Chia sẻ với PV ĐS&PL, bác sĩ tâm lý Nguyễn Hồng Bách, Trung tâm – Tâm lý lâm sàng Dr MP, cho biết thời gian trước bác sĩ từng tiếp nhận điều trị cho trường hợp nam thanh niên 21 tuổi, ham mê cờ bạc vì nhìn thấy bố mẹ cãi nhau chuyện tiền nong.
Ngọc Nam (21 tuổi, quê Hà Nội) được bố mẹ đưa đến điều trị tâm lý do có vấn đề rối loạn tâm thần, nghiện cờ bạc. Theo chia sẻ từ gia đình, cách đây 5 năm, khi mới 16 tuổi, Nam chơi cờ bạc online.
“Bệnh nhân nói từ nhỏ, cậu đã thường xuyên chứng kiến bố mẹ cãi nhau về vấn đề tiền bạc. Điều này khiến cho cậu muốn tìm cách kiếm tiền.
Khai thác sâu hơn, bác sĩ nhận ra vấn đề, bố của bệnh nhân cũng thường xuyên lô đề, cờ bạc. Khi bố chơi trúng, có tiền về đưa cho mẹ thì mẹ rất vui vẻ, gia đình đầm ấm. Do vậy, cậu hình thành suy nghĩ lệch lạc, sai trái là đánh bài sẽ giúp cậu kiếm nhiều tiền mang về cho bố mẹ”, BS Bách chia sẻ.
Sau khi Nam lao đầu vào con đường cờ bạc được 2 năm thì gia đình phát hiện. Họ phải đi trả nợ cho Nam. Tuy nhiên, thời điểm này, bố mẹ không uốn nắn đúng khiến Nam càng lao đầu vào con đường cờ bạc. Chàng trai trẻ bị nghiện cờ bạc, không chơi sẽ bứt rứt. Cậu tìm mọi cách để có thể chơi, tính tình gắt gỏng.
Khi Nam có những biểu hiện bất thường, gia đình tìm hiểu và quyết định đưa cậu đi điều trị. Bác sĩ Bách cho biết sau khi điều trị được gần một tuần, Nam đã có chuyển biến về tư duy. Qua quan sát, giám sát thì thấy Nam không còn tham gia cờ bạc hay các web cá độ bóng đá.
Chứng kiến bố mẹ cãi nhau vì tiền bạc khiến nam thanh niên lao vào nghiện cờ bạc. Ảnh minh họa
Theo bác sĩ Bách, việc bố mẹ tranh cãi trước mặt con chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến con trẻ. Với trường hợp trên, do sống trong gia đình bố mẹ thường xuyên có những tranh cãi về tiền bạc, bản thân bố cũng có cách kiếm tiền không đúng đã khiến cho cậu bé có những suy nghĩ sai trong việc kiếm tiền.
BS Bách phân tích, với những đứa trẻ sống trong hoàn cảnh bố mẹ hay tranh cãi, các em thường sẽ biểu hiện trốn né và mất niềm tin vào bố mẹ; Hoặc trẻ sẽ phản kháng và mang đến niềm tin tiêu cực, cũng như mất niềm tin vào bố mẹ; Hoặc trẻ sẽ nhìn theo hình tượng của bố mẹ. Nếu hình tượng đó có cách hành xử không đúng sẽ định hình ra nhân cách và cách sống sai cho trẻ; Hoặc với trẻ rối loạn cảm xúc, phổ tự kỷ, điều này ảnh hưởng rất nặng nề lên nhân cách và cách sống.
Bác sĩ tâm lý Nguyễn Hồng Bách, Trung tâm – Tâm lý lâm sàng Dr MP
"Chỉ số tiếp nhận thông tin của trẻ sẽ kém và không phân tích được hành động của cha mẹ. Từ đó, trẻ có thể mất niềm tin vào cuộc sống, mất niềm tin gia đình và rồi mất niềm tin vào chính mình. Chính vì thế, bố mẹ là những người làm gương cho con trẻ, hãy biết kiểm chế cảm xúc, cũng như hiểu tâm lý con trẻ để tránh gặp những trường hợp đáng tiếc xảy ra", BS Bách đưa ra lời khuyên.
* Tên nhân vật đã được thay đổi!