(ĐSPL) – NATO đã cố trấn an Nga rằng, việc triển khai quân đội của mình ở vùng Baltic và Ba Lan vào năm 2017 hoàn toàn là vì mục đích phòng vệ, thay vì gây hấn.
NATO muốn giải thích với Nga về việc triển khai 4.000 quân đến Estonia, Latvia, Litva và Balan. - Ảnh: Reuters |
Diễn đàn Hội đồng Nga - NATO quy tụ các đại sứ Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương và nhà ngoại giao hàng đầu của Nga có cuộc họp lần thứ ba trong năm nay. Nội dung cuộc họp xoay quanh vấn đề khủng hoảng ở Ukraine.
Moscow đã nhiều lần nhấn mạnh mối lo ngại về việc NATO triển khai quân đội gần biên giới phía Đông của Nga. "Chúng tôi cho rằng cần có một cuộc thảo luận thẳng thắn về tình hình an ninh ở châu Âu, trong đó đề cập đến hậu quả của việc quân tiếp viện NATO xuất hiện trên sườn phía Đông", Đại sứ Nga tại NATO, Alexander Grushko, cho biết.
Quan hệ Nga và NATO ngày càng căng thẳng sau khi Mỹ tố Nga tiến hành những vụ đánh bom ở Aleppo, Syria. Diễn đàn lần này bắt đầu với nền tảng không mấy khả quan. Tuy nhiên, các đồng minh NATO, đặc biệt là Đức, đã buộc phải có mặt tại cuộc họp với ông Grushko, để giải thích lý do tại sao họ gửi đi 4 tiểu đoàn đa quốc gia lên đến 4.000 quân tới các nước thuộc Liên Xô cũ là Estonia, Latvia, Litva và Ba Lan.
Chính phủ các nước NATO nói rằng, biện pháp này là khá khiêm tốn so với tổng số 330.000 binh sĩ của liên minh – những người cũng đang rất lo ngại sự phát triển mạnh mẽ trong lĩnh vực quân sự của Nga.
"Toàn bộ ý tưởng chỉ nhằm tái thực thi pháp luật, ngăn chặn các cuộc xung đột có thể xảy ra", Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết hồi đầu tháng 12, sau một cuộc họp với chính phủ Estonia. "4.000 lính được gửi đến như một thông điệp rõ ràng của sự răn đe”.
Chỉ huy hàng đầu của NATO Curtis Scaparrotti cũng cho biết ông muốn Hội đồng Nga - NATO giải quyết việc Nga thường xuyên tổ chức các bài tập quân sự quan trọng, nhưng ít khi đưa ra cảnh báo. "Nga đã hành động không được minh bạch, ông nói với các phóng viên.
NATO cùng đồng minh Pháp và Đức cũng đang tìm cách thực hiện một thỏa thuận hòa bình cho miền Đông Ukraine, nơi mà phương Tây cáo buộc điện Kremlin cung cấp tiền và vũ khí cho phiến quân. Moscow phủ nhận, nói rằng bạo lực ở Ukraine đã khiến hơn 10.000 người thiệt mạng là kết quả của một cuộc nội chiến.
Một nhà ngoại giao cấp cao của NATO nói với Reuters rằng, có rất ít cơ hội cho một bước đột phá, đặc biệt là khi liên minh đang chờ đợi Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump nhậm chức vào tháng 1/2017.
"Chúng tôi không thể đoán được ý định của chính quyền mới. Có thể sẽ xảy ra một số thay đổi trong chính sách", nhà ngoại giao cho biết, trích dẫn quan ngại giữa các đồng minh châu Âu về cách tiếp cận hòa giải của Trump liên quan đến quan hệ với Tổng thống Nga Vladimir Putin.
NATO là viết tắt của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (North Atlantic Treaty Organization). NATO là một liên minh quân sự được thành lập năm 1949. Thành viên gồm Mỹ và một số nước châu Âu. Hiện nay, NATO có 28 quốc gia thành viên. Một trong những mục tiêu tuyên bố của NATO là để kiềm chế bất kỳ hình thức xâm lược lãnh thổ nào chống lại bất kỳ quốc gia thành viên NATO hoặc bảo vệ các thành viên đó. Các cơ quan chính trị cao nhất của NATO là Hội đồng Bắc Đại Tây Dương (Hội đồng NATO), trong đó bao gồm đại diện của tất cả các nước thành viên, có nhiệm vụ tiến hành các phiên họp dưới sự chủ trì của Tổng thư ký NATO. Tổng thư ký hiện nay là Jens Stoltenberg. Mục đích thành lập của NATO trên thực tế là để ngăn chặn sự phát triển ảnh hưởng của chủ nghĩa cộng sản và Liên Xô lúc đó. Việc thành lập NATO dẫn đến việc các nước cộng sản thành lập khối Warszawa để làm đối trọng. Sự kình địch và chạy đua vũ trang của hai khối quân sự đối địch này là cuộc đối đầu chính của Chiến tranh Lạnh trong nửa cuối thế kỷ 20. Chi phí quân sự của NATO chiếm 70% chi phí quân sự thế giới, riêng Mỹ chiếm khoảng 50%, Anh, Pháp, Đức và Ý gộp lại chiếm 15% chi phí quân sự thế giới. Chú ý: Thông tin pháp lý trong hộp nội dung này được dịch từ nguồn trên mạng Internet, nên chỉ có tính tham khảo. Link nguồn: http://www.nato.int |