Tình trạng khai thác cát trái phép trên các tuyến sông thuộc địa bàn Hà Nội, lâu nay cực kỳ “nóng” và phức tạp, gây nhiều hệ lụy đối với xã hội và nhất là đã bộc lộ sự lúng túng, bị động của các cơ quan quản lý. Mỗi năm, có cả triệu m3 cát bị khai thác trái phép, kéo theo đó tiền thuế thất thu hàng tỷ đồng. Một chuyên án lớn do Công an Hà Nội bóc gỡ mới đây, làm rõ cả dây chuyền – tập đoàn – liên kết hút và thu mua cát trái phép.
“Cát tặc” sẽ hết đường sống... nếu không có địa chỉ “đen” thu mua |
Lợi nhuận quá lớn
Lần đầu tiên sau nhiều năm đấu tranh để ngăn chặn tình trạng khai thác cát trái phép trên các tuyến sông, Công an Hà Nội đã đề nghị Viện KSND TP khởi tố 8 bị can liên quan đến vụ khai thác tài nguyên, khoáng sản trái phép ở sông Hồng, thuộc địa bàn huyện Thường Tín (Hà Nội).
Đây là một động thái quyết liệt, thể hiện quyết tâm của các lực lượng chức năng Hà Nội, trong việc đấu tranh, xử lý các hành vi khai thác cát trái phép. Song vụ việc này cũng cho thấy nhiều “kẽ hở” trong công tác quản lý địa bàn, sự thiếu quyết liệt của chính quyền các địa phương trong giám sát hoạt động của các bãi chứa, trung chuyển vật liệu xây dựng (VLXD) ven sông.
Theo thống kê của Phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường CATP Hà Nội, toàn thành phố hiện chỉ có 11 doanh nghiệp có giấy phép khai thác cát còn hiệu lực. Đáng lưu ý, các doanh nghiệp này chỉ được cấp phép khai thác cát ở bãi nổi trên sông. Và dĩ nhiên, mọi tàu thuyền cắm vòi “rút ruột” trên các tuyến sông chảy qua địa bàn Hà Nội đều hoạt động trái phép.
Có một “công thức” được áp dụng nhiều trong đấu tranh, ngăn chặn “cát tặc” của chính quyền, lực lượng chức năng các địa phương lâu nay là: phục kích, truy bắt, tạm giữ tàu cát hoạt động trái phép. Biện pháp này đủ để chặn đứng sự lộng hành của “cát tặc” trên nhiều tuyến sông, nhưng không triệt để, nhất là khi vắng bóng lực lượng chức năng. Mấu chốt để ngăn chặn hiệu quả các tàu cát “rút ruột” lòng sông ở Hà Nội, là “nhổ rễ” hàng trăm bến bãi lậu, thu mua cát trái phép đang đứng “kiên cố” trên bờ.
Trở lại với vụ khởi tố 8 bị can về tội danh “Vi phạm các quy định về khai thác tài nguyên” vừa qua, Cơ quan điều tra xác định, lý do để chủ của gần 10 tàu cát bất chấp nguy hiểm, tổ chức khai thác tài nguyên trái phép trên sông Hồng, vì họ luôn sẵn nguồn tiêu thụ ổn định tại 2 bến bãi “chui”, nằm ở khu vực xã Vạn Điểm, huyện Thường Tín (Hà Nội). Trong thời gian khá dài, hàng tỷ đồng từ việc mua – bán cát đã chui vào túi những cá nhân, doanh nghiệp này.
