Phát biểu với hãng tin NBC News hôm 27/4, Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio thể hiện sự nghi ngờ về tính hiệu quả của các biện pháp trừng phạt Nga. Ông cho rằng một động thái như vậy sẽ gây nguy hiểm cho các cuộc đàm phán và kéo dài chiến sự.
"Làm như vậy, bạn đã tự rời xa bàn đàm phán và có thể khiến chiến tranh kéo dài 2 năm nữa. Chúng tôi không muốn thấy điều đó xảy ra", ông Rubio nói. Ông khẳng định Mỹ là quốc gia hoặc tổ chức duy nhất đối thoại với cả Kiev và Moscow, và chỉ có Tổng thống Mỹ Donald Trump mới có khả năng đưa các bên vào bàn đàm phán.
Ngoại trưởng Mỹ cũng cho biết một vài ngày tới sẽ là thời điểm rất quan trọng để xác định liệu Mỹ có tiếp tục tham gia vào các nỗ lực chấm dứt cuộc chiến tại Ukraine hay không.
Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio. Ảnh: Reuters
"Đây sẽ là những ngày thực sự quan trọng, khi chúng tôi sẽ phải quyết định xem có muốn tiếp tục tham gia vào nỗ lực này hay liệu đã đến lúc chúng tôi chuyển trọng tâm sang các vấn đề khác, nếu không muốn nói là quan trọng hơn", ông Rubio nói thêm.
Ngoại trưởng Mỹ nhấn mạnh rằng triển vọng đạt được một thỏa thuận hòa bình đang ở mức cao nhất trong 3 năm qua nhưng thừa nhận vẫn chưa thể đạt được một thỏa thuận cuối cùng. Tuy nhiên, trả lời câu hỏi Tổng thống Trump sẵn sàng chờ đợi trong bao lâu để Ukraine và Nga đạt được thỏa thuận, ông Rubio từ chối đặt ra thời hạn cụ thể.
"Sẽ là sai lầm nếu đặt ra một ngày cụ thể. Tổng thống đã dành rất nhiều thời gian và năng lượng cho việc này, và tôi nghĩ rằng chúng tôi đã đưa các bên đến gần nhau hơn sau một thời gian dài, nhưng hiện tại vẫn chưa đạt được kết quả mong muốn", ông lưu ý rằng mặc dù có những lý do để lạc quan, nhưng điều quan trọng là phải nhìn nhận thực tế về tình hình.
Trước đó, phát biểu với các nhà báo trước cuộc gặp với Thủ tướng Na Uy Jonas Gahr Støre tại Nhà Trắng vào ngày 24/4, Tổng thống Trump tuyên bố rằng nước này có thời hạn chót để đạt được "thỏa thuận hòa bình" giữa Ukraine và Nga, cả hai nước phải "đến bàn đàm phán".
Ông chủ Nhà Trắng cho biết "5.000 thanh niên" đang thiệt mạng mỗi tuần trong cuộc xung đột Nga - Ukraine và rằng ông không muốn "việc này kéo dài quá lâu".
"Nhưng tôi nghĩ cả 2 đều muốn tạo ra hòa bình. Tôi tin là vậy. Có rất nhiều sự đối lập ở đó, rất nhiều sự ngờ vực. Nhưng tôi nghĩ, tôi hy vọng chúng ta sẽ đạt được điều đó - vì lợi ích của rất nhiều người trẻ.
Tôi có thời hạn riêng của mình... Và sau đó, chúng ta sẽ có thái độ rất khác. Nhưng tôi nghĩ rằng có một cơ hội rất tốt để thực hiện được điều đó [đạt được hòa bình]", ông Trump thời điểm đó kết luận.