Lễ cúng ông Công ông Táo là một trong những nét văn hóa tâm linh đặc sắc của người Việt, diễn ra vào ngày 23 tháng Chạp hàng năm. Vào dịp này, người dân thường làm lễ tiễn Táo quân về trời để báo cáo những việc diễn ra trong gia đình suốt một năm qua.
Năm 2025, ngày ông Công ông Táo 23 tháng Chạp rơi vào thứ Tư, ngày 22/1 Dương lịch. Nhiều gia đình lựa chọn ngày giờ thích hợp để cúng ông Công ông Táo để tiện bố trí công việc cũng như đón nhận những điều tốt đẹp, an lành.
Năm 2025, nên cúng ông Công ông Táo vào ngày nào, giờ nào?
Theo sách "Tìm hiểu văn hóa Phương Đông 365 ngày" của tác giả Thiên Nhân, Nhà xuất bản Thanh Hóa, năm 2025, ngày 23/12 Âm lịch - Tết ông Công ông Táo - chính là ngày Hoàng đạo, các gia đình có thể lựa chọn thực hiện lễ cúng vào một số giờ tốt như giờ Tý (23h-1h), giờ Dần (3h-5h), giờ Mão (5h-7h), giờ Ngọ (11h-13h).
Theo quan niệm phong thủy, giờ Ngọ (11h-13h) của ngày 23 tháng Chạp được coi là thời điểm đẹp nhất để thực hiện lễ cúng tiễn Táo quân.
Tuy nhiên, do 23 tháng Chạp năm nay rơi vào thứ Tư là ngày làm việc giữa tuần nên nhiều gia đình khó thu xếp để cúng được đúng ngày. Nhiều gia đình chọn cúng trước ngày 23 tháng Chạp để đảm bảo có đủ thời gian chuẩn bị lễ vật một cách chu đáo mà không bị áp lực.
- Ngày 19 tháng Chạp (thứ Bảy ngày 18/1 Dương lịch) gia chủ có thể cúng ông Công ông Táo vào: Giờ Thìn (7h-9h), Ngọ (11h-13h), Mùi (13h-15h), Tuất (19h-21h).
- Ngày 20 tháng Chạp (Chủ nhật ngày 19/1 Dương lịch) các thời điểm có thể làm lễ cúng ông Công ông Táo gồm: Giờ Sửu (1h-3h), Mão (5h-7h), Ngọ (11h-13h), Thân (15h-17h), Dậu (17h-19h).
- Ngày 21 tháng Chạp (thứ Hai, 20/1 Dương lịch), các thời điểm có thể làm lễ cúng ông Công ông Táo gồm: Dần (3h-5h), giờ Mão (5h-7h), giờ Tỵ (9h-11h), giờ Thân (15h-17h), giờ Tuất (19h-21h) và giờ Hợi (21h-23h).
- Ngày 22 tháng Chạp (thứ Ba, 21/1 Dương lịch) là ngày Tam nương, được coi là ngày xấu.
Các gia đình không nên cúng ông Công ông Táo quá sớm khiến Táo quân phải chờ đợi lâu khi lên thiên đình, cũng không được muộn hơn giờ Ngọ (11h-13h) ngày 23 tháng Chạp vì các ngài sẽ không kịp lên dự buổi chầu.
Lễ cúng ông Công ông Táo là một trong những nét văn hóa tâm linh đặc sắc của người Việt, diễn ra vào ngày 23 tháng Chạp hàng năm.
Những điều kiêng kỵ cần tránh khi cúng ông Táo
Khi cúng ông Công ông Táo, có một số điều kiêng kỵ cần tránh để đảm bảo lễ cúng được thành kính và đúng đắn:
Không cúng quá muộn: Cúng ông Táo phải được thực hiện vào ngày 23 tháng Chạp, trước 12h trưa, tránh cúng muộn vì có thể ảnh hưởng đến sự linh thiêng.
Không dùng đồ ăn thừa: Lễ vật cúng phải là đồ mới, sạch sẽ, không sử dụng đồ ăn thừa hay đã qua sử dụng.
Tránh cúng quá cầu kỳ: Mâm lễ cúng không cần phải quá phức tạp, nhưng phải đầy đủ các vật phẩm cần thiết.
Không đổ vỡ đồ vật cúng: Nếu có sự cố đổ vỡ trong quá trình cúng, cần phải cẩn thận, vì đây là điềm xui.
Không thả cá chép bị chết: Cá chép phải sống khi thả đi, nếu cá chết có thể làm mất đi ý nghĩa của lễ tiễn Táo quân.
*Thông tin mang tính chất tham khảo và chiêm nghiệm