Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Năm mới, ngẫm về chữ tình chốn pháp đình

(DS&PL) -

Đâu đó trong những phiên tòa vẫn có tình người hiện diện để hóa giải những hận thù chồng chất.

Đâu đó trong những phiên tòa vẫn có tình người hiện diện để hóa giải những hận thù chồng chất. Nó như chất xúc tác đặc biệt giúp trung hòa giữa yêu và ghét, giữa căm phẫn và vị tha...

Cảm hóa con người tội lỗi bằng lòng bao dung

Có lẽ, chỉ khi ra tới chốn pháp đình, những cung bậc cảm xúc của con người mới được thể hiện rõ ràng và trung thực nhất. Đó là tiếng gào thét, tiếng khóc tức tưởi của gia đình bị hại khi bị kẻ xấu cướp đi người thân; giọng cười chua chát chứa đựng đầy hận thù của kẻ sa cơ, tay trót “nhúng chàm” tưởng chừng không thể hóa giải. Tuy nhiên, cũng có những phiên tòa không như thế...

Một ngày cuối năm, phòng xét xử số 5 tại TAND TP.Hà Nội chật cứng người tham dự phiên xử vụ án Giết người. Bị cáo là Trịnh Văn Tạc (SN 1973, trú tại phường Đồng Mai, Hà Đông, Hà Nội). Cách đây 1 năm, đúng vào dịp Tết Nguyên đán, khi mà người người, nhà nhà cùng nhau quây quần, tụ họp bên mâm cơm gia đình ấm cúng, cùng chúc nhau những điều may mắn thì người dân ở khu phố thuộc phường Đồng Mai nháo nhác về một vụ án mạng.

Chỉ vì bức xúc trước việc bác mình là Nguyễn Quốc Tiến (SN 1971, cùng phường Đồng Mai với bị cáo) có mâu thuẫn với Tạc mà anh Nguyễn Văn L. (SN 1996, cháu của anh Tiến) rủ bạn là anh Nguyễn Văn T. (SN 1990) đến nhà Tạc nói chuyện. Trận ẩu đả xảy ra vào đúng mùng 2 Tết Canh Tý. Tạc lấy một đoạn gậy gỗ có gắn dao nhọn tấn công anh T. và L.. Mặc dù được mọi người đưa đi cấp cứu ngay sau đó, nhưng do thương tích quá nặng, anh T. đã tử vong, anh L. bị tổn hại 15% sức khỏe.

Bị cáo Trịnh Văn Tạc.

Chứng kiến cảnh 3 mẹ con nheo nhóc, ôm theo di ảnh người quá cố đến tòa đòi công bằng khiến nhiều người không khỏi xót xa. Gia đình bị hại Nguyễn Văn T. trước giờ khó khăn khi mà chồng đi làm tự do, thu nhập không ổn định; chị P. (vợ nạn nhân) làm thuê cho một cửa hàng hoa, thu nhập kiếm được mỗi tháng chẳng đáng bao nhiêu. Trong khi đó, tiền trang trải chi phí sinh hoạt và nuôi 2 con nhỏ ăn học mỗi ngày một đắt đỏ. Nay đứng trước công đường, trong vai trò người đại diện hợp pháp của bị hại, chị P. chỉ mong tòa soi xét, trả lại công bằng cho 3 mẹ con chị.

Về phần hình phạt, gia đình nạn nhân đã hết sức nhân văn khi có đơn xin tòa giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo. Nghe những lời này, Tạc bật khóc, xin Hội đồng Xét xử cho quay xuống để xin lỗi gia đình nạn nhân: “Thực tâm bị cáo không mong muốn việc này xảy ra, bị cáo gửi lời xin lỗi tới gia đình anh T., mong gia đình tha thứ cho lỗi lầm của bị cáo”.

