Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Nam sinh mất phương hướng sau 3 lần gap year

(DS&PL) -

Không phải ai cũng hiểu được ý nghĩa của gap year, nhất là với những người trẻ. Chính vì thế những sinh viên chọn tạm dừng 1 năm khó tránh khỏi việc đánh mất định hướng của bản thân.

Gap year được hiểu là quãng nghỉ kéo dài khoảng 12 tháng hoặc nhiều hơn tùy thuộc vào từng người. Trong thời gian này, mọi người sẽ tạm gác các công việc, học tập để thực hiện những kế hoạch khác nhằm nâng cao kỹ năng và kiến thức của bản thân.

Lầm tưởng về gap year

Trong cuốn Trí thông minh cảm xúc cho người mới bắt đầu, tiến sĩ Steven J. Stein, nhà tâm lý học lâm sàng người Mỹ đã nghiên cứu và chỉ ra hàng loạt các vấn đề của các sinh viên trong giai đoạn “chuyển mình”. Theo kết quả khảo sát của nhà nghiên cứu này có đến hơn 10 lý do khiến sinh viên đi đến quyết định trì hoãn việc học như khối lượng công việc phải làm, cố gắng làm thân với mọi người, kết bạn mới, các giảng viên, gặp khó khăn trong việc hiểu bài, không khí chung của đại học, cảm xúc tồi tệ và thất thường,…. Thực tế, ở Việt Nam cũng không ít bạn trẻ rơi vào tình cảnh ngơ ngác hoang mang trước lối rẽ của cuộc đời và đi đến quyết định gác lại việc học.

Trường hợp của Phương Thảo (18 tuổi, Nghệ An) là một ví dụ. Trước ngưỡng cửa mới của cuộc đời, Thảo từng đắn đo với dự định bước chân vào giảng đường. Khi các bạn cùng chăng lứa đang chuẩn bị “khăn gói quả mướp” nhập học hoặc đã đi học được vài tuần thì Thảo quyết định không nhập học nguyện vọng 1. Học phí cao, điều kiện gia đình ở mức trung bình là lý do khiến cô gái 18 tuổi nghĩ tới việc lùi lại giấc mơ vào đại học một năm để đi làm lấy vốn, trang trải học phí cho năm sau.

“Học phí năm nay của các trường đều tăng, kinh tế của gia đình em lại có hạn. Hơn nữa, bố mẹ em có tâm lý sợ em không tìm được việc làm lúc ra trường. Em không xác nhận nhập học nguyện vọng 1 mà sẽ đi làm 1 năm để tiết kiệm một khoản làm chi phí rồi năm sau đi học lại” – Phương Thảo trả lòng về quyết định không nhập học nguyện vọng 1.

Nhiều sinh viên lựa chọn tạm dừng việc học vì nhiều lý do

Tương tự, Phùng Kim Quân (23 tuổi, Hà Nội), hiện đang là sinh viên Trường Đại học Kiến Trúc Hà Nội. Sau 2 năm theo học, Quân quyết định không tiếp tục theo học tại trường này vì lý do “cảm thấy không hợp và không có hứng thú”.

Có thể thấy, gap year không chỉ xảy ra ở những tân sinh viên mà còn có cả ở những sinh viên đang ngồi trên ghế giảng đường. Vì nhiều lý do khác nhau mà sinh viên cọn tạm dừng việc học. Có người vì điều kiện kinh tế, có người vì sở thích, mong muốn, cũng có người vì những mục tiêu và lý tưởng riêng của mình.

Tuy nhiên, không ít những trường hợp sinh viên bị mất phương hướng, bỏ lỡ cơ hội sau quyết định gap year.

Trọng Hiếu (23 tuổi, Thanh Hóa) có nguyện vọng thi vào các trường thuộc ngành quân đội. Nam sinh đạt 25 điểm tổ hợp khối C00 ở năm đầu tiên nhưng không trúng tuyển vì lý do sức khỏe. Tuy nhiên, theo tâm lý cũng như định hướng của gia đình, Hiếu quyết định tiếp tục ở nhà để vừa rèn luyện sức khỏe vừa ôn thi lại chứ không theo học trường nào. Cứ như vậy, 3 mùa tuyển sinh qua đi, nam sinh vẫn không thể thực hiện mong muốn ban đầu của mình. Trong khi các bạn cùng chăng lứa đã gần hoàn thành chương trình học đại học, có những người đã đi làm còn Hiếu vẫn ở nhà miệt mài ôn thi, cậu bắt đầu cảm thấy mông lung, chán chường với quyết định của mình.

“Trong 3 năm qua, trong khi các bạn của em có người đã ra trường đi làm, tự chủ được tài chính, có người gần hoàn thành xong chương trình đại học nhưng em vẫn chỉ ở nhà học và học. So với các bạn, em không có kỹ năng mềm, không kiếm ra tiền để phụ giúp tài chính cho gia đình. Trước một số lời bàn tán từ những người xung quanh, em bắt đầu cảm thấy những quyết định của mình ban đầu là sai. Nếu em quyết định đi học từ năm đầu tiên thì có lẽ bây giờ em cũng đã gần hoàn thành xong chương trình và có lẽ cũng đã kiếm được những đồng tiền đầu tiên để trang trải cuộc sống” – Trọng Hiếu chia sẻ trong tiếc nuối.

