Hãng tin RT đưa tin, Bộ Quốc phòng Nga ngày 19/11 thông báo, quân đội Ukraine đã phóng nhiều tên lửa ATACMS do Mỹ sản xuất vào vùng Bryansk của nước này, một số trong số đó đã bị đánh chặn.
Cụ thể, Nga đã bắn 6 tên lửa đạn đạo tầm xa được xác định là ATACMS vào sáng sớm ngày 19/11 (giờ địa phương). 5 trong số các tên lửa này đã bị đánh chặn bằng hệ thống phòng không S-400 và Pantsir.
Một tên lửa khác bị hư hại và rơi xuống đất tại một địa điểm quân sự của Nga ở vùng Bryansk, gây ra một vụ hỏa hoạn nhưng đã được lực lượng chức năng xử lý nhanh chóng. Quân đội Nga tuyên bố rằng không có thiệt hại nào do sự cố này gây ra.
Hệ thống phòng không S-400 của Nga. Ảnh: Tass
Ukraine cho biết, quân đội đã tấn công một kho vũ khí của Nga cách biên giới khoảng 110 km. Cuộc tấn công gây ra các vụ nổ thứ cấp. Quân đội Ukraine không công khai loại vũ khí được sử dụng, nhưng một nguồn tin chính phủ Ukraine và một quan chức Mỹ xác nhận họ đã sử dụng ATACMS.
Trong khi đó, trả lời về cuộc tấn công, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho hay: “Không cần nhắc đến chi tiết không cần thiết. Ukraine có năng lực tầm xa và tự sản xuất máy bay không người lái (UAV) tầm xa. Hiện chúng tôi cũng đang sử dụng tên lửa tầm xa Neptun, chứ không phải chỉ một tên lửa. Chúng tôi hiện có tên lửa ATACMS và chúng tôi sẽ sử dụng tất cả”.
Tổng thống Biden được cho là đã cho phép Ukraine sử dụng tên lửa ATACMS để tấn công sâu bên trong lãnh thổ Nga. Đây là sự thay đổi lớn về chính sách của Washington, trong bối cảnh chỉ còn hơn 2 tháng nữa chính quyền của Tổng thống Biden sẽ kết thúc nhiệm kỳ.
Trước đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin cảnh báo rằng các cuộc tấn công tầm xa của Ukraine sử dụng vũ khí phương Tây sẽ là sự leo thang nghiêm trọng của cuộc xung đột. Ông nhấn mạnh rằng Ukraine không thể tiến hành các cuộc tấn công như vậy mà không có sự tham gia trực tiếp từ các quốc gia thành viên NATO.
Cũng trong ngày 19/11, Tổng thống Putin đã ký sắc lệnh phê duyệt học thuyết hạt nhân với các điều khoản sửa đổi mới. Văn bản này nêu rõ, một cuộc tấn công vào Nga của một quốc gia phi hạt nhân được một quốc gia hạt nhân hậu thuẫn nên được coi là một cuộc tấn công chung của cả hai.
Hồi tháng 9, ông Putin từng cho biết, các nguyên tắc cơ bản về răn đe hạt nhân của Nga cần phải được điều chỉnh để phù hợp với thực tế hiện tại. Chủ nhân Điện Kremlin chỉ ra rằng, tình hình quân sự và chính trị hiện nay đang thay đổi mạnh mẽ và Nga phải tính đến điều này, bao gồm cả sự xuất hiện của các mối đe dọa và rủi ro quân sự mới.
Theo RT và Pravda