Đây là hệ thống phòng không thế hệ mới nhất của Nga, nhiệm vụ chính của hệ thống này là bảo đảm an ninh hàng không và vũ trụ trong tương lai của Nga.
S-500 có khả năng tiêu diệt mục tiêu trên vũ trụ. Ảnh minh họa: people.com.cn. |
Ngày 24/8, Thủ tướng Nga Yuri Borisov cho biết, hệ thống phòng không tối tân S-500 Prometey của nước này đang bước vào giai đoạn thử nghiệm cấp Nhà nước, theo Sputnik.
"Chúng tôi đang mua linh kiện để khởi động dây chuyền sản xuất hàng loạt", ông Borisov nói.
Trước đó, hồi tháng 5/2020, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nga Alexei Krivoruchko cho biết, lô hệ thống phòng không S-500 đầu tiên dự kiến sẽ được trang bị chính thức cho quân đội Nga vào năm 2021.
Hệ thống S-500 do nhà thầu quốc phòng Almaz-Antey của Nga thiết kế, được vận hành bằng một phương pháp phá hủy mục tiêu đạn đạo và khí động học riêng biệt.
Tính tới hiện tại, khả năng kỹ-chiến thuật của S-500 vẫn được giữ bí mật, chưa có công bố chính thức về các tham số và chỉ tiêu kỹ thuật, tuy nhiên, S-500 Prometey được cho là tích hợp nhiều loại tên lửa khác nhau, có tầm bắn lên đến 600km cho mục đích phòng thủ tên lửa và 400km cho mục đích phòng không.
Những thông số này vượt trội đáng kể so với hệ thống S-400 đang hoạt động, cũng như đối thủ cạnh tranh của Mỹ - Patriot Advanced Capability-3.
Theo chỉ huy Lực lượng Hàng không vũ trụ Nga, Serge Surovkin, hệ thống S-500 có thể tiêu diệt cả vũ khí siêu âm và vệ tinh tầm thấp.
Cơ sở của thiết bị định vị S-500 là bộ định vị được xây dựng dựa trên nền tảng ra-đa quét mảng pha điện tử chủ động mà không cần thiết bị truyền dẫn. Trong ăng-ten có thiết bị thực hiện chức năng của một máy phát, có bộ khuếch đại và điện áp của các thiết bị chân không được giảm thiểu thông qua việc sử dụng các thiết bị mới. Điều này giúp việc sử dụng tên lửa S-500 dễ dàng hơn và thiết bị hoạt động tin cậy, an toàn hơn.
Điểm nổi bật của S-500 so với các loại tên lửa đánh chặn hiện có là khả năng "hit-to-kill" (truy đuổi, tiêu diệt), tức phá hủy mục tiêu bằng động năng sinh ra từ vụ va chạm chính xác vào mục tiêu, thay vì nổ phân mảnh khi áp sát mục tiêu.
Năm 2019, Giám đốc điều hành tập đoàn quốc phòng Nga Rostec, ông Sergei Chemezov, tuyên bố, Nga chưa có kế hoạch bán các tổ hợp này dù người mua trả "bất cứ khoản tiền nào". Hệ thống này trước hết phải được được dành cho quân đội Nga.
Mộc Miên (Theo Sputnik)