Hơn 20 quốc gia đã đặt mua 1 tỷ liều vaccine Covid-19 của Nga, trong khi một số nước như Mỹ, Đức lại bày tỏ hoài nghi về độ an toàn của loại thuốc này.
"Sáng nay, lần đầu tiên trên thế giới, một loại vaccine chống Covid-19 đã được đăng ký tại Nga", đó là lời tuyên bố của Tổng thống Nga Vladimir Putin tại cuộc họp chính phủ hôm 10/8 (giờ địa phương), đồng thời cho biết thêm rằng con gái ông đã được tiêm loại vaccine này.
Vài giờ sau đó, truyền thông Nga công bố đoạn video cho thấy những liều vaccine Covid-19 đầu tiên được sản xuất, mang lại hy vọng rằng đại dịch sẽ sớm bị đẩy lùi trong tương lai gần.
Được biết, vaccine có tên Sputnik V và là sản phẩm của viện nghiên cứu Gamaleya hợp tác với Bộ Quốc phòng Nga.
Ông Kirill Dmitriev, chủ tịch quỹ tài sản chủ quyền RDIF của Nga, cho biết nước này đã nhận được đơn đặt hàng từ hơn 20 quốc gia cho 1 tỷ liều vaccine ngừa Covid-19.
"Hiện tại, giai đoạn thử nghiệm cuối cùng - giai đoạn 3 - đang được tiến hành. Đây là phần thử nghiệm cực kỳ quan trọng. Chúng tôi phải hiểu rằng bản thân vaccine phải an toàn", RIA Novosti trích lời Thứ trưởng Gridnev phát biểu với báo giới.
Giai đoạn 3 là giai đoạn thử nghiệm quy mô lớn với sự tham gia của hàng ngàn người để theo dõi hiệu quả của vắcxin. Đây thường là giai đoạn quan trọng để xem xét phê duyệt một loại vaccine.
Đã có 20 quốc gia đặt mua hơn 1 tỷ liều vaccine Covid-19 của Nga. Ảnh: Sputnik |
Ngay sau tuyên bố của Nga, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thông báo đang thảo luận với cơ quan y tế Nga về quá trình thẩm định loại vaccine này.
"Chúng tôi đang tiếp xúc chặt chẽ với các cơ quan y tế Nga và thảo luận để WHO thẩm định vaccine. Việc thẩm định bất kỳ loại vaccine nào cần bao gồm xem xét nghiêm ngặt và đánh giá tất cả các dữ liệu an toàn và tính hiệu quả cần thiết", người phát ngôn Tarik Jasarevic của WHO cho biết.
Giới chức y tế Mỹ và Đức hoài nghi về độ an toàn của vaccine Covid-19 mà Nga vừa công bố do thiếu dữ liệu và chưa hoàn thành thử nghiệm.
"Vấn đề không phải là quốc gia nào có vaccine đầu tiên. Vấn đề là phải có một loại vaccine an toàn và hiệu quả cho người dân Mỹ và người dân thế giới", Bộ trưởng Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Mỹ Alex Azar nói với đài ABC ngày 11/8.
Tiến sĩ Scott Gottlieb, cựu ủy viên Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ cũng tuyên bố ông sẽ không dùng vaccine Covid-19 của Nga ngoài mục đích thử nghiệm lâm sàng.
"Trong nhiều trường hợp, bạn có thể chỉ tiêm một mũi vaccine một mùa, nên nếu bạn đưa loại vaccine không hiệu quả ra thị trường, sẽ rất khó để có thể tiêm nó một lần nữa cho người dân. Do đó phải đảm bảo nó hiệu quả", ông Gottlieb bày tỏ sự lo lắng.
Giới chức Đức cũng bày tỏ hoài nghi về chất lượng và an toàn của vaccine Covid-19 mà Nga mới công bố, nhấn mạnh rằng Liên minh châu Âu chỉ cấp phép cho các loại thuốc khi đã qua thử nghiệm lâm sàng đầy đủ.
"An toàn của bệnh nhân là ưu tiên lớn nhất", người phát ngôn Bộ Y tế Đức nới với tờ RND. "Không có dữ liệu nào về chất lượng, hiệu quả và độ an toàn của vaccine Nga".
Nga là một trong những quốc gia chạy đua phát triển vắc xin trong bối cảnh đại dịch Covid-19 bùng phát mạnh khắp thế giới.
Theo danh sách thống kê của WHO, tính đến 31/7, có khoảng 165 loại vắcxin đang được phát triển trên thế giới. Trong đó, chỉ có 6 loại đang ở giai đoạn 3. Sản phẩm của Gamaleya trong ở giai đoạn thử nghiệm thứ nhất.
Hoa Vũ (T/h)