Mẹ luôn giang rộng vòng tay đón đứa con “dại” về làm lại cuộc đời

Có phiên tòa, cả hai anh em ruột cùng vào tù về tội Trộm cắp tài sản là Lê Đình Quý (SN 1985) và Lê Đình Thương (SN 1994) cùng trú tại xã Thượng Hà (Bảo Yên, Lào Cai). Tôi nhớ như in hình ảnh người mẹ ngồi bất động ở một góc phòng xét xử, cố gắng ngăn không cho nước mắt đang thi nhau rơi trên khuôn mặt khắc khổ, nhuốm màu thời gian của mình vì sợ hai con nhìn thấy sẽ thêm phần lo lắng. Từ lâu, bà Lê Thị Ư. (ngoài 60 tuổi) đã không còn trách giận các con, vì bà hiểu rõ tính tình con mình hơn ai hết. Có chăng, bà chỉ trách gia cảnh nghèo khó cùng số phận hẩm hiu đưa đẩy các con bà vào vòng lao lý.

Ngày các con bị bắt, bà Lê Thị Ư. gần như quỵ ngã. Tuy gia cảnh còn khó khăn, nhưng trước giờ ông bà luôn răn dạy các con sống làm sao phải “đói cho sạch, rách cho thơm”. Trước giờ vợ chồng bà luôn tự hào vì các con hiền lành và chịu khó làm ăn. Ấy vậy mà giờ đây cùng lúc hai đứa phải hầu tòa khi phạm tội trộm cắp khiến gia đình bà đều hết sức bàng hoàng và đau đớn như xát muối vào tim.

Theo lời người mẹ tâm sự, Quý được đánh giá là người nhanh nhẹn, tháo vát nên rất nhiều người yêu mến, đặc biệt là các cô gái trong vùng đều đem lòng cảm kích. Thế nhưng, biết dưới mình còn 3 em nhỏ dại, bố mẹ lại già yếu, các chị đi lấy chồng xa nên Quý ý thức được trọng trách của một người anh trong gia đình mà gác lại chuyện lấy vợ.

Nhận ra chỉ còn duy nhất con đường học vấn mới mong mở mày mở mặt, thoát khỏi cảnh “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, Quý cần mẫn lao động, chu cấp nuôi em ăn học tới nơi tới chốn. Thấy anh em Quý yêu thương, đùm bọc lẫn nhau, ông bà Ư. cũng cảm thấy ấm lòng và yên tâm rằng các con đã trưởng thành. Vậy mà...

Cuối phiên xét xử hôm đó, trước khi bị các đồng chí công an dẫn giải ra xe thùng về trại giam, bà Ư. cố gắng chạy với theo ôm hôn, nhắn nhủ các con cố gắng cải tạo. Ở nhà, bà luôn giang rộng vòng tay đón các con trở về làm lại cuộc đời.

Gần đây nhất, vụ án cha dượng, mẹ đẻ bạo hành con ruột 3 tuổi đến chết gây phân nộ trong dư luận đã được TAND TP.Hà Nội đưa ra xét xử. Hai bị cáo Nguyễn Minh Tuấn và Nguyễn Thị Lan Anh (cùng SN 1991, nơi ĐKHKTT số 32 ngõ 44 Nguyễn Đình Chiểu, phường Lê Đại Hành, Hai Bà Trưng, Hà Nội) đã phải nhận những án phạt nghiêm khắc nhất.

Dù có đau đớn cỡ nào thì bà Vũ Thị Dự (SN 1969, ở Đông Anh) - bà ngoại cháu Nguyễn Ngọc Minh M. (SN 2017, đã chết) - vẫn cầu xin tòa cho con gái mình một con đường sống. Bà xin tòa giảm nhẹ hình phạt cho con gái mình để Lan Anh sớm được trở về nuôi đứa con còn lại. “Lan Anh đã giết con của mình, tôi cũng là người mẹ, tôi không thể giống nó, đứng nhìn con mình vào chỗ chết”. Đây chính là tình mẫu tử thiêng liêng luôn thường trực trong tâm trí mỗi người mẹ.

Tư Viễn

Bài đăng trên ấn phẩm Đời sống & Pháp luật số Chủ nhật (5)

Tin nổi bật