Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Nam tài xế không chấp hành kiểm tra nồng độ cồn, nói "nhà không thiếu xe nên không sợ bị giữ"

  • Đinh Kim
(DS&PL) -

Sau khi được cảnh sát khuyên bảo và giải thích các quy định, nam tài xế đã nhận sai, chấp nhận ký biên bản với mức nồng độ cồn 0,645mg/l khí thở (gấp hơn 1,6 lần mức kịch khung quy định tại nghị định 100).

Báo Tuổi Trẻ đưa tin, vào đêm 31/12/2023, rạng sáng 1/1/2024, Đội Cảnh sát giao thông số 6 (Phòng Cảnh sát giao thông Công an TP.Hà Nội) đã phối hợp với Công an quận Nam Từ Liêm kiểm soát nồng độ cồn đối với tài xế trên đường Lê Quang Đạo, đoạn gần sân vận động quốc gia Mỹ Đình.

Tại đây, lực lượng chức năng sử dụng 3 làn đường để kiểm soát toàn bộ ô tô và các xe máy. Ô tô sẽ được đi vào 2 làn ngoài, còn xe máy sẽ được kiểm tra theo xác suất ở làn trong cùng, sát vỉa hè. Các tài xế được cảnh báo từ xa trước khi lái xe qua chốt.

Hàng trăm lượt phương tiện đã được kiểm soát trong thời khắc đón chào năm mới 2024 và hàng chục tài xế có nồng độ cồn bị xử lý. Trong đó, một số tài xế có nồng độ cồn ở mức cao, vượt mức xử lý kịch khung theo quy định tại nghị định 100 (trên 0,4mg/l khí thở).

Hàng trăm lượt phương tiện đã được kiểm soát trong thời khắc đón chào năm mới 2024. Ảnh: VietNamNet

Các tài xế đưa ra nhiều lý do khác nhau để biện minh, như mới uống thuốc, nhà gần chỉ lái xe một đoạn đường ngắn. Thậm chí, có tài xế còn lớn tiếng tại chốt đo nồng độ cồn, gọi điện cho nhiều người để tác động hòng xin bỏ qua vi phạm hoặc bỏ lại xe và rời đi.

Điển hình, nam tài xế N.T.H (SN 1987) điều khiển ô tô biển số ở Hà Nội. Khi thấy tổ kiểm soát nồng độ cồn, anh H. dừng phương tiện cách chốt khoảng hơn 100m. Cảnh sát giao thông áp sát, anh này liên tục gọi điện nhờ can thiệp.

Anh H. có kết quả đo nồng độ cồn là 0,177mg/l khí thở. Nam tài xế sau đó bỏ lại ô tô và rời khỏi chốt kiểm soát khoảng gần 1 giờ trước khi quay lại và ký vào biên bản.

Trong khi đó, nữ tài xế T.T.P.T. (SN 1977) có nồng độ cồn ở mức 0,025mg/l khí thở. Chị T. liên tục giải thích mình đang dùng thuốc dẫn đến có nồng độ cồn.

Cũng trong ca kiểm soát, tài xế N.N.D. (sinh năm 1986) liên tục lớn tiếng ở chốt kiểm soát và nhất quyết không thổi kiểm tra nồng độ cồn. Nam tài xế nói rằng, "nhà không thiếu xe nên không sợ bị giữ".

Sau khi được cảnh sát khuyên bảo, giải thích các quy định, nam tài xế đã nhận sai và chấp nhận ký biên bản với mức nồng độ cồn 0,645mg/l khí thở (gấp hơn 1,6 lần mức kịch khung quy định tại nghị định 100). Với vi phạm này, tài xế N.N.D. bị xử phạt 35 triệu đồng, tước bằng lái 23 tháng và tạm giữ ô tô 7 ngày.

Một nam tài xế liên tục lớn tiếng ở chốt kiểm soát và nhất quyết không thổi kiểm tra nồng độ cồn. Ảnh: Tuổi Trẻ

Theo thông tin trên VietNamNet, kết thúc ca công tác vào 1h ngày 1/1/2024, Tổ công tác đặc biệt đã xử lý 30 trường hợp tài xế vi phạm nồng độ cồn. Trong đó, có 10 tài xế xe ô tô và 21 người điều khiển xe máy.

Trung tá Phạm Văn Chiến - Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông đường bộ số 6 (Phòng Cảnh sát giao thông Công an TP.Hà Nội) cho biết, đơn vị đã làm công tác điều tra cơ bản các tuyến đường mà Đội quản lý để tập trung xử lý tại đường, phố có lượng vi phạm nhiều.

"Chúng tôi quán triệt cán bộ, chiến sĩ của đơn vị phải kiên quyết xử lý vi phạm, không có vùng cấm và không có ngoại lệ. Đơn vị cũng xác định việc xử lý vi phạm nồng độ cồn là xuyên suốt, không có ngày nghỉ", Trung tá Phạm Văn Chiến nói.

Trong khi đó, Trung tá Nguyễn Đức Hiển - Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông - Trật tự (Công an quận Nam Từ Liêm) chia sẻ, đơn vị đã vận động đến từng nhà hàng, cơ sở kinh doanh ăn uống trên địa bàn, có trách nhiệm nhắc nhở khách hàng đã sử dụng rượu bia thì không lái xe.

XEM THÊM: Tin tức tai nạn giao thông mới nhất ngày 1/1/2024: Hai xe máy đối đầu trên Quốc lộ 9, hai người thương vong

Báo Tuổi Trẻ dẫn thông tin từ đại diện Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) cho biết thêm, trong năm 2023 đã có hơn 770.000 trường hợp vi phạm nồng độ cồn bị xử phạt, tăng khoảng 150% so với năm 2022. Trong khi đó vào năm ngoái, có hơn 462.000 lái xe vi phạm nồng độ cồn bị xử phạt.

Kết thúc ca công tác, lực lượng chức năng đã xử lý 30 trường hợp tài xế vi phạm nồng độ cồn. Ảnh: Tuổi Trẻ

Nói về khó khăn của lực lượng chức năng khi thực hiện nhiệm vụ xử lý nồng độ cồn, đại diện Cục Cảnh sát giao thông cho biết, các tài xế có hơi men dễ kích động, có hành vi phản kháng, không chấp hành kiểm tra.

Năm 2024, lực lượng cảnh sát giao thông sẽ tiếp tục kiên quyết xử lý các tài xế vi phạm nồng độ cồn, "không có vùng cấm, không có ngoại lệ, không ngày nghỉ".

Đinh Kim (T/h)

Tin nổi bật