"Xác định doanh nhân là người chiến sĩ trên mặt trận kinh tế"
Trao đổi với Phóng viên Đời sống & Pháp luật, ông Nguyễn Quang Huân - Đại biểu Quốc hội, Phó chủ tịch Hội Doanh nhân tư nhân Việt Nam, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Halcom Việt Nam cho biết, Nghị quyết 68 đóng vai trò quan trọng trong việc “cởi trói”, “gỡ khó” cho các doanh nghiệp tư nhân.
Theo ông Nguyễn Quang Huân, một trong số quan điểm quan trọng của Nghị quyết 68 là “Phát triển kinh tế tư nhân nhanh, bền vững, hiệu quả, chất lượng cao vừa là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách, vừa mang tính chiến lược lâu dài, cần được cụ thể hoá trong các chiến lược, chính sách phát triển của đất nước nhằm phát huy mọi tiềm năng, thế mạnh, giải phóng toàn bộ sức sản xuất, kích hoạt, huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực, nhất là nguồn lực trong Nhân dân cho phát triển kinh tế - xã hội, củng cố và tăng cường quốc phòng, an ninh, tăng cường đối ngoại và hội nhập quốc tế”.
Đại biểu Nguyễn Quang Huân – Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương.
Đặc biệt, ông Nguyễn Quang Huân nhấn mạnh vai trò của quan điểm “Xoá bỏ triệt để nhận thức, tư tưởng, quan niệm, thái độ định kiến về kinh tế tư nhân Việt Nam; đánh giá đúng vai trò quan trọng của kinh tế tư nhân đối với phát triển đất nước; nuôi dưỡng, khuyến khích tinh thần kinh doanh, đổi mới sáng tạo của người dân, doanh nghiệp, tôn trọng doanh nghiệp, doanh nhân, xác định doanh nhân là người chiến sĩ trên mặt trận kinh tế…”
Thay đổi tư duy, nhà khoa học góp sức nâng cao chất lượng đội ngũ doanh nhân
“Hiện nay, đâu đó vẫn còn định kiến, coi doanh nhân là “con buôn”, chưa thực sự tôn trọng vai trò của doanh nhân. Chính vì vậy, quan điểm này sẽ giúp xã hội nhìn nhận tích cực hơn doanh nghiệp, doanh nhân. Một số nhà khoa học, trí thức từ trước đến nay có thể vẫn e ngại chưa muốn làm kinh doanh vì lo ngại định kiến từ xã hội, giờ đây sẽ thay đổi suy nghĩ, góp phần nâng cao chất lượng của đội ngũ doanh nhân”, ông Nguyễn Quang Huân cho biết.
Nghị quyết 68 cũng đặt ra một số mục tiêu như đến năm 2030, phấn đấu có 2 triệu doanh nghiệp hoạt động trong nền kinh tế, 20 doanh nghiệp hoạt động/nghìn dân. Có ít nhất 20 doanh nghiệp lớn tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Tốc độ tăng trưởng bình quân của kinh tế tư nhân đạt khoảng 10-12%/năm, cao hơn tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế; đóng góp khoảng 55-58% GDP, khoảng 35-40% tổng thu ngân sách nhà nước, giải quyết việc làm cho khoảng 84-85% tổng số lao động; năng suất lao động tăng bình quân khoảng 8,5-9,5%/năm.
Theo ông Nguyễn Quang Huân, những mục tiêu này được lượng hóa rất cụ thể, từ đó toàn bộ hệ thống chính trị vào cuộc, dồn lực hoàn thành. Chỉ tiêu về năng suất lao động tăng bình quân khoảng 8,5 -9,5%/năm đến năm 2023 cho thấy tín hiệu tốt trong việc thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ đổi mới sáng tạo, góp phần tăng trưởng lợi nhuận cho doanh nghiệp thông qua việc tăng năng suất lao động. Bên cạnh đó, chỉ tiêu có 2 triệu doanh nghiệp hoạt động trong nền kinh tế đến năm 2030 cho thấy dư địa dồi dào cho các doanh nghiệp khởi nghiệp (start-up).
Khi xử lý các sai phạm về dân sự kinh tế, ưu tiên áp dụng các biện pháp về dân sự, kinh tế, hành chính trước.
Theo ĐBQH Nguyễn Quang Huân, trong Nghị quyết 68, chỉ tiêu về năng suất lao động tăng bình quân khoảng 8,5 -9,5%/năm đến năm 2023 cho thấy tín hiệu tốt trong việc thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ đổi mới sáng tạo, góp phần tăng trưởng lợi nhuận cho doanh nghiệp thông qua việc tăng năng suất lao động.