Các bến bãi tập kết, trung chuyển VLXD không phép tồn tại nhiều ở ven sông |
Còn nương tay với bến bãi sai phép
Theo tìm hiểu của chúng tôi, mỗi năm 2 lần, UBND TP Hà Nội giao Sở TN-MT thành lập đoàn kiểm tra hoạt động của các bãi chứa, trung chuyển VLXD ven sông trên địa bàn, với sự tham gia của nhiều phòng chức năng thuộc Sở TN-MT, Sở NN&PTNT… nhằm kiểm tra công tác quản lý, vai trò, trách nhiệm của UBND xã, phường, thị trấn đối với hoạt động của các bãi chứa, trung chuyển. Mỗi đợt kiểm tra thường kéo dài 1 tháng. Tuy nhiên công tác kiểm tra đạt hiệu quả thấp và nhiều bến bãi “lậu” vẫn tồn tại ngang nhiên.
Kết quả rà soát, thống kê và đánh giá tình hình sử dụng đất ven sông làm bãi chứa VLXD của công an các quận, huyện, thị xã trên địa bàn Hà Nội, tính đến đầu tháng 3/2014 cho thấy: một số xã, phường, thị trấn ký hợp đồng cho các cá nhân, tổ chức thuê đất ven sông mở bến bãi tập kết VLXD trái thẩm quyền vẫn tồn tại, chưa bị xử lý triệt để.
Đại diện Phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường CATP Hà Nội cho biết: Sở TN-MT là cơ quan duy nhất có thẩm quyền ký hợp đồng cho các doanh nghiệp thuê đất mở bến bãi tập kết, trung chuyển VLXD ven sông (hộ gia đình do UBND cấp quận, huyện ký). Tuy nhiên có một số UBND xã, phường đã tự ý ký hợp đồng cho các doanh nghiệp, cá nhân thuê đất, trái thẩm quyền.
Hiện UBND TP đã có văn bản yêu cầu các quận, huyện, thị xã... rà soát, thanh lý, hủy toàn bộ các hợp đồng cho thuê đất trái thẩm quyền, buộc cơ sở tổ chức di chuyển VLXD, trả lại hiện trạng đất ban đầu. Chấp hành việc thanh lý, hủy hợp đồng cho thuê đất trái thẩm quyền với doanh nghiệp, song UBND một số xã, phường, thị trấn lại không gắt gao, quyết liệt trong việc cưỡng chế buộc di chuyển. Tình trạng bến bãi “lậu” tồn tại cả năm sau khi thanh lý hợp đồng còn phố biến - đại diện cơ quan công an cho biết.
Không chỉ cho thuê đất trái thẩm quyền, tình trạng buông lỏng quản lý, “bật đèn xanh” cho các doanh nghiệp, cá nhân sử dụng đất sai mục đích, “hô biến” đất thuê sản xuất nông nghiệp, trồng cây, xây dựng trang trại... thành điểm chứa, trung chuyển VLXD còn nhiều hơn.
Chỉ tính riêng huyện Đông Anh, theo thống kê của lực lượng chức năng cho đến đầu tháng 3/2014, cả 18/18 đơn vị, cá nhân có giấy phép kinh doanh VLXD hoạt động trên địa bàn, đều sử dụng đất sai mục đích. Được biết, UBND huyện Đông Anh và các xã trên địa bàn đã ra quyết định xử lý hành chính, đình chỉ hoạt động 14 trường hợp sử dụng hàng trăm nghìn mét vuông đất sai mục đích làm điểm chứa VLXD, song chưa doanh nghiệp nào chấp hành. Huyện này còn 4 công ty sử dụng đất sai mục đích chưa bị kiểm tra, xử lý.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, toàn TP hiện có khoảng 40 doanh nghiệp có hợp đồng thuê đất ký với cấp có thẩm quyền, được phép lập bến bãi tập kết, trung chuyển VLXD ven các tuyến sông. Cả trăm bến bãi lớn, nhỏ khác ký hợp đồng thuê đất trái thẩm quyền, sử dụng đất sai mục đích vẫn ngang nhiên hoạt động trước sự bất lực của chính quyền, lực lượng chức năng các địa phương. Tình trạng “ký bừa”, cùng hiệu lực xử lý vi phạm không đến nơi đến chốn, chính là nguyên nhân “cát tặc” còn đất lộng hành.
Linh Chi (theo ANTĐ)