Mỹ mới đây đã mời hàng chục nhà lãnh đạo các nước châu Phi tới Washington (Mỹ) tham dự hội nghị.
Hội nghị đầu tiên giữa Mỹ-châu Phi từ năm 2014 tới nay là sự kiện quốc tế lớn nhất được tổ chức tại Washington D.C kể từ thời đại dịch COVID-19. Hội nghị này cũng thể hiện cam kết quan trọng của chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden về việc tăng cường tầm ảnh hưởng ở châu Phi sau gần một thập kỷ.
Hội nghị Mỹ-châu Phi diễn ra trong bối cảnh sự cạnh tranh giữa các cường quốc hàng đầu thế giới đang trở nên gay gắt hơn bao giờ hết, làm trầm trọng thêm vấn đề an ninh và kinh tế cấp bách ở châu Phi. Mỹ được cho là chịu một phần trách nhiệm cho những thách thức này.
Theo đó, tổng cộng 49 nhà lãnh đạo tứ các quốc gia châu Phi đã được mời tới Washington dự hội nghị. Bốn quốc gia bị đình chỉ khỏi Liên minh châu Phi - Burkina Faso, Guinea, Mali và Sudan - không được mời tham dự hội nghị thượng đỉnh. Nguyên nhân là bởi 4 quốc gia này đã xảy ra đảo chính dẫn đến sự thay đổi quyền lực một cách vi hiến. Nhà lãnh đạo Eritrea cũng không được mời tham dự hội nghị.
Mỹ và châu Phi đã tổ chức hội nghị đầu tiên kể từ năm 2014. Ảnh: AFP
Trong khi đó, Guinea Xích Đạo vẫn được mời đến hội nghị mặc dù Bộ Ngoại giao Mỹ nói rằng họ có "sự hoài nghi" đối với cuộc bầu cử tháng trước, khi đảng cầm quyền của Tổng thống Teodoro Obiang đã giành được gần 95% phiếu bầu.
Nhiều nhà lãnh đạo châu Phi đã công bố các chương trình nghị sự của riêng mình, chẳng hạn như tìm kiếm sự giúp đỡ để trả nợ, giải quyết hậu quả của COVID-19 biến đổi khí hậu hoặc hỗ trợ quân sự. Hầu hết các quốc gia cũng đang chịu tác động của cuộc xung đột Nga-Ukraine, sự kiện đã đẩy lạm phát lên cao và làm gián đoạn nguồn cung cấp lương thực.
Các nhà lãnh đạo châu Phi mong đợi Tổng thống Joe Biden sẽ đưa ra nhiều cam kết trong hội nghị, bao gồm việc thông báo về chuyến thăm đầu tiên của ông trên danh nghĩa Tổng thống Mỹ tới khu vực cận Sahara. Nhà Trắng cho biết một cách khác có thể khiến họ hài lòng là bổ nhiệm châu Phi vào vị trí thành viên thường trực nhóm G20.
Tổng thống Senegal, Macky Sall, chủ tịch hiện tại của Liên minh châu Phi, lập luận rằng nếu thêm Liên minh châu Phi, G20 "sẽ đại diện cho quan điểm của 54 thành viên bổ sung, phần lớn các quốc gia có thu nhập thấp và khoảng 80% dân số thế giới". Được biết, dân số châu Phi chiếm khoảng 17,8% dân số thế giới trong khi đó các nước G20 hiện tại đang chiếm 64% dân số.
Trước đó vào tháng 7, ông từng viết: "G20 đang làm giảm hiệu quả và ảnh hưởng của họ khi bỏ qua phần lớn nhân loại và nền kinh tế thế giới".
Trong chuyến công du ba quốc gia ở Châu Phi vào đầu năm nay, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cũng đã kêu gọi "các chính phủ, cộng đồng và người dân" trên khắp Châu Phi nắm bắt tầm nhìn của Washington về nền dân chủ, sự cởi mở và quan hệ đối tác kinh tế.
Minh Hạnh (Theo Guardian)