Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Nghệ sĩ Bạch Mai: Nàng “Mạnh Lệ Quân” đa tài nhưng cuộc đời lắm truân chuyên

(DS&PL) -

Ở tuổi thất thập cổ lai hy, nghệ sĩ Bạch Mai đã thấu hết những bĩ cực trong đời của một người theo nghiệp xướng ca.

Ở tuổi thất thập cổ lai hy, nghệ sĩ Bạch Mai đã thấu hết những bĩ cực trong đời của một người theo nghiệp xướng ca. Có lẽ vai diễn “Mạnh Lệ Quân” năm 15 tuổi đã vận vào thân phận nghệ sĩ - một Bạch Mai đa tài nhưng lắm truân chuyên. Nếu trong vở tuồng, Mạnh Lệ Quân có được cái kết có hậu, hạnh phúc bên chồng thì nghệ sĩ Bạch Mai đang trải qua những ngày “thái lai” cùng con cái và nghệ thuật.

Diễn vai Mạnh Lệ Quân vào năm 15 tuổi

Xin chào nghệ sĩ Bạch Mai, ở tuổi 72, trải qua nhiều cung bậc, thăng trầm của cuộc đời, có những thứ muốn quên và những điều ghi khắc nhưng chắc bà vẫn không quên được khoảng thời gian mới vào nghề?

Khoảng thời gian đó, tôi nhớ mãi, mỗi ngày, tôi vừa đi học vừa ngồi sau cánh gà xem các cô chú, anh chị biểu diễn. Khi đó, NSND Phùng Há thường xuống tập tuồng, biểu diễn với chú Hoàng Bá vở Máu nhuộm Phụng Hoàng Cung, Phàn Lê Huê phá hồng thủy trận, Phụng Nghi Đình, Lữ Bố hí Điêu Thuyền. Tôi xem nhiều nên mê lúc nào không rõ. Mê quá, tôi bỏ học từ sớm để theo nghề hát. Lúc đoàn cải lương tuồng cổ Huỳnh Long biểu diễn ở Cái Bè, tỉnh Tiền Giang, cô Năm Thài, người đóng vai Mạnh Lệ Quân, bỗng dưng đòi tăng lương.

Cô yêu cầu lên lương, ba má của tôi không bằng lòng. Ba má cũng đã tăng lương cho cô đôi ba lần nhưng do vợ chồng cô Năm hút á phiện nên bao nhiêu tiền cũng không đủ. Không được đáp ứng yêu cầu, qua hôm sau, cô Năm chở quần áo, bỏ đoàn đi nơi khác. Cô Năm Thài chắc chắn sẽ không ai có thể thay thế cô hát vai Mạnh Lệ Quân nên mới ỷ lại, liên tục đòi tăng lương, làm khó ba má tôi. Thế nhưng, đâu ai ngờ, đêm nào tôi cũng ngồi cánh gà xem và học thuộc từng câu văn của vai diễn đó. Tối đêm đó, đoàn giới thiệu hát tuồng Mạnh Lệ Quân nhưng không ai thế vai nên cả đoàn rối bời. Lúc đó, tôi tìm gặp bác Tư, một thầy tuồng của đoàn và nói: “Bác Tư ơi, bác nói ba má con cho con diễn vai Mạnh Lệ Quân”. Lúc đó, tôi chỉ mới đang làm những vai tỳ nữ, vai phụ. Cho nên, bác Tư nghe xong liền nói: “Đừng có giỡn chơi hoài, chuyện người lớn, con nít đừng nói giỡn”. Tôi mới mạnh dạn: “Dạ không có, con nói thiệt”. Thấy tôi quyết tâm, bác Tư mới kêu tôi diễn cho bác xem thử. Tôi diễn xong, bác mới nói: “Nhỏ này diễn có lý quá ta”.

Thế là, tối đêm đó, tôi được diễn vai Mạnh Lệ Quân. Mặc dù, cô Năm Thài đâu có dạy tôi hát ngày nào nhưng tôi nghĩ nếu không có cô diễn làm sao tôi biết được những lời văn đó. Nhất tự vi sư, bán tự vi sư, nên tôi vẫn xem cô ấy như thầy của mình. Tôi nhớ một lần xin cô Năm Thài dạy cho một câu hát mà cô ấy kêu tôi phải đi mua thuốc phiện để trả công. Con đường đi mua thuốc tối mù, tôi lại sợ ma nên đi mà cứ bấm tay, niệm Phật phù hộ. Từ chỗ đó, tôi không dám xin cô dạy nữa. Và cũng nhờ vậy, sau này, tôi chẳng giấu nghề, mầm non nào muốn học ca hát, tôi đều sẵn lòng dạy dỗ.

