VietNamNet đưa tin, chiều 23/9, thông tin từ Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh Nghệ An cho hay, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 4, từ ngày 17 - 22/9, tỉnh có mưa to, có nơi mưa rất to.
Tổng lượng mưa đo được tại một số trạm khí tượng dao động từ 246 - 360mm, cá biệt có trạm 527mm; Con Cuông 457mm; TP Vinh 421mm; Quỳnh Lưu 411mm,... Đợt mưa lớn này khiến 3 người chết và 1 người bị thương nặng.
Nhà dân ở ở xã Thông Thụ, huyện Quế Phong, Nghệ An bị sập hoàn toàn. Ảnh: VietNamNet
Mưa lớn đã khiến hàng chục ngôi nhà dân bị sập và hư hại. Chính quyền các địa phương đã khẩn trương di dời hàng trăm hộ dân do nguy cơ sạt lở đất và đá. Trong đó, huyện Con Cuông là nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất với 55 hộ phải di dời; huyện Tương Dương sơ tán 36 hộ, có 19 hộ có nguy cơ bị sạt lở móng nhà; huyện Quế Phong di dời 16 hộ dân.
Chia sẻ trên báo Tuổi Trẻ, ông Bùi Văn Hiền - phó chủ tịch UBND huyện Quế Phong, Nghệ An - cho biết do mưa lớn liên tiếp khiến địa bàn huyện Quế Phong xảy ra sạt lở núi, đất đá tràn xuống làm hư hỏng nhà cửa của một số hộ dân ở các xã Thông Thụ, Cắm Muộn.
Ngay trong chiều và tối 23/9, huyện Quế Phong phối hợp với các lực lượng quân đội, công an di dời khẩn cấp 26 hộ dân với 126 nhân khẩu ra khỏi vùng sạt lở nguy hiểm. Trong đó, xã Thông Thụ 16 hộ, Tri Lễ 5 hộ, Cắm Muộn 2 hộ, Hạnh Dịch 1 hộ, Quang Phong 2 hộ.
"Huyện đang chỉ đạo các địa phương tiếp tục kiểm tra, rà soát các điểm sạt lở nhằm cảnh báo cho nhân dân cũng như sẵn sàng huy động lực lượng, có phương án di dời kịp thời nhằm đảm bảo an toàn cho nhân dân", ông Hiền nói.
Ngoài huyện Quế Phong, tại các huyện Anh Sơn, Con Cuông, Thanh Chương và TP Vinh cũng phải di dời hàng trăm hộ dân khỏi các vùng có nguy cơ sạt lở, ngập lụt... tới nhà văn hóa, trường học ở tạm.
Ông Nguyễn Đức Trung, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An, đã có công điện yêu cầu các bí thư, chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã và thủ trưởng các cơ quan, đơn vị liên quan tập trung triển khai công tác ứng phó, khắc phục hậu quả do mưa lớn, ngập lụt, sạt lở đất do hoàn lưu bão số 4 gây ra. Công điện nhấn mạnh việc đảm bảo an toàn tính mạng của người dân trong thiên tai.
Công điện chỉ rõ: "Kiên quyết di dời, sơ tán người, phương tiện và tài sản ra khỏi các khu vực nguy hiểm, nhất là khu vực có nguy cơ sạt lở đất, lũ ống, lũ quét, ngập lụt để bảo đảm an toàn về tính mạng. Sẵn sàng lực lượng, phương tiện để kịp thời cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu.
Xem xét trách nhiệm người đứng đầu các tổ chức, cơ quan, đơn vị lơ là, chủ quan trong thực hiện nhiệm vụ phòng, chống thiên tai, mưa, lũ. Xử lý nghiêm các trường hợp không tuân thủ chỉ đạo của cơ quan chức năng và lực lượng có thẩm quyền trong công tác phòng chống thiên tai, mưa, lũ".
Theo Trung tâm dự báo Khí tượng và Thủy văn quốc gia, tính đến trưa nay các tỉnh vùng núi, trung du Bắc Bộ và các tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế có mưa to, có nơi mưa rất to như: Km46 100mm (Sơn La); Lũng Vân 147mm (Hòa Bình); Lý Nhân 105mm (Thanh Hóa); Chợ Tràng 364mm (Nghệ An); Hồ Khe Cò 268mm (Hà Tĩnh);Trọng Hóa 121mm (Quảng Bình); Thủy điện Bình Điền 106mm (Thừa Thiên Huế);...
Hiện khu vực các tỉnh vùng núi Bắc Bộ tiếp tục có mưa với lượng mưa phổ biến nhỏ hơn 10mm, có nơi trên 20mm; Các tỉnh đồng bằng, trung du Bắc Bộ và Thanh Hóa có mưa từ 10-20mm, có nơi trên 50mm; Các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Bình có mưa từ 20-40mm, có nơi trên 80mm; Thừa Thiên Huế từ 10-30mm, có nơi trên 50mm.
Cảnh báo nguy cơ xảy ra lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất trên sườn dốc tại nhiều huyện.
Trước tình hình mưa lớn vẫn tiếp tục kéo dài, Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai cũng đề nghị các tỉnh Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, Tây Nguyên, Nam Bộ triển khai phương án ứng phó với mưa lớn; các tỉnh Ninh Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh ứng phó với lũ trên các sông.
Các tỉnh Bắc Bộ tiếp tục đảm bảo an toàn và khắc phục sự cố đê điều; khắc phục thiệt hại do bão số 3 và mưa lũ sau bão, tìm kiếm người mất tích, dọn dẹp, vệ sinh môi trường sớm ổn định đời sống của nhân dân; các tỉnh Bắc Trung Bộ khắc phục thiệt hại do bão số 4, thông tin trên báo Tiền Phong.