Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Nghịch lý bản quyền truyền hình các trận đấu của tuyển Việt Nam: Bao giờ hết cảnh mua giá “cắt cổ” bán như… cho không?

(DS&PL) -

Các chuyên gia cho rằng, các đơn vị khai thác bản quyền chưa tìm ra khách hàng “mục tiêu” là ai và tiềm năng thế nào để đầu tư và cân bằng giữa “mua vào, bán ra”.

Trong khi các nhà đài Việt Nam phải bỏ ra một số tiền khá lớn để mua bản quyền truyền hình (BQTH) các trận đấu của tuyển Việt Nam, thì ngược lại, khi các trận đấu diễn ra trên sân nhà, BQTH chỉ được đối tác mua với giá bèo. Trước nghịch lý này, nhiều chuyên gia đặt câu hỏi, các đơn vị khai thác bản quyền chưa tìm ra khách hàng "mục tiêu" là ai và tiềm năng thế nào để đầu tư và cân bằng giữa "mua vào, bán ra", song xem ra đây là bài toán cực khó…

Ông Lương Hoàng Hưng, TBT Tạp chí Sở hữu Trí tuệ và Sáng tạo, Phó Chủ tịch Liên hiệp Khoa học Doanh nhân Việt Nam

Đơn vị nắm bản quyền có khai thác tối đa khách hàng?

Có thể nói, chưa bao giờ bóng đá lại có sức “nóng” đối với người hâm mộ Việt Nam như lúc này. Từng trận đấu của thầy trò HLV Park Hang-seo được người hâm mộ theo dõi từng phút. Chính vì thế, không ít lần các đơn vị khai thác BQTH phải vất vả và cân não mới mua được BQTH, mang bóng đá về với cổ động viên. Việc mua BQTH với giá “chát” khiến nhiều nhà đài phải lắc đầu ngao ngán.

Thế nhưng, có một nghịch lý, khi bóng đá về tới sân vận động Mỹ Đình, thì BQTH dường như lại được các đối tác trả giá rất bèo. Theo thông tin mới đây, một đài truyền hình trong khu vực đã tiếp cận để mua BQTH trận Việt Nam - Malaysia vào ngày 10/10 với mức giá được trả khoảng 15.000 USD. Mức giá này chưa bằng 1/10 giá mà Next Media và các nhà đài Việt Nam được đối tác nước ngoài chào mời cho các trận đấu trên sân khách của đội tuyển Việt Nam.

Trong khi đó, ngày 15/10 tới, tuyển Việt Nam sẽ làm khách trên sân Indonesia, giá đối tác nước ngoài chào mời các đơn vị truyền hình tại Việt Nam để sở hữu BQTH trận đấu khoảng 4-5 tỷ đồng. Thậm chí giá trận Indonesia - Việt Nam đang được rao đắt còn hơn cả giá trận Thái Lan - Việt Nam. Câu chuyện tiếp tục được mang ra mổ xẻ khi dư luận cho rằng, phải chăng các nhà khai thác bản quyền chưa có chiến thuật cụ thể và các đối tác nâng giá BQTH là do các CĐV Việt Nam “cuồng” bóng đá?

PV báo ĐS&PL có cuộc trao đổi với Phó Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Việt Nam VFF Cao Văn Chóng. Ông Chóng cho hay: “Việc mua và bán bản quyền truyền hình nó theo quy luật cung cầu nên hết sức bình thường. Các nước khác cũng thế, người ta cũng mua bản quyền cao để phục vụ cho dân người ta”.

Còn chia sẻ với PV, ông Lương Hoàng Hưng, Phó TBT Tạp chí Sở hữu Trí tuệ và Sáng tạo, kiêm Chủ tịch Liên hiệp Khoa học Doanh nhân Việt Nam đã đưa ra những phân tích, mổ xẻ hết sức cụ thể về chiến lược khai thác bản quyền cũng như bán bản quyền.

Ông Lương Hoàng Hưng phân tích: “Trong kinh doanh, xác định tiềm năng và đầu tư vào thương vụ sớm, mua rẻ bán cao thu để thu lợi nhuận là bình thường. Vấn đề ở chỗ khách hàng “mục tiêu” là ai và tiềm năng thế nào để đầu tư và chốt lời. Nếu họ biết rõ nhu cầu mình và chờ thời cơ chào giá. Nhất là biết mình “chưa quyết mua” và còn chờ thông tin thắng một số trận đấu mới quyết tâm mua hay không. Nếu chúng ta mua sớm các trận đấu khi chưa có các thông tin “thuận”, giá sẽ “mềm” hơn.

Bóng đá Việt ngày càng thu hút CĐV nên giá BQTH cũng được đẩy lên. 

Tất nhiên còn có yếu tố đam mê và dân số thị trường truyền hình nước đó bao nhiêu. Điều này quyết định nguồn thu của truyền hình đến từ quảng cáo. Nên khó có thể nói “đắt” hay “rẻ” nếu bỏ qua “độ lớn” của thị trường sản phẩm quảng cáo. Cũng theo ông Hưng, người nắm giữ sản phẩm độc quyền luôn muốn bán với giá cao nhất, đặc biệt là với nhưng khách hàng trong "phân khúc" giá cao. Nếu chúng ta chấp nhận bán rẻ, tức là do chưa xác định được nhu cầu của đối tác thế nào, thị trường của đối tác ra sao... Malaysia dân số không phải là ít, bóng đá cũng chuyên nghiệp, nếu ta không bán rẻ, họ cũng phải chấp nhận mua cao. Quan trọng mình biết thỏa thuận thế nào.

