Trong khi tình hình căng thẳng xoay quanh Triều Tiên đang sôi sục, Nga tỏ ra có phần kín tiếng hơn những người hàng xóm khác của Bình Nhưỡng.
Ảnh minh họa: Getty |
Quan điểm không rõ ràng
Mặc dù có tham gia các tiến trình đàm phán hòa bình, đồng minh cũ của là Nga thường vắng mặt trong các bài bình luận xoay quanh mâu thuẫn Mỹ - Triều Tiên.
Hai tuần trước, Tổng thống Nga Vladimir Putin đưa ra tuyên bố khá chung chung và ngắn gọn thông qua phát ngôn viên Dmitry Peskov: "Chúng tôi mong các bên liên quan giữ bình tĩnh và không thực hiện những hành động có thể bị coi là khiêu khích."
Peskov cho biết thêm, Nga bày tỏ quan ngại trước tình hình chung. Các thông cáo sau đó từ điện Kremlin và các quan chức chính phủ đều không ủng hộ bên nào.
Vào thứ Năm (27/4), Giám đốc Tổng cục An ninh Liên bang Nga (FSB) Nikolai Patrushev có tuyên bố cả Triều Tiên và Hàn Quốc đang bị một "bên thứ ba" kích động, nhưng không chỉ đích danh bên thứ ba này.
Tuy nhiên, trong số những quốc gia muốn Nga can thiệp sâu hơn có Nhật Bản. Thủ tướng Shinzo Abe đến Nga gặp Putin vào tuần này. Abe từng cho biết, ông muốn bảo đảm sự hậu thuẫn của Kremlin trong nỗ lực kiểm soát Triều Tiên.
Giới phân tích tỏ ra hoài nghi về khả năng Putin sẽ lựa chọn ủng hộ một bên nào trong căng thẳng hiện tại. Quan hệ giữa Nga với đồng minh Mỹ là Hàn Quốc, và với Triều Tiên đều không quá mật thiết, do đó Putin sẽ phải cân nhắc nhiều yếu tố trước khi chọn đồng minh.
Theo Bob Manning, chuyên gia Triều Tiên tại Hội đồng Đại Tây Dương, Nga đã tự nắm giữ vai trò "người ngoài cuộc" trong vấn đề này.
"Sự thật là Nga nằm trong số 6 quốc gia tham gia đàm phán, có chung đường biên giới với Triều Tiên, sử dụng nhân công Triều Tiên và đem lại nguồn ngoại tệ dồi dào cho Bình Nhưỡng," Manning cho biết. "Mặt khác, họ vẫn luôn ủng hộ chủ trương xóa sổ vũ khí hạt nhân, và thường nhận tín hiệu từ Trung Quốc để phản ứng với Triều Tiên."
Chắc chắn việc Mỹ giữ lập trường cứng rắn với Triều Tiên đã khiến Nga có phản ứng đáp trả tiêu cực. Những vụ chạm trán gần đây giữa không quân 2 nước ở vùng trời Alaska không phải là trùng hợp, mà là do người Nga muốn được nhìn nhận như một nhân vật quan trọng trên bàn cờ châu Á - Thái Bình Dương, theo Manning.
Nâng tầm ảnh hưởng tại "sân sau"
Tổng thống Nga Putin tỏ ra khá quan tâm đến khu vực này, thông qua chuyến thăm Nhật Bản và thắt chặt quan hệ ngoại giao với Tokyo. Vào năm 2015, nhà lãnh đạo Nga tổ chức diễn đàn thường niên để thu hút truyền thông thế giới chủ ý đến những vùng mà Kremlin muốn như Sochi và St Petersburg.
Như vậy, Putin sẽ không thể để Nga vắng mặt trong các cuộc đàm phán lớn ngay ở sân sau như căng thẳng Triều Tiên, đặc biệt trong bối cảnh quan hệ với Nhà Trắng đang ở mức xấu.
Mối quan hệ giữa Kremlin với Mỹ đã xuống dốc dưới thời Tổng thống Donald Trump. Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson thừa nhận rằng mức độ tin tưởng giữa hai bên đang rất thấp. Lý do đằng sau tình hình này là mặc dù Trump lên tiếng ủng hộ Nga khi tranh cử, những chính sách thực tế đã ban hành đều không có dấu hiệu có lợi cho Nga.
Trong khi các lãnh đạo quốc phòng và ngoại giao Mỹ khẳng định ủng hộ Ukraine và NATO, vụ tấn công bằng tên lửa Tomahawk vào căn cứ không quân của chính phủ Syria đã "trút cho Nga gáo nước lạnh," theo Alexander Gabuev - chuyên gia đối ngoại thuộc Trung tâm Carnegie tại Moscow.
Vụ không kích nêu trên là một cú sốc với Nga, và Moscow sẽ muốn tránh vấp phải bất cứ cú sốc quân sự nào khác trên sân sau Thái Bình Dương, nhất là khi có liên quan đến vũ khí hạt nhân.
"Hiện giờ Nga cho rằng Trump rất khó đoán, và họ coi chính quyền Trump đã đi quá xa và không thể lùi ra khỏi vấn đề Triều Tiên được nữa," Gabuev cho hay.
Điều này không có nghĩa Nga sẵn sàng hỗ trợ Triều Tiên theo đuổi tham vọng hạt nhân. "Nga không muốn chứng kiến Triều Tiên nắm giữ vũ khí hạt nhân, do điều này dễ dẫn đến việc cả Hàn Quốc và Nhật Bản cũng sẽ phát triển vũ khí hạt nhân," Manning nhận định.
Chuyên gia Gabuev chỉ ra rằng, mặc dù Nga chính thức lên án tham vọng hạt nhân của Triều Tiên, vẫn tồn tại nhiều khác biệt giữa lời nói và hành động cụ thể - Moscow chưa có động thái nào kìm hãm Bình Nhưỡng.
"Theo cách nào đó, việc dùng lời lẽ đe dọa để trấn áp đối thủ là cách Nga hay sử dụng, theo góc độ nào đó đối với vùng Donbass ở Ukraine và ở Syria," Gabuev nói.
Chủ trương không rõ ràng của Nga phản ánh thái độ không tin tưởng Nhà Trắng, khả năng gây ảnh hưởng đến Bình Nhưỡng có hạn trong khi Moscow vẫn muốn được coi là có tầm ảnh hưởng ngang với Trung Quốc và Mỹ.