Nghệ sĩ Bạch Mai

Nếu nói rằng, bà được làm đào chánh từ lúc còn rất trẻ một phần do ưu thế con của bầu gánh hát thì có đúng không?

Đúng, tôi có ưu thế hơn. Mặc dù gương mặt của tôi có đẹp một chút nhưng tôi lại không có sắc vóc, thấp người. Chất giọng của tôi cũng không bằng ai nhưng biết diễn, vũ đạo tốt. Với ưu thế con của bầu, tôi được hát chánh, phải đóng chánh, rồi đóng chánh từ ngày này qua ngày khác, khán giả xem quen mắt, người ta vừa ý, người ta đặt trọng tâm để yêu thích.

Được ưu ái hơn những đồng nghiệp khác, chắc bà cũng chịu không ít sự ganh ghét trong nghề?

Tất nhiên, trong quy luật của nghệ thuật, ai cũng không thể thoát khỏi những sự ganh ghét đó, chứ không riêng gì cải lương tuồng cổ. Nhiều anh chị nghệ sĩ lớn như: Út Bạch Lan, Thành Được, Hữu Phước... vẫn nằm trong quy luật đó, không thoát. Bởi, tâm tính con người làm sao biết được người nào ra sao. Thế nhưng, bằng khả năng và đạo đức, tôi cũng khiến một số người tâm phục. Từ đào chánh chỉ biết ca diễn, bà chuyển sang viết kịch bản, làm đạo diễn như thế nào? Tính đến nay, tôi viết kịch bản cũng được mấy chục năm. Tôi viết được kịch bản cũng nhờ Tổ nghề ban cho. Từ nhỏ, tôi lớn lên, sống trong một gia đình truyền thống về bộ môn cải lương tuồng cổ Hồ Quảng, có cơ hội học hỏi rất nhiều. Trong cánh gà sân khấu, tôi chứng kiến cảnh các nghệ sĩ phải hát cương, xuất khẩu thành văn, bởi đoàn hát nhiều đến nỗi mà thầy tuồng viết không kịp kịch bản. Tôi cũng học cách hát cương đó nên tập được tư duy sáng tạo, phát triển ý tưởng cho các tuồng hát. Cho đến năm 1980, tôi bắt đầu tập tành viết kịch bản. Kịch bản đầu tay mà tôi viết có tên Xử án Phi Giao gây được tiếng vang. Tôi có nhiều bút danh như: Bạch Mai, Kim Mai, Ngọc Mai, Thanh Trúc, Ngọc Châu... và hàng trăm kịch bản cải lương. Về việc làm đạo diễn, tôi chỉ là đạo diễn “cánh gà”, chưa qua trường lớp. Tôi với nghệ sĩ Thanh Tòng ngồi cánh gà xem cô bác lớn hát rồi rút tỉa kinh nghiệm. Nghề dạy nghề. Đau khổ khi con trai chết mà không dám về nhìn mặt lần cuối Đoàn cải lương tuồng cổ Huỳnh Long có bà làm trụ cột nhưng vẫn bước vào giai đoạn xuống dốc.

Dường như, có một khoảng thời gian bà phải đi nơi khác sinh sống để lẩn tránh những món nợ vay mượn để duy trì đoàn hát?

 Thời điểm đoàn Huỳnh Long có nhiều nghệ sĩ nổi tiếng và bước vào thời vàng son chỉ ngắn hạn. Sau đó, tôi phải cố gắng duy trì đoàn trong thời gian hơn 10 năm. Không có tuồng mới, khán giả không xem, không có tiền, tôi phải đi chạy nợ, phát lương cho nghệ sĩ. Vì vậy, tôi mắc nợ mấy chục năm nay. Tôi không đánh bài cờ bạc, không làm gì sai cả, chỉ lo lắng cho đoàn mà mượn nợ, mượn tiền chỗ này đóng lời chỗ kia, có những chủ nợ làm rùm beng lên. Tôi chịu đủ.

Đau khổ đến mức con trai tôi (nghệ sĩ Chinh Nhân) chết, tôi không dám về nhìn mặt con.