Nghị quyết 68 cũng nêu rõ về việc chấm dứt tình trạng thanh tra, kiểm tra chồng chéo, trùng lắp, kéo dài, không cần thiết; bảo đảm nguyên tắc chỉ thực hiện thanh tra, kiểm tra mỗi năm 1 lần đối với doanh nghiệp, trừ trường hợp có bằng chứng rõ ràng về việc doanh nghiệp vi phạm; xử lý nghiêm các hành vi lạm dụng thanh tra, kiểm tra để nhũng nhiễu, gây khó khăn cho doanh nghiệp. Xây dựng hệ thống dữ liệu và công cụ trí tuệ nhân tạo cảnh báo sớm về các nguy cơ vi phạm pháp luật. Ứng dụng mạnh mẽ chuyển đổi số trong hoạt động thanh tra, kiểm tra, kiểm toán. Triển khai thanh tra, kiểm tra trực tuyến, ưu tiên thanh tra, kiểm tra từ xa dựa trên các dữ liệu điện tử, giảm thanh tra, kiểm tra trực tiếp. Miễn kiểm tra thực tế đối với các doanh nghiệp tuân thủ tốt quy định pháp luật.
Bên cạnh đó, khi xử lý các sai phạm, vụ việc về dân sự kinh tế, ưu tiên áp dụng các biện pháp về dân sự, kinh tế, hành chính trước, cho phép các doanh nghiệp, doanh nhân được chủ động khắc phục sai phạm, thiệt hại. Trường hợp thực tiễn áp dụng pháp luật có thể dẫn đến xử lý hình sự hoặc không xử lý hình sự thì kiên quyết không áp dụng xử lý hình sự. Trường hợp đến mức xử lý hình sự thì ưu tiên các biện pháp khắc phục hậu quả kinh tế trước và là căn cứ quan trọng để xem xét các biện pháp xử lý tiếp theo. Không hồi tố các quy định pháp luật để xử lý bất lợi cho doanh nghiệp. Đối với các vụ việc thiếu chứng cứ, chứng cứ không rõ ràng phải sớm có kết luận, tránh ảnh hưởng đến uy tín, hoạt động sản xuất kinh doanh bình thường của doanh nghiệp, doanh nhân. Bảo đảm nguyên tắc suy đoán vô tội trong quá trình điều tra, xét xử các vụ án.
“Những nội dung này đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp yên tâm hơn trong đầu tư kinh doanh, đóng góp cho sự phát triển đất nước”, ông Nguyễn Quang Huân khẳng định.
Ngoài ra, theo ông Nguyễn Quang Huân, với Nghị quyết 68, hai điểm quan trọng là “Hoàn thiện hệ thống pháp luật, xoá bỏ các rào cản tiếp cận thị trường đảm bảo môi trường kinh doanh thông thoáng, minh bạch, rõ ràng, nhất quán, ổn định lâu dài, dễ tuân thủ, chi phí thấp” và “Không hồi tố các quy định pháp luật để xử lý bất lợi cho doanh nghiệp” sẽ giúp “Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế” như văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII đã nhấn mạnh.
Cần khơi thông chính sách để doanh nghiệp "vươn mình" thành các Tập đoàn lớn
Trao đổi bên hành lang Quốc hội, đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn ĐBQH TP.HCM) khẳng định, kinh tế tư nhân vốn đã là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia. Cho đến nay kinh tế tư nhân đã và đang đóng góp lớn vào nền kinh tế giải quyết việc làm, tăng trưởng GDP và an sinh xã hội.
"Hãy hình dung 40 năm trước, khi chúng ta thực hiện Đổi mới (năm 1986), Trung ương Đảng công nhận nền kinh tế chúng ta là nền kinh tế nhiều thành phần, trong đó có kinh tế cá thể, từ đó kinh tế cá thể đã có sự đóng góp lớn cho đất nước. Lần này Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 68 về kinh tế tư nhân, hướng đến mục tiêu năm 2030 có 2 triệu doanh nghiệp vào năm 2030 và 3 triệu doanh nghiệp vào năm 2045", ông Ngân nói.
Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân (Đoàn TP.HCM).
Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân (Đoàn TP.HCM).Theo ông Ngân, muốn doanh nghiệp tư nhân dẫn dắt đất nước thì phải có nhiều hơn nữa các tập đoàn lớn, đủ mạnh, sánh vai với các tập đoàn lớn thế giới. Do đó, yêu cầu tất yếu khách quan là cần những cơ chế, thể chế biệt đãi với doanh nghiệp tư nhân và Nghị quyết 68 ra đời với mong muốn đòi hỏi ấy.