Và một chuyện khá quan trọng của đơn vị nắm bản quyền là phải biết khai thác tối đa các khách hàng trong tầm ngắm: Có nơi bán rẻ, có nơi buộc phải giá cao vì sức ảnh hưởng của người hâm mộ và "thời điểm" họ cần phải mua, vì đội tuyển tiến sâu vào trong. Nếu ta khai thác khách hàng quảng cáo trong nước tốt, đảm bảo lợi nhuận mục tiêu rồi, sẽ không quá lo về việc phải “bán rẻ” nữa. Có thể bán cho nhiều người rẻ chút, nhưng doanh thu và lợi nhuận vẫn đảm bảo thì vẫn chấp nhận được.

Bài toán khó và chiến thuật đàm phán

Cũng theo phân tích của ông Lương Hoàng Hưng, thực tế cho thấy lâu nay ta chưa quen với việc khai thác quyền sở hữu trí tuệ trong thương mại, đặc biệt là lĩnh vực truyền thông. Việc sở hữu bản quyền các tài sản trí tuệ bóng đá, trong đó bản quyền phát sóng trong bóng đá đỉnh cao là một trong những nguồn thu lớn để nuôi sống các đội bóng. Trong các giải đấu quốc tế, ngoài việc bán vé, thì bản quyền truyền hình là nguồn thu khá lớn các ban tổ chức. Bởi thu lợi từ quảng cáo trong các trận đấu là rất lớn cho các spot quảng cáo 15s và 30s. Các đơn vị kinh doanh truyền thông phải có chiến lược và chiến thuật tiếp thị với từng khách hàng tiềm năng để có phương thức chào giá phù hợp với nhu cầu, tiềm lực của khách hàng.

“Chúng ta cũng phải nghiên cứu họ, như họ từng nghiên cứu ta khi "hét giá" mà ta vẫn phải móc hầu bao. Ví dụ Indonesia có 270 triệu dân, nếu chúng ta kêu giá 500.000 USD bản quyền cho trận Indonesia trên sân nhà đội tuyển Việt Nam cũng không phải quá cao. Lúc đó thu quảng cáo của nhà đài tại Indonesia vẫn cân đối lợi nhuận được”, ông Lương Hoàng Hưng phân tích.

Khi hỏi về vấn đề bán và mua BQTH các trận đấu của đội tuyển Việt Nam, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng: “BQTH các trận đấu của đội tuyển Việt Nam phụ thuộc vào quan hệ cung cầu. Khi nhu cầu càng cao, giá sẽ được đội lên, còn nếu nhu cầu thấp thì giá rẻ, nguyên tắc là như vậy”.

Cũng theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, bài toán được đặt ra cho các đơn vị khai thác bản quyền truyền hình chính là khi khai thác bất kỳ BQTH nào, chỉ nên để một đơn vị đàm phán, các đơn vị khác đừng chen chân vào. Khi đối tác thấy quá nhiều đơn vị khai thác bản quyền cùng chung mục đích, chắc chắn họ phải thổi giá cao lên. Vì thế, các đơn vị khai thác cần phải nhìn lại cách đàm phán, thương thảo.

Sáng ngày 20/9, trao đổi với PV báo ĐS&PL, ông Lê Hoài Anh (Tổng thư ký VFF) cho biết: “Đây là bài toán kinh doanh của mỗi một đơn vị khai thác bản quyền. Trong trường hợp họ đưa ra giá cao thì sẽ không mua. Bất cứ một cái gì cũng cần có bài toán về kinh doanh”.

Trước đó, trả lời báo chí, ông Nguyễn Trung Kiên - Tổng Giám đốc Next Media - cho biết sở dĩ đối tác nước ngoài đưa ra mức giá rất cao là do họ nắm được tâm lý người Việt Nam rất yêu bóng đá. Hai năm gần đây thành tích của bóng đá Việt Nam có sự tiến bộ vượt bậc, nhu cầu xem các trận đấu của người dân là rất lớn nên họ lấy cớ đó mà tăng giá một cách vô lý. Dù vậy, với các trận đấu sân nhà của tuyển Việt Nam, giá họ trả lại vô cùng bèo bọt.

Đội tuyển Việt Nam còn 3 trận trên sân khách tại vòng loại World Cup 2022 lần lượt với: Indonesia (15/10/2019), Malaysia (31/3/2020), UAE (9/6/2022). Hiện các đơn vị truyền hình tại Việt Nam đang trong quá trình thương thảo để mua BQTH 3 trận đấu này. Dù mức giá rất cao nhưng chắc chắn BQTH trận đấu của tuyển Việt Nam vào thời điểm này là thứ mà các nhà đài không thể không mua.

Mai Thu

Bài đăng trên báo giấy Đời sống& Pháp luật Chủ nhật số 38

Tin nổi bật