Theo The Kyiv Independent, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã đến Căn cứ Không quân Ramstein ở Đức vào ngày 6/9 để tham gia cuộc họp lần thứ 24 của Nhóm Liên lạc Quốc phòng Ukraine (UDCG), trong bối cảnh Kiev kêu gọi cung cấp vũ khí phòng không và vũ khí tầm xa để chống lại Nga.
Được biết, Nhóm Liên lạc Quốc phòng Ukraine do Mỹ đứng đầu bao gồm hơn 50 quốc gia, trong đó có 32 thành viên NATO. Nhóm này được thành lập để điều phối các đợt cung cấp vũ khí phòng thủ của đồng minh cho Kiev.
Theo thông lệ, cuộc họp ngày 6/9 do Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin chủ trì. Bộ trưởng Austin chia sẻ, cuộc họp sẽ giải quyết các nhu cầu cấp thiết nhất của Ukraine, cụ thể là năng lực phòng không để chống lại các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái (UAV) và tên lửa của Nga.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. Ảnh: Reuters
Trong một động thái hiếm hoi, Tổng thống Ukraine đích thân tham dự cuộc họp lần thứ 24 của Nhóm Liên lạc Quốc phòng Ukraine nhằm vận động hành lang cho việc cung cấp viện trợ nhanh hơn.
Mở đầu cuộc họp cùng Bộ trưởng Austin, Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Rustem Umerov và Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Charles Q. Brown, ông Zelensky cảm ơn các đối tác về các đợt viện trợ quân sự nhưng nhấn mạnh rằng nhiều hệ thống phòng không đã cam kết vẫn chưa được chuyển giao.
“Chúng tôi cần sự quyết tâm của các đối tác và các phương tiện để ngăn chặn hoạt động tập kích trên không của Nga”, ông Zelensky viết trên nền tảng X.
Bên cạnh đó, ông cho hay: “Điều quan trọng là tất cả các vũ khí từ các gói hỗ trợ đã công bố cuối cùng được đưa đến các lữ đoàn chiến đấu. Chúng tôi cũng cần các quyết định của đối tác về tầm xa mạnh mẽ để tiến gần hơn đến nền hòa bình công bằng mà chúng tôi đang nỗ lực hướng tới”.
The Kyiv Independent đưa tin, Tổng thống Zelensky có kế hoạch thúc đẩy các đồng minh cung cấp thêm vũ khí tầm xa. Theo Kiev, các hạn chế của phương Tây đối với các cuộc tấn công trong lãnh thổ Nga, cũng như nguồn cung cấp vũ khí tầm xa không đủ đã cản trở khả năng đáp trả của Ukraine trước các cuộc tấn công của Nga.
“Những nỗ lực vạch ra lằn ranh đỏ của Nga đơn giản là không hiệu quả”, ông nói. Được biết, Mỹ và Anh đã duy trì các hạn chế đối với việc sử dụng vũ khí tầm xa như ATACMS hoặc Storm Shadow trong lãnh thổ Nga, với lý do chính là lo ngại về sự leo thang.
Nhà lãnh đạo Ukraine đồng thời nhắc lại rằng, nhờ có sự hỗ trợ của các đối tác, Kiev đã có thể thực hiện “các hoạt động quan trọng” tại Crimea và những nơi khác, giúp "khôi phục an ninh cho Biển Đen và khởi động lại hoạt động xuất khẩu lương thực".
Cuộc họp của Nhóm Liên lạc Quốc phòng Ukraine diễn ra ngay khi Nga một lần nữa tăng cường các cuộc không kích vào các thành phố của Ukraine. Việc này nhấn mạnh nhu cầu cần được cung cấp vũ khí phòng không nhanh hơn của Kiev. Quân đội Nga hiện cũng đang tiếp tục gây sức ép ở Donetsk, cụ thể là hướng đến trung tâm hậu cần quan trọng Pokrovsk.
Được biết, một ngày trước đó, Tổng thống Romania Klaus Iohannis đã phê duyệt việc cung cấp thêm một hệ thống phòng không Patriot cho Ukraine. Ngoài ra, một gói viện trợ quốc phòng khác, bao gồm 650 tên lửa đa năng hạng nhẹ (LMM) trị giá hơn 213 triệu USD đã được Anh công bố vào đầu ngày 6/9.
Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Austin tiết lộ, Mỹ sẽ công bố một gói viện trợ quốc phòng mới trị giá 250 triệu USD cho Ukraine vào cuối ngày 6/9. “Gói viện trợ này sẽ cung cấp thêm nhiều năng lực để đáp ứng các yêu cầu đang thay đổi của Ukraine. Chúng tôi sẽ cung cấp chúng theo tộc độ của cuộc chiến”, ông nói.
Hôm 4/9, Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho biết Berlin đã đặt hàng thêm 17 hệ thống phòng không IRIS-T cho Ukraine, theo Bloomberg. Đến năm 2026, Ukraine sẽ nhận được 24 hệ thống IRIS-T từ Đức, bao gồm 12 phiên bản tầm trung và 12 phiên bản tầm ngắn.