Theo báo Kinh Tế Đô Thị, ngày 15/4, sở Y tế TP.HCM đã chính thức có kế hoạch cụ thể cho công tác triển khai tổ chức tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho gần 900.000 trẻ từ 5 – dưới 12 tuổi.
Theo đó, ngày 16/4, TP.HCM sẽ bắt đầu tổ chức tiêm vaccine ngừa COVID-19 mũi 1 cho trẻ từ 5 – dưới 12 tuổi, việc tiêm chủng kéo dài 14 ngày. Riêng ngày 16/4, TP.HCM chỉ khởi động với học sinh lớp 6 tại một số trường được các quận, huyện lựa chọn để đánh giá an toàn có sự điều chỉnh (nếu có).
Chiến dịch tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho trẻ từ 5 – dưới 12 tuổi sẽ được triển khai đại trà từ ngày 18/4. Đối tượng tiêm lần này là trẻ rất nhỏ nên quá trình tiêm tuyệt đối không áp lực thời gian, chạy theo tiến độ mà phải đảm bảo tuyệt đối an toàn cho trẻ, đặt an toàn tiêm chủng cho trẻ lên trên hết, bên cạnh đó phải có sự đồng thuận của phụ huynh thì mới tiêm.
TP.HCM tiêm theo lứa tuổi giảm dần, ưu tiên tiêm trước cho trẻ đang học lớp 6 và hạ dần theo độ tuổi tùy theo tiến độ cung ứng vaccine. Hai loại vaccine được sử dụng trong chiến dịch tiêm chủng lần này theo quy định của bộ Y tế là vaccine Pfizer và Moderna. Chỉ sử dụng cùng một loại vaccine để tiêm đủ 2 mũi cho mỗi trẻ từ 5 – dưới 12 tuổi, không tiêm trộn.
Báo Pháp Luật TP.HCM thông tin, TP.HCM sẽ tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho khoảng 898.537 trẻ, trong đó có 885.730 trẻ đi học và 12.807 trẻ không đi học, được nuôi dưỡng tại các cơ sở bảo trợ xã hội.
Trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi đã từng mắc COVID-19 sẽ được tiêm vaccine ngừa COVID-19 sau 90 ngày kể từ ngày mắc bệnh. Trẻ sẽ được tiêm tại trường học, cộng đồng, các cơ sở tiêm chủng và bệnh viện (đối với trẻ đang điều trị nội trú hoặc có chỉ định tiêm tại bệnh viện).
Với trẻ đang học lớp 5, sở Y tế và sở GD&ĐT thông nhất chọn 5 trường tiểu học để tiêm thí điểm, gồm Nguyễn Bỉnh Khiêm (quận 1), Bàu Sen (quận 5), Dương Minh Châu (quận 10), Hồ Văn Huê (Phú Nhuận) và Tân Sơn Nhì (Tân Phú).
Hai loại vaccine được sử dụng trong chiến dịch tiêm chủng lần này theo quy định của bộ Y tế là vaccine Pfizer và Moderna. Ảnh minh họa: Kinh Tế Đô Thị
Các nhà trường sẽ sơ kết sau khi tiêm thí điểm, sau đó tiêm đồng loạt cho trẻ ở 22 quận, huyện, thành phố Thủ Đức từ ngày 18-28/4. Mũi 2 dự kiến tiêm trong vòng 14 ngày sau khi đủ thời gian và khoảng cách giữa hai mũi.
Để triển khai chiến dịch tiêm chủng đảm bảo an toàn, TP.HCM đã huy động 74 xe cấp cứu của Trung tâm Cấp cứu 115, đồng thời phối hợp với 3 bệnh viện nhi đồng thành phố để xử lý các trường hợp phản vệ sau tiêm.
Ngoài ra, ngành y tế cũng huy động 604 đội tiêm với hơn 7.000 nhân viên y tế để có thể tiêm hết cho 898.537 trẻ trong suốt chiến dịch. Bên cạnh lực lượng chỗ của từng quận, huyện, sở Y tế cũng huy động thêm 193 đội tiêm từ các bệnh viện, phòng khám đa khoa.
Sở Y tế TP.HCM lưu ý, Giám đốc Trung tâm y tế quận, huyện là đầu mối đảm bảo an toàn tiêm chủng và an toàn phòng, chống COVID-19 tại các điểm tiêm, đảm bảo điểm tiêm thực hiện đúng theo quy trình một chiều, bố trí cấp cứu, sắp xếp bàn hướng dẫn…
Nếu điểm tiêm nào chưa được giám sát, kiểm tra an toàn tiêm chủng thì không được tổ chức tiêm. Công tác phân luồng phải được quản lý kỹ, tuyệt đối không để xảy ra trường hợp trẻ tiêm 2 mũi/buổi tiêm.
Các nhà trường được bố trí làm điểm tiêm cần đặc biệt lưu ý công tác phối hợp với ngành y tế, trung tâm y tế để đảm bảo buổi tiêm diễn ra an toàn, có sự phối hợp giám sát giữa giáo viên chủ nhiệm, phụ huynh. Phải bố trí cô giáo đi cùng để hỗ trợ học sinh.
Theo quyết định phân bổ 921.600 liều vaccine Moderna do Chính phủ Úc viện trợ, TP.HCM và Hà Nội là hai địa phương được phân bổ số lượng vaccine lớn nhất với lần lượt là hơn 87.500 và 72.700 liều. Các tỉnh Thanh Hoá, Nghệ An, Đồng Nai được phân bổ từ 31.000 - 35.700 liều, trong khi đó, các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Cần Thơn nhận 3.300 liều.
Đinh Kim (T/h)