguyễn Thiệp rồi rẽ vào phố Hàng Khoai. Đến cổng phía sau chợ Đồng Xuân, bỗng Bác dừng lại ngắm nhìn cảnh nhộn nhịp ở chợ Bắc Qua rồi đi thẳng vào chợ. Tôi hơi lo, vì trong kế hoạch không đi chợ Bắc Qua. Nên tôi vội mời Bác: - Thưa bố! đi đường này cơ mà. Vừa nói tôi vừa giơ tay chỉ về phía chợ Đồng Xuân. Bác mỉm cười cầm tay tôi khẽ nói: - Bố con mình vào đây thăm đã! Thăm xong chợ Bắc Qua, Người sang chợ Đồng Xuân, Bác quan sát rất kỹ, tìm hiểu thái độ, mối quan hệ giữa người mua với người bán và giá cả từng mặt hàng. Người mua sắm hàng tết đông như mắc cửi, vài người sơ ý va vào Bác, họ quay lại lễ độ xin lỗi. Bác gật và cười độ lượng. Thăm chợ Đồng Xuân xong, Bác đi tham quan chợ hoa ở gần đó. Quang cảnh chợ hoa ngày tết tấp nập và đủ loại hoa muôn màu sắc rực rỡ. Đến hàng bán hoa huệ, Bác ngồi xuống chọn một bó huệ và hỏi chị bán hoa: - Bó huệ này bao nhiêu tiền? Tôi lo bị lộ nên trả luôn 2 hào. Rẻ quá chị hàng hoa không bán, tôi nhanh chóng mời Bác đi. Hiểu ý tôi là vì trách nhiệm bảo vệ, nên Người đứng dậy đi và nói nhỏ để tôi đủ nghe: - Trả giá như chú thì đi chợ cả ngày cũng chẳng mua được gì! Thấy Bác không vui, tôi cũng buồn nhưng không hiểu tại sao. Sau này, tôi nghĩ ra thì đã muộn. Bác rất thích hoa huệ, thế mà tôi thì thật vô tâm. Bây giờ, cứ mỗi lần vào Lăng viếng Bác, thăm nhà sàn nơi ở và làm việc của Người. Nhìn thấy những bông huệ ngát hương cắm trên bàn làm việc của Người, lòng tôi lại tê tái vì điều ân hận năm xưa." |