Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Nga cảnh báo “sắc lạnh” sau cuộc tấn công bằng 6 tên lửa ATACMS của Ukraine

  • Đinh Kim (T/h)
(DS&PL) -

Một sân bay quân sự ở thành phố Taganrog (tỉnh Rostov, Nga) vừa bị tấn công bằng 6 tên lửa đạn đạo ATACMS do Mỹ sản xuất.

Báo Pháp Luật TP.HCM dẫn thông tin trên RT cho biết, Bộ Quốc phòng Nga ngày 11/12 nói rằng Ukraine đã tấn công một sân bay quân sự tại thành phố Taganrog (tỉnh Rostov, miền Nam nước Nga) bằng một loạt sáu tên lửa đạn đạo ATACMS do Mỹ sản xuất.

Trong số đó, có 2 tên lửa của Ukraine đã bị bắn hạ, bốn tên lửa còn lại bị các biện pháp tác chiến điện tử làm chệch hướng. Cuộc tấn công gây ra thiệt hại nhỏ cho sân bay với hai tòa nhà và một số xe ô tô bị trúng mảnh đạn.

Theo Bộ Quốc phòng Nga, một số binh sĩ Nga đã bị thương trong cuộc tấn công do các mảnh vỡ tên lửa rơi xuống. "Cuộc tấn công bằng vũ khí tầm xa của phương Tây này sẽ bị đáp trả và các biện pháp thích hợp sẽ được thực hiện", Bộ Quốc phòng Nga cảnh báo.

Hệ thống tên lửa ATACMS. Ảnh: Reuters

Cũng trong ngày 11/12, ông Yury Slyusar - quyền Tỉnh trưởng tỉnh Rostov cho hay một “khu công nghiệp” không xác định đã bị tấn công, với khoảng 15 chiếc ô tô bị đốt cháy trong bãi đậu xe. Hình ảnh lan truyền trên mạng cho thấy phần tăng tốc của tên lửa đạn đạo ATACMS nằm trên một con phố ở Taganrog.

Hiện tại, Ukraine vẫn chưa đưa ra bình luận về vụ tấn công nói trên. Trong khi đó, Reuters dẫn  lời một quan chức Mỹ cho biết, Nga có thể phóng thêm tên lửa đạn đạo siêu vượt âm Oreshnik vào Ukraine trong những ngày tới.

"Chúng tôi đánh giá rằng Oreshnik không phải là yếu tố thay đổi cục diện trên chiến trường, mà chỉ là một nỗ lực khác của Nga nhằm tấn công Ukraine và điều này chắc chắn sẽ thất bại", vị quan chức nói.

Theo thông tin trên báo Dân Trí, cách đây vài tháng, Mỹ đã “bật đèn xanh” cho phép Ukraine sử dụng tên lửa tầm xa do Washington cung cấp, bao gồm ATACMS, để tấn công các mục tiêu trong lãnh thổ Nga. Trước đó, Nhà Trắng đã hạn chế Kiev sử dụng các loại vũ khí tầm xa do lo ngại động thái này sẽ dẫn đến leo thang nghiêm trọng với Moscow.

Tổng thống Nga Vladimir Putin cảnh báo việc phương Tây cho phép Ukraine tấn công tầm xa vào lãnh thổ Nga sẽ làm thay đổi đáng kể bản chất của cuộc xung đột và đồng nghĩa với sự tham gia trực tiếp của NATO vào cuộc xung đột này.

Vật thể được cho là phần tăng tốc của tên lửa đạn đạo ATACMS nằm trên một con phố ở Taganrog (tỉnh Rostov, miền nam Nga). Ảnh: Telegram

Vào cuối tháng 11/2024, Nga đã lần đầu tiên sử dụng tên lửa đạn đạo siêu vượt âm Oreshnik mới, tấn công nhà máy quân sự Yuzhmash ở thành phố Dnepr của Ukraine.

Thời điểm đó, nhà lãnh đạo Nga cho biết vũ khí mới này có thể được sử dụng để đáp trả "chính quyền Kiev", nếu các cuộc tấn công của Ukraine vào Nga bằng tên lửa tầm xa do phương Tây cung cấp vẫn tiếp diễn. Nga cảnh báo tấn công các mục tiêu bao gồm "các trung tâm ra quyết định" của Ukraine, cũng như các cơ sở quân sự và công nghiệp.

Theo Tổng thống Putin, Oreshnik là tên lửa siêu vượt âm tầm trung thế hệ mới được thử nghiệm trong điều kiện tác chiến. Tên lửa có tốc độ gấp 10 lần âm thanh, khiến vũ khí này gần như không thể đánh chặn.

Ngoài ra, tên lửa Oreshnik còn có khả năng mang nhiều đầu đạn, bao gồm cả đầu đạn thông thường và đầu đạn hạt nhân. Tuy không phải là vũ khí hủy diệt hàng loạt nhưng Oreshnik vẫn có khả năng gây ra sự hủy diệt lớn mà không cần sử dụng năng lượng hạt nhân.

Tin nổi bật