Ngày 22/2, Dân trí dẫn lại thông tin từ hãng tin TASS cho biết, ông Medvedev đã có một cuộc trả lời phỏng vấn truyền thông Nga vào cùng ngày.
Thông tin trước truyền thông, ông Medvedev nói về vấn đề hòa đàm giữa Nga và Ukraine như sau: "Vấn đề không phải là ông ấy (Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky). Vấn đề là giới lãnh đạo hiện nay ở Ukraine phải chấp nhận rời đi".
Ông nhấn mạnh, sau đó "những người hoàn toàn khác sẽ xuất hiện, đó là những người nhận thức được trách nhiệm của họ đối với tương lai của Ukraine. Khi có những người như vậy, chúng tôi bằng cách nào đó có thể đàm phán với họ".
Qua đây có thể thấy, một lần nữa khẳng định Nga không phản đối đàm phán với chính quyền Ukraine, nhưng vấn đề là phương Tây không thuyết phục được những người ủng hộ tham gia vào quá trình này. "Chúng tôi không từ chối các cuộc đàm phán ngay cả với nhóm này, nhưng bạn biết họ (Ukraine) đã làm gì: Ukraine đã cấm các cuộc đàm phán này và ngay cả những nỗ lực của các nước phương Tây nhằm thúc đẩy họ theo hướng này vẫn chưa thành công", quan chức Nga nói.
Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Liên bang Nga Dmitry Medvedev. Ảnh: VOV
Lời phát biểu của ông Medvedev có thể thấy vị này đang đề cập đến việc Tổng thống Ukraine hồi cuối năm 2022 đã ban hành sắc lệnh cấm đàm phán với chính quyền Tổng thống Nga Vladimir Putin. Moscow nhiều lần cáo buộc sắc lệnh này đã cản trở cơ hội hòa đàm nhằm chấm dứt xung đột giữa Nga và Ukraine.
Trong cuộc trả lời phỏng vấn, ông Medvedev cũng cho rằng, những lời kêu gọi ngừng bắn ở Ukraine của phương Tây chủ yếu là dựa trên tính toán Nga sẽ chấp nhận dừng "chiến dịch quân sự đặc biệt". "Nếu nói về những tín hiệu cho thấy đã đến lúc phải tạm dừng, đã đến lúc đàm phán, thì tất nhiên, ở một mức độ lớn, đây là một động thái khôn ngoan. Nhưng sẽ là không khôn ngoan nếu những đề xuất dựa trên tính toán rằng Nga sẽ dừng hoạt động quân sự đặc biệt và Ukraine sẽ có thời gian để tập hợp lực lượng, nhận thêm nhiều vũ khí phương Tây để tiến hành một cuộc phản công khác", ông Medvedev lập luận.
Ông cũng cho rằng, việc truyền thông phương Tây đăng các bài báo nói rằng Ukraine khó đánh bại Nga cũng nhằm mục đích này. "Trước đây, tính toán của họ là phải khiến Nga thất bại hoàn toàn trên chiến trường và thực tế Nga phải đối phó cả phương Tây. Truyền thông của họ khi đó tràn ngập tiêu đề Nga sắp sụp đổ, Nga không đủ sức chống lại cỗ máy quân sự của NATO... Nhưng mọi thứ đang diễn ra hoàn toàn ngược lại và tất nhiên họ phải phản ứng bằng cách nào đó", ông Medvedev bình luận.
Ông cho rằng quy mô cuộc xung đột hiện nay ở Ukraine có thể không giới hạn ở mức độ như hiện tại, thay vào đó, Moscow cần mở rộng nếu muốn đạt được mục tiêu chiến dịch quân sự đặc biệt. "Dừng lại ở đâu? Tôi không chắc. Chúng ta còn nhiều việc để làm nếu muốn thiết lập vùng đệm an toàn. Chúng ta sẽ cần trở lại Kiev, nếu không phải bây giờ thì là vào thời điểm nào đó trong tương lai, trong giai đoạn tiếp theo của cuộc xung đột", ông Medvedev nói.
Theo ông, Nga cần đưa quân trở lại để kiểm soát Kiev bởi thành phố này "có nguồn gốc Nga, nhưng đã bị kiểm soát bởi một bộ máy quốc tế chống lại Nga do Mỹ dẫn đầu". Ông cũng cho rằng những quyết định của Ukraine đều bị phương Tây can thiệp.
Liên quan đến thông tin ông Medvedev phát biểu, báo VOV cũng đề cập nội dung vị quan chức nêu lý do Nga có thể sẽ lại tiến công vào Kiev. Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Liên bang Nga Dmitry Medvedev cho rằng các lực lượng Nga có thể cần phải tiến công vào Kiev để đạt được các mục tiêu của chiến dịch quân sự đặc biệt.
Ông cũng cảnh báo về ranh giới địa lý của chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine và cuộc xung đột hiện nay có thể sẽ không chỉ hạn giới hạn ở giai đoạn hiện tại. Ông Medvedev đưa ra hai lập luận về sự cần thiết phải tiến vào Kiev. Thứ nhất, theo quan điểm của cựu Tổng thống Nga đây là thành phố của Nga. Thứ hai, mối đe dọa đối với sự tồn tại của Nga xuất phát từ đó.
Khi được hỏi liệu Ukraine có tiếp tục là một quốc gia độc lập sau chiến dịch quân sự đặc biệt hay không, ông Medvedev nói rằng điều đó là có thể mặc dù cơ hội không cao. “Trong mọi trường hợp, đây không phải là vấn đề của ngày hôm nay, nhưng nó sẽ nằm trong chương trình nghị sự sau đó”, ông nói.
Bảo An (T/h)