Theo hãng tin RT, Phó Tổng Tham mưu trưởng quân đội Nga - Đại tướng Sergey Rudskoy mới đây cho biết Mỹ và các đồng minh đã cung cấp cho Ukraine đầy đủ vũ khí hiện đại, các dịch vụ liên lạc cũng như thông tin tình báo. Song, để triển khai một số thiết bị trên thực địa, Kiev vẫn cần phải có sự hỗ trợ từ binh sĩ hoặc kỹ sư có trình độ vận hành của NATO.
“Các binh sĩ NATO cải trang thành lính đánh thuê tham gia các hoạt động quân sự. Họ điều khiển các hệ thống phòng không, tên lửa chiến thuật và hệ thống tên lửa phóng loạt đồng thời tham gia vào các đơn vị tấn công. Các sĩ quan NATO trực tiếp chuẩn bị các hoạt động quân sự cho lực lượng vũ trang Ukraine”, ông Rudskoy nói.
Vào giữa tháng 1, Bộ Quốc phòng Nga thông báo họ đã tiêu diệt hơn 60 binh sĩ nước ngoài trong một cuộc tấn công chính xác, trong đó phần lớn là những người nói tiếng Pháp. Ngay sau đó, Pháp đã lên tiếng phủ nhận về thông tin lực lượng vũ trang của họ đang chiến đấu ở Ukraine.
Nga tố binh sĩ NATO điều khiển các hệ thống phòng không của Ukraine. Ảnh: Reuters
Tuy nhiên, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Sebastien Lecornu thừa nhận rằng một số công dân Pháp đã tham gia chiến đấu ở Ukraine với tư cách “tình nguyện viên”. Theo ông Lecornu những công dân này tham chiến ở Ukraine một cách “dân chủ” và chính phủ không thể ngăn cản họ làm như vậy.
Theo ước tính của Bộ Quốc phòng Nga, hơn 5.900 lính đánh thuê nước ngoài đã thiệt mạng ở Ukraine kể từ khi bắt đầu cuộc xung đột giữa hai bên nổ ra vào tháng 2/2022. Quân đội Ukraine cũng đã phải chịu gần 160.000 thương vong khi phát động chiến dịch phản công nhằm giành lại lãnh thổ vào tháng 6 năm ngoái.
Đại tướng Sergey Rudskoy cho biết Ukraine đã chịu tổn thất nặng nề mà không thể xuyên thủng khu vực phòng thủ chiến thuật của Nga trong khi quân đội Nga đã học hỏi và thử nghiệm các phương thức chiến đấu mới. Ông nói thêm rằng sau khi chiếm được Avdiivka, các lực lượng Nga hiện đang cải thiện các vị trí của mình dọc theo toàn bộ tiền tuyến.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky trong một đoạn video đăng tải ngày 19/2 thừa nhận tình hình cực kỳ khó khăn ở một số nơi trên tiền tuyến khi quân đội Nga đã tích lũy tối đa lực lượng dự bị.
“Họ đang lợi dụng sự chậm trễ trong viện trợ cho Ukraine. Và đây là những vấn đề rất rõ ràng. Thiếu hụt pháo binh”, ông nói đồng thời nhấn mạnh Ukraine cần thêm đạn pháo và các vũ khí có tầm bắn xa hơn dành cho lực lượng phòng không ở tuyến đầu.
Kể từ tháng 10/2023, các quốc gia phương Tây bắt đầu thừa nhận rằng các kho dự trữ đã cạn kiệt. Đầu tiên là Anh, sau đó là Pháp ngừng gửi viện trợ từ kho dự trữ cho Ukraine. Kho dự trữ đạn 155mm của Lầu Năm Góc đã cạn kiệt vào mùa hè năm ngoái, khiến Tổng thống Joe Biden phải gửi cho Ukraine một số đạn chùm.
Liên minh châu Âu (EU) cũng đã không đạt được cam kết cung cấp 1 triệu viên đạn cho Ukraine trước tháng 3/2024 và cho đến nay chỉ cung cấp chưa đến một nửa con số này.
Phương Uyên (Theo RT)