Chứng kiến nhiều câu chuyện
Cụm từ “thế giới người điên” có lẽ quá quen thuộc với BS.CKII Phạm Phương Mai, Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện tâm thần ban ngày Mai Hương.
Hơn 30 năm công tác trong nghề, chị cũng từng ấy năm chứng kiến vô vàn câu chuyện vui buồn của bệnh nhân và gia đình.
Trò chuyện với PV Đời sống & Pháp luật, nữ bác sĩ cho hay: “Có những câu chuyện bi thương đến đau lòng. Với các bệnh nhân tâm thần, họ như ở một thế giới khác, suy nghĩ hành động đầy bất thường”.
Chẳng hạn như câu chuyện nữ sinh 18 tuổi vào viện trong tình trạng chằng chịt vết cắt ở tay. Gặp bác sĩ, em nước mắt đầm đìa vì quá mệt mỏi trước những áp lực học tập, áp lực cuộc sống em đang gặp phải. Nữ sinh rơi vào trầm cảm, rối loạn lo âu, mất ngủ. Gia đình không thấu hiểu, ngược lại cho rằng con mình đang làm mình làm mẩy. Mỗi lần như vậy lại có thêm vết dao được cứa lên tay em.
“Vì quá mệt mỏi, cháu đã rạch tay rất nhiều lần, cháu không biết mình có nên sống tiếp hay không”, nữ sinh tâm sự với bác sĩ.
Nhiều năm trong nghề, nữ bác sĩ chứng kiến những câu chuyện bi ai về số phận bệnh nhân nhiều vô số kể
“Nhiều người vì đổ bệnh mà mất đi cả cuộc sống. Thậm chí họ còn kéo theo người thân rơi vào cảnh cùng cực”, bác sĩ Mai trải lòng.
Cũng theo nữ bác sĩ, rối loạn tâm thần nếu không được phát hiện điều trị kịp thời có thể dẫn đến mãn tính, người bệnh trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội. Nhiều người có xu hướng giấu bệnh của bản thân, người nhà cũng không chấp nhận rằng con, em mình có khiếm khuyết về tâm trí nên thường tìm đến viện khi tình trạng bệnh đã nặng.
“Hồi mới vào nghề, nhìn thấy bệnh nhân tóc tai bù xù quần áo xộc xệch, suốt ngày la hét., đập phá, được quây trong phòng kín, cách biệt với khu bác sĩ bằng tấm lưới sắt. Ngày đấy tôi sợ lắm, nhưng hơn nỗi sợ tôi thương bệnh nhân của mình. Mình đối xử với bệnh nhân thế nào, họ sẽ đối xử lại như vậy, chỉ cần mình kiên trì, yêu thương họ sẽ không làm hại mình”, bác sĩ Mai chia sẻ.
Vượt qua biến cố cuộc đời
Cứ tưởng công việc “làm bạn” với người điên đã đủ khiến nữ bác sĩ mệt mỏi. Vì không ít lần chị bị bệnh nhân chửi bới, dùng tay chân đấm đá. Thậm chí có những đồng nghiệp nghiệp bị bệnh nhân lên cơn đánh gãy cả tay nhưng chị hiểu họ không muốn thể, chỉ là bị bệnh tật chi phối.
Nhưng biến cố ập đến khiến chị mất một khoảng thời gian chới với.
Năm 2017, chị phát hiện mắc ung thư vú!
“Khi đấy dù là bác sĩ tâm lý nhưng tối cũng rơi vào hoảng hốt, suy sụp. Lúc đó, tôi từng có ý định tử bỏ việc học, nhưng nhờ thầy cô, bệnh viện động viên chị vừa học, vừa điều trị”, nữ bác sĩ tâm sự.
Từng có ý định bỏ nghề, thế nhưng rồi chị lại vượt qua
Sau 2 năm hoá, xạ trị cuối 2018 chị kết thúc đợt hoá trị cuối cùng, cũng là lúc cầm trong tay tấm bằng tốt nghiệp chuyên khoa hai loại giỏi, lên đảm nhiệm chức Trưởng khoa Khám bệnh tại Bệnh viện tâm thần ban ngày Mai Hương. Sáu năm sau ngày hoá trị chị vẫn hàng ngày uống thuốc duy trì.
“Nhiều lúc vừa chữa trị cho bệnh nhân tâm thần, ngày nào cũng bị bệnh nhân mắng chửi, quấy rối. Thêm phần công việc vất vả nhưng đồng lương không bằng bác sĩ viện công khác, ngược lại còn chịu nhiều ánh mắt kỳ thị của người ngoài, đồng nghiệp khi là bác sĩ tâm thần. Lại nghĩ phận mình đang mang bệnh nan y, nhiều lúc tủi nhục, thương cho bản thân. Nhưng lại nhìn bệnh nhân phục hồi tốt, những ý niệm tiêu cực lại bay biến khỏi đầu”, bác sĩ Mai nói.
Đối với BS.CKII Phạm Phương Mai, dù là ngày lễ 8/3 hay 20/10, công việc của cô vẫn không thay đổi, vẫn là chăm sóc bệnh nhân chu đáo như ngày thường. Có lẽ, món quà vô giá đối với nữ bác sĩ chăm sóc, điều trị cho những bệnh nhân tâm thần là khi thấy bệnh nhân giảm bệnh, khỏi bệnh, có thể tự nói lên những lời bình thường từ đáy lòng của họ. |
Mộc Trà