Ngày 21/9, Chính phủ Nga ban hành lệnh cấm tạm thời việc bán xăng và dầu diesel sang tất cả các nước, trừ 4 quốc gia thuộc Liên minh Kinh tế Á - Âu gồm Belarus, Kazakhstan, Armenia và Kyrgyzstan. Lệnh cấm này có hiệu lực ngay lập tức, nhằm bình ổn thị trường trong nước.
"Các hạn chế xuất khẩu tạm thời sẽ giúp bão hòa thị trường nhiên liệu trong nước, từ đó sẽ giảm giá cho người tiêu dùng", thông báo nhấn mạnh. Theo Bộ Năng lượng Nga, biện pháp này sẽ ngăn việc xuất khẩu bất hợp pháp nhiên liệu xe máy.
Nga rơi vào tình trạng thiếu xăng và dầu diesel trong những tháng gần đây. Giá nhiên liệu bán buôn trong nước tăng vọt, dù giá bán lẻ bị giới hạn dưới mức trần để kiểm soát lạm phát, dẫn đến nhiều vùng trông lúa mỳ của Nga bị ảnh hưởng vì cần nhiên liệu để thu hoạch.
Chính phủ Nga ban hành lệnh cấm tạm thời việc bán xăng và dầu diesel sang tất cả các nước, trừ 4 quốc gia thuộc Liên minh Kinh tế Á - Âu. Ảnh minh họa: Reuters
TASS dẫn nguồn tin thân cận cho hay tuần trước, chính phủ Nga cân nhắc hai lựa chọn để bình ổn giá nhiên liệu: Cấm hoàn toàn việc xuất khẩu trong một thời gian để ổn định trong nước, hoặc tăng thuế xuất khẩu lên 250 USD/tấn.
Theo chia sẻ của các thương nhân, thị trường nhiên liệu của Nga bị ảnh hưởng bởi các yếu tố gồm hoạt động bảo trì tại các nhà máy lọc dầu, tắc nghẽn đường sắt và hoạt động xuất khẩu gia tăng khi đồng rúp mất giá.
Trước đó, Phó thủ tướng Nga Alexander Novak cho rằng việc giá bán buôn tăng cao là do giá các sản phẩm từ dầu trên thị trường quốc tế tăng, ngoài ra còn một nguyên nhân khác là đồng rúp yếu đi so với đồng USD.
XEM THÊM: Nhà đầu tư cần làm gì khi thị trường chịu áp lực bán mạnh?
Dữ liệu của giới buôn và hãng dữ liệu tài chính LSEG cho thấy trong 20 ngày đầu tháng 9/2023, xuất khẩu xăng và dầu diesel của Nga qua đường biển giảm gần 30% xuống 1,87 triệu tấn. Được biết, hồi năm 2022, Nga xuất khẩu tổng cộng 4,82 triệu tấn xăng và gần 35 triệu tấn dầu diesel.
Vài tháng qua, Moscow cũng hạn chế xuất khẩu 300.000 thùng dầu thô mỗi ngày. Chính sách này sẽ kéo dài đến cuối năm, nhằm siết nguồn cung và hỗ trợ giá dầu toàn cầu.
Giá xăng tại Việt Nam sẽ biến động ra sao?
Theo thông tin trên báo Pháp Luật TP.HCM, giới phân tích hiện đang xem xét hai yếu tố quan trọng sẽ tác động đến thị trường xăng dầu. Đó là việc Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) sẽ thực hiện cam kết cắt giảm sản lượng như đã thông báo trước đó và việc lãi suất cao như hiện nay tại Mỹ và châu Âu có làm giảm nhu cầu dầu hay không.
Ông Toshitaka Tazawa - chuyên gia phân tích Công ty chứng khoán Fujitomi (Nhật) nhận định nhìn chung, giá dầu vẫn có xu hướng giằng co. Lý do là vì thiếu nguồn cung dầu từ Nga và nhu cầu dầu tăng chậm vì chính sách thắt chặt tiền tệ của Mỹ và châu Âu.
Trong khi đó, công ty Morgan Stanley cho rằng với nguồn cung bị thắt chặt như hiện tại, giá dầu thô toàn cầu sẽ tiếp tục duy trì mức cao. Giá dầu thô toàn cầu đã có xu hướng nhích nhẹ ngay sau thông báo cấm xuất khẩu xăng dầu của Nga. Hiện, giá dầu đang dao động từ 95-96 USD/thùng.
Toa xe bồn dùng để vận chuyển dầu và nhiên liệu. Ảnh: RIA Novosti
Với việc giá dầu thô toàn cầu vẫn tăng mạnh, khó có chuyện giá xăng nhập giảm. Do đó, Việt Nam sẽ đối diện với khả năng tăng giá cho kỳ điều chỉnh tiếp theo vào ngày 1/10 tới.
Trước đó, chiều 21/9, liên bộ Công Thương - Tài chính thực hiện điều hành giá xăng dầu theo chu kỳ. Kỳ này, giá xăng dầu được điều chỉnh tăng hàng loạt.
Cụ thể, mỗi lít xăng E5 tăng thêm 726 đồng, giá mới là 24.197 đồng/lít; xăng A95 tăng 877 đồng/lít, giá mới là 25.748 đồng/lít.
Giá dầu diesel cũng tăng 539 đồng/lít, giá mới là 23.594 đồng/lít. Dầu hỏa không cao hơn 23.816 đồng/lít, tăng 628 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành.
Đinh Kim (T/h)