Tuy nhiên, may mắn cũng đã "mỉm cười" với chàng trai 23 tuổi. Trong ký tuyển sinh năm nay, Trọng Hiếu đạt 29 tuổi ở tổ hợp khối C00 và quyết định theo học một trường đại học ở TP.HCM sau 3 lần gap year.

Lùi để tiến xa

Tất nhiên, không phải trải nghiệm gap year nào cũng tệ. Với Kim Quân, thời gian đó giúp cậu nhận ra được nhiều điều. Quân dành thời gian nghỉ ngơi, đi du lịch để cân bằng lại cuộc sống của mình. Chàng trai sinh năm 1999 dành thời gian nửa năm cho việc ôn thi lại ở tuổi 23. Với phương pháp học tập hợp lý cũng như không không phải chịu áp lực từ xung quanh, Kim Quân đạt 28 điểm và quyết định theo học ngành Văn học của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc Gia Hà Nội. Đây cũng là ngành học mà Quân yêu thích.

“Em cũng bất ngờ với điểm số của mình. Suốt những năm tháng phổ thông, em thích những con chữ, thích nghiên cứu những tác phẩm văn chương. Quyết định thi lại ở tuổi 23 được coi là quyết định mạo hiểm của em. Thế nhưng, học cái mình thích và thích cái mình học vẫn là tốt nhất. Hơn nữa, em cũng tự mình tự chủ được tài chính để trang trải học phí nên chắc chắn sẽ không có gì khó khăn” – Kim Quân nói về quyết định của mình.

Tương tự, Bá Thành (23 tuổi, Nam Định) cùng từng quyết định nghỉ học giữa chừng trước những phản đối gay gắt từ gia đình để nhập ngũ. Trong thời gian thực hiện nghĩa vụ quân sự, Thành vẫn miệt mài tự học buổi tối để chuẩn bị cho việc thi lại của mình. Sau khi ra quân, với “máu liều” của tuổi trẻ, chàng trai đến từ thành Nam quyết định vác ba lô lên Hà Nội tự thuê nhà, tìm việc làm tự học để ôn thi mà không nhờ đến sự hỗ trợ của gia đình. May mắn, Bá Thành cũng đạt được mong muốn theo học ở một trường thuộc khối ngành Công an, Quân đội.

Trọng Hiếu (Thanh Hóa) mất phương hướng sau 3 lần gap year

Trì hoãn việc học là quyết định sai lầm của sinh viên

Liên quan đến việc gap year của sinh viên, GS.TS khoa học Phạm Tất Dong cho rằng, đây là thất bại học đường và là thất bại của chương trình hướng nghiệp. 

Chia sẻ với PV Đời sống & Pháp luật, GS.TS Dong nhận định: "Trì hoãn việc học là một quyết định sai lầm của sinh viên. Nếu như không định hướng được bản thân mình muốn gì, cần gì, các em sẽ bị rối trong chính cuộc đời mình. Mà nói cụ thể, khi các em quyết định trì hoãn việc học, rất có thể các em sẽ phải đối mặt với việc thất nghiệp".

Nói rõ hơn, GS.TS Phạm Tất Dong nhấn mạnh, nguyên nhân dẫn đến vấn đề này là phương pháp hướng nghiệp, hướng học ở THPT chưa đúng, chưa đủ. Ông nhận định, việc hướng nghiệp cho học sinh rất quan trọng, nhất là trong thời đại 4.0, hướng nghiệp phải đi liền với khởi nghiệp.

"Tân sinh viên không nhập học, sinh viên tạm dừng việc học giữa chừng không mới cũng không lạ ở Việt Nam. Chính điều này làm khó dễ cho các cơ sở giáo dục, các trường sẽ phải tuyển sinh bổ sung, mà đã bổ sung nhiều khi chất lượng đầu vào sẽ không đảm bảo, tức là chất lượng đầu ra cũng không đảm bảo. Thế mới thấy việc hướng nghiệp, hướng học quan trọng đến mức nào. Các trường THPT cần bám sát hơn nữa việc hướng nghiệp cho các em, hướng các em đến lĩnh vực phù hợp với khả năng để các em tránh tình trạng 'nhanh thèm, chóng chán'. Các trường cũng cần định hướng cho các em hướng nghiệp đi liền với khởi nghiệp để các em không mất phương hướng", vị GS cho hay.

Nói như GS.TS Phạm Tất Dong để thấy, trước những cánh cửa cuộc đời, những người trẻ cần có một định hướng cụ thế để không rơi vào thế bí, không phí công sức, thời gian, kinh tế cũng như không hối hận với lựa chọn của mình.

Hương Nguyễn

Tin nổi bật