"Để những chủ trương, quyết sách lớn đi vào cuộc sống, chúng ta cần luật hóa quan điểm của Đảng, Nhà nước về phát triển kinh tế tư nhân và tại Kỳ họp này, Quốc hội bàn đến sửa nhiều luật, trong đó có Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, yêu cầu đặt ra là phải đổi mới, phải phản ánh được tư duy, chủ trương của Nhà nước vào trong luật", ông Ngân nói thêm.
Theo đại biểu Trần Hoàng Ngân, chủ trương của Đảng ban hành, song cần nhanh chóng sửa đổi nhằm đồng bộ hóa chính sách, xóa bỏ hiện trạng "rừng luật" hiện nay, như vậy mới khiến kinh tế tư nhân có điều kiện phát triển.
"Chúng ta ao ước hàng triệu doanh nghiệp tư nhân để phát triển đất nước, thì phải làm sao khơi thông chính sách cho đội ngũ doanh nghiệp lớn lên thành các tổng công ty, tập đoàn lớn như Vingroup, Sungroup, Hòa Phát, Thaco…", ĐBQH Trần Hoàng Ngân nói.
Nghị quyết 68 thay đổi triệt để mọi định kiến về kinh tế tư nhân
Trao đổi bên hành lang Quốc hội, phân tích về Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị, đại biểu Phan Đức Hiếu - Ủy viên Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội nói rằng: "Nghị quyết thay đổi triệt để mọi định kiến về kinh tế tư nhân".
Ông Hiếu nhìn nhận, thông điệp của Nghị quyết 68 khác với các Nghị quyết khác về kinh tế tư nhân của Bộ Chính trị (Nghị quyết 10) ở 3 khía cạnh: Một là giảm phiền hà (cắt giảm giấy phép kinh doanh, đơn giản thủ tục hành chính…); Hai là là tăng sự bảo vệ, an toàn của doanh nhân; Ba là khơi thông nguồn lực.
Tinh thần Nghị quyết có 2 điểm mới là vai trò, vị thế của kinh tế tư nhân ngày càng được coi trọng và khẳng định luôn trong Nghị quyết: Kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia.
"Nghị quyết 68 thay đổi tư duy toàn xã hội, thay đổi mọi định kiến về kinh tế tư nhân, bỏ tất cả những gì là tồn dư đối với người làm kinh tế, kinh doanh", ông Hiếu nói.
Đại biểu Phan Đức Hiếu - Ủy viên Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội.
Theo ông Hiếu, Nghị quyết 68 giảm sự phiền hà cho doanh nghiệp nói chung, tư nhân nói riêng thể hiện ở quan điểm: Chuyển từ "tiền kiểm" sang "hậu kiểm", người dân được phép làm tất cả những điều mà luật pháp không cấm hay chủ trương không hình sự hóa quan hệ kinh tế. Ông cho rằng, trong kinh doanh thì rủi ro và sai lầm là khó tránh khỏi. "Rủi ro về thị trường không nói vì đó là vấn đề thường trực, ai cũng đối diện, doanh nhân nước nào cũng đối diện; còn rủi ro về pháp lý, thể chế là khó giải quyết hơn, vì thuộc về khách quan và không thể lường trước được", ông Hiếu nói.
Ủy viên Ủy ban Kinh tế và Tài chính nhấn mạnh: "Nghị quyết 68 nêu bật quan điểm cái gì chưa rõ thì ưu tiên áp dụng việc xử lý bằng luật dân sự, thay vì luật hình sự. Điều này tạo điều kiện cho doanh nhân có cơ hội làm lại".
ĐBQH Phan Đức Hiếu bày tỏ sự tin tưởng và kỳ vọng khi các quyết sách về tinh gọn, sáp nhập bộ máy cả Trung ương và địa phương, thủ tục hành chính sẽ thông thoáng, nhanh hơn rất nhiều, điều này sẽ tạo bệ phóng để tinh thần Nghị quyết 68 thực sự đi vào cuộc sống.
Cho đây là cuộc đại phẫu thuật nền kinh tế, ĐBQH Phan Đức Hiếu cho rằng, sẽ không có chỗ cho doanh nghiệp chậm chân, kinh doanh bằng mô hình cũ, do đó doanh nghiệp cần mạnh dạn đẩy mạnh đầu tư phát triển, ứng dụng khoa học, công nghệ mới, vật liệu mới để tăng tốc bứt phá.