Hiện tại, có lẽ, bà đã giải quyết được hết các rắc rối liên quan đến tiền bạc?

Lúc đó, tôi không biết nên vay nợ, mượn tiền bên đây đóng tiền bên kia, dần dần tiền lãi tăng lên một con số kinh khủng. Lúc đó, tôi phải xoay qua mượn tiền “mấy người Hải Phòng”. Nhờ trời, con gái Bình Tinh của tôi hiếu thảo, đã cố gắng thay tôi giải quyết được tất cả mọi chuyện. Bên cạnh đó, Kim Tử Long - Một đứa em kết nghĩa với tôi cũng đã giúp đỡ gia đình rất nhiều. Sau khi Chinh Nhân nằm xuống, gia đình tôi khổ sở lắm. Bình Tinh khóc lên khóc xuống, vừa khóc anh vừa khóc không biết mẹ ở nơi nào.

Con bé biết tôi ở chùa nhưng không biết rõ chùa nào, ở đâu. Khi vừa nghe Chinh Nhân chết, cái xác còn nằm đó, Kim Tử Long liền đem xuống 300 triệu đồng đưa cho Bình Tinh. Kim Tử Long nói với con tôi: “Con cầm số tiền này trả hết nợ nần cho mẹ con đi, rồi tìm cách nhắn tin như thế nào cho mẹ biết mẹ về”. Thực chất, tôi biết nhưng tôi không về. Tôi đau lòng quá, tôi không về. Ngày đêm tôi tụng kinh mong con trai mau siêu thoát.

Trong cuộc đời tôi, nỗi đau đó lớn vô cùng. Sau khi Chinh Nhân mất, Bình Tinh thi chương trình Sao nối ngôi và đạt được giải Quán quân. Con bé bắt đầu lo hết cho tôi, đền ơn cho ba Long của nó. Nó năn nỉ từng chủ nợ của tôi cho nó góp dần. Cho đến năm nay, tôi không còn nợ ai nữa. Nhớ lại, tôi vẫn còn sợ cảm giác mỗi lần ngồi ở nhà mà chủ nợ đi ngang nhìn thấy, lôi đầu ra bảo phải góp, đóng lời, la lối, làm nhục. Tôi phải ở đầu này đầu nọ, không dám về nhà. Người ta có chồng nhờ chồng nhưng tôi không được như vậy mà ngược lại, tôi phải lo lắng mọi thứ. Người trong giới ngạc nhiên và thắc mắc: “Bà Mai sao thiếu nợ, bả không biết cờ bạc, không ăn chơi”. Dĩ nhiên, nhiều người cũng biết chồng tôi mê đánh đề dữ lắm.

Mối tình đẹp của 2 nghệ sĩ tài năng Đức Lợi - Bạch Mai lại ẩn chứa nhiều đau khổ như vậy sao?

Tôi với chồng, 2 đứa hát chung sân khấu. Từ lúc, mới yêu cho đến khi thành vợ chồng tôi không được anh Lợi thương yêu, lo lắng, mà ngược lại, tôi phải chăm sóc cho anh và cả gia đình anh. Ròng rã mấy chục năm, tôi phải sống như thế. Nhược điểm của anh là bồ bịch dữ lắm, quen cô này chụp cô kia dù anh đã có vợ, có con. Đồng thời, thói nghiện cờ bạc đánh đề của anh thì bất di bất dịch. Tôi phải trả nợ cho anh 3 lần. Tôi có nói với anh nếu anh vẫn tái diễn chuyện nợ nần cờ bạc thì tôi sẽ ly hôn. Tôi không muốn ly hôn đâu nhưng có tác động của 1 người. Đó là người ơn giúp đỡ tôi. Họ nói người chồng như vậy thì ly dị đi, thà sống một mình nuôi con còn hơn. Tôi nghe vậy mới đưa đơn ra tòa. Ba năm tôi mới ly dị được với anh. Tôi biết không có tôi thì anh cũng không thiếu phụ nữ trong đời. Thế nhưng, riêng tôi, từ lúc con gái 18 tuổi cho đến khi cưới anh, không có người thứ hai. Tôi không thích lăng nhăng. Ly hôn chồng năm đó, hình như tôi mới hơn 40 tuổi nhưng vẫn sống vậy nuôi con. Xin cảm ơn những chia sẻ của bà!

Ngọc Lài
Bài đăng trên ấn phẩm báo in Đời sống và Pháp luật Chủ nhật số 2

Tin nổi bật