Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Nga điều 100 tiểu đoàn đến biên giới Ukraine

(DS&PL) -

Dù liên tục phủ nhận sắp tấn công Ukraine nhưng Nga vẫn gia tăng các hoạt động quân sự bao quanh biên giới Ukraine.

Theo The Guardian, các quan chức Anh ước tính có thêm 14 tiểu đoàn của Nga đang hướng tới biên giới với Ukraine. Mỗi tiểu đoàn khoảng 800 quân và trên 100 tiểu đoàn tập trung ở khu vực biên giới. Giới phương Tây cho rằng lực lượng này là đủ để Moscow tiến hành đổ bộ vào Kiev.

Mỹ và đồng minh phương Tây cáo buộc ông Putin sắp phát động tấn công Ukraine. Điện Kremlin liên tục phủ nhận, dù vẫn gia tăng các hoạt động quân sự bao quanh biên giới Ukraine và trên biển Đen.

Quân đội Nga trong một lần tập trận gần biên giới Ukraine. Ảnh: Reuters

Vào tối 14/2, Thủ tướng Anh Boris Johnson đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Mỹ Joe Biden. Hai bên nhất trí ngoại giao vẫn là phương thức quan trọng để Nga lùi bước trước các mối đe dọa đối với Ukraine. Trong khi cả Anh và Mỹ sẽ không gửi quân đến Ukraine, họ khẳng định bất kỳ kiểu tấn công nào của Nga cũng "sẽ dẫn đến một cuộc khủng hoảng kéo dài" cho chính nước này.

Trước đó, phát biểu với hãng tin Sky News hôm 11/2, Thứ trưởng Quốc phòng Anh James Heappey nói với những công dân Anh còn đang ở Ukraine rằng họ có nguy cơ gặp nguy hiểm lớn nếu Tổng thống Nga Vladimir Putin quyết định tấn công.

Ông Heappey kêu gọi người dân Anh nên rời khỏi Ukraine trong khi di chuyển thương mại "vẫn còn có thể làm gì đó", đồng thời nhấn mạnh "đây không phải là một cảnh báo về điều gì đó có thể xảy ra trong thời gian ba tháng tới”. Sẽ không có bất kỳ lời cảnh báo nào theo sau lời cảnh báo này nữa, vì mọi chuyện “đã đạt đến mức độ nghiêm trọng hơn”.

Ngày 14/2, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken thông báo nước này sẽ đóng cửa Đại sứ quán ở Kiev trước nguy cơ xảy ra các hành động quân sự tại Ukraine.

ông Blinken cho biết Mỹ đang trong quá trình tạm thời chuyển các hoạt động của Đại sứ quán ở thủ đô Kiev đến thành phố Lviv, đồng thời nhấn mạnh rằng chính quyền của Tổng thống Joe Biden vẫn can dự với Ukraine và đang tiếp tục “các nỗ lực ngoại giao tích cực để làm dịu cuộc khủng hoảng."

Ngoại trưởng Mỹ khẳng định những biện pháp phòng ngừa thận trọng này không hề làm suy yếu sự ủng hộ hoặc cam kết của Mỹ đối với Ukraine, trong đó có cam kết đối với chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine là không thay đổi.

Ông Blinken cho biết thêm Mỹ tiếp tục nỗ lực để đạt được một giải pháp ngoại giao, sau cuộc gọi của Tổng thống Joe Biden với Tổng thống Nga Vladimir Putin và cuộc thảo luận giữa ngoại trưởng hai nước.

Cùng ngày, Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres đã điện đàm riêng với Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba, nói rằng ông hoan ngheeng các nỗ lực đối thoại ngoại giao nhằm giảm bớt căng thẳng, đồng thời nhấn mạnh không có giải pháp nào ngoài lộ trình ngoại giao có thể giải quyết cuộc khủng hoảng hiện nay.

Tổng Thư ký LHQ đã bày tỏ quan ngại sâu sắc trong các cuộc điện đàm với Ngoại trưởng Nga và Ngoại trưởng Ukraine về tình hình căng thẳng ngày càng leo thang. Ông Guterres tin tưởng và hy vọng rằng sẽ không có cuộc chiến nào nổ ra trong thời gian tới.

Theo người phát ngôn LHQ Stephane Dujarric, LHQ chưa có kế hoạch sơ tán hay di chuyển khoảng 1.600 nhân viên, trong đó 220 người là nhân sự nước ngoài và khoảng 1.400 nhân viên người Ukraine ra khỏi quốc gia Đông Âu này.

Tuần trước, Mỹ nói với các đồng minh Nga sẽ tấn công sớm nhất vào ngày 16/2. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy cho biết đất nước ông sẽ không bị Nga đe dọa và ngày 16/2 phải là "ngày thống nhất".

"Chúng tôi muốn hòa bình và chúng tôi muốn giải quyết tất cả vấn đề thông qua đàm phán", ông nói, khẳng định quân đội Ukraine đã "mạnh hơn nhiều lần so với 8 năm trước" và Ukraine muốn tự do, sẵn sàng chiến đấu nếu Nga tấn công.

Hoa Vũ (T/h)

Tin nổi bật