Hồi tháng 8, dư luận xã hội không ngừng xôn xao về những phiên đấu giá đất tại các huyện vùng ven Hà Nội như: Thanh Oai, Hoài Đức, với số lượng hồ sơ đăng ký lớn, thời gian đấu giá dài và mức giá trúng đấu giá tăng vọt, cao gấp hàng chục lần so với giá khởi điểm. Diễn biến và kết quả này vẫn tiếp tục tiếp diễn tại các phiên đấu giá đất gần đây tại Hà Đông, Thường Tín, Vneconomy thông tin.
Theo đó, ngày 19/10, quận Hà Đông đã đấu giá thành công 27 thửa đất tại các phường Phú Lương, Yên Nghĩa, Dương Nội. Sau 14 vòng đấu, đã xác định được khách hàng trúng giá cao nhất lên đến 262 triệu đồng/m2, cao gấp 8 lần so với giá khởi điểm; giá trúng thấp nhất cũng chênh 5,8 lần, đạt 133 triệu đồng/m2.
Đến ngày 22/10, tại Thường Tín, sau 16 giờ đấu giá khốc liệt, 19/40 thửa đất ở thuộc Dự án Hạ tầng kỹ thuật khu đất đấu giá xã Vạn Điểm, huyện Thường Tín, Hà Nội, cũng được đấu giá thành công với mức giá trúng cao nhất ở mức 52,864 triệu đồng/m2; giá thấp nhất 24,384 triệu đồng/m2, cao gấp 6,31 đến hơn 14 lần giá khởi điểm (3,864 triệu đồng/m2). Còn 21 thửa đất không đấu giá thành công do người tham gia đấu giá vi phạm quy chế.
Phiên đấu giá đất tại huyện Thanh Oai. Ảnh:Lao Động
Đầu cơ, thao túng giá thông qua việc đẩy giá cao, thổi giá
Theo báo cáo tình hình triển khai thi hành Luật Đất đai gửi đến Quốc hội, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, sau khi luật này có hiệu lực thi hành, một số địa phương triển khai công tác đấu giá quyền sử dụng đất có tình trạng chênh lệch rất lớn giữa giá khởi điểm và giá trúng đấu giá tạo dư luận không tốt.
Sau khi kiểm tra, rà soát, Bộ này chỉ rõ nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên do việc lập, công khai quy hoạch các khu vực phát triển nhà ở chưa được thực hiện bài bản, minh bạch, tạo cơ hội để các đối tượng lợi dụng đầu cơ đất đai.
Báo cáo nêu rõ, một số đối tượng tham gia đấu giá đất không thực sự có nhu cầu về đất ở, nhà ở. Nhóm này thực hiện với mục đích đầu cơ, thao túng giá thông qua việc đẩy giá cao, thổi giá.
"Họ đã bán lại ngay đất vừa trúng đấu giá để thu lợi hoặc tạo mặt bằng giá ảo đối với các khu vực xung quanh. Sau khi đấu giá, một số người trúng đấu giá chưa nộp tiền sử dụng đất đúng thời hạn theo quy chế đấu giá, có dấu hiệu bỏ cọc gây ra dư luận không tốt tại một số địa phương", Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ rõ, theo báo Dân Trí.
Qua kiểm tra, cơ quan quản lý thấy được thực tế tại huyện Thanh Oai vẫn còn 56/68 thửa đất trúng đấu giá chưa được người trúng đấu giá nộp tiền theo thông báo của cơ quan thuế, chiếm khoảng 80% số thửa đất trúng đấu giá.
Còn tại huyện Hoài Đức, có 8/19 thửa đất trúng đấu giá chưa được người trúng đấu giá nộp tiền theo thông báo của cơ quan thuế, chiếm 42,1% số thửa đất trúng đấu giá.
Một nguyên nhân nữa dẫn đến tình trạng chênh lệch giá đất lớn được Bộ này chỉ ra là các địa phương thiếu sự chủ động trong việc tạo quỹ đất để đấu giá dẫn đến nhu cầu đất ở, nhà ở của người dân không được đáp ứng đầy đủ trong thời gian dài.
Bên cạnh đó, Bộ này cũng lưu ý có trường hợp địa phương sử dụng giá đất trong bảng giá đất hiện hành chưa được điều chỉnh kịp thời, thấp hơn nhiều so với mặt bằng giá đất thực tế để làm giá khởi điểm.
Điều này dẫn đến giá trúng đấu giá và giá khởi điểm có sự chênh lệch lớn cũng thu hút nhiều đối tượng tham gia đấu giá để kiếm lời.
Ảnh minh họa
Qua nắm bắt tình hình nêu trên, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, những vấn đề nổi lên trong thời gian qua chủ yếu xuất phát từ khâu tổ chức thực hiện chưa tốt ở một số địa phương.
Vì vậy, Bộ Tài nguyên và Môi trường yêu cầu cần tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo trong công tác tổ chức thực hiện để hạn chế bất cập, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện Luật Đất đai năm 2024.
Bộ Tài nguyên và Môi trường đồng thời cho biết sẽ tiếp tục theo dõi sát sao việc triển khai thi hành Luật Đất đai trên cả nước và tổng hợp vướng mắc từ các bộ, ngành, địa phương. Bộ đề nghị chính quyền địa phương nhanh chóng rà soát Bảng giá đất hiện hành để điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tế về giá đất tại địa phương; sớm xây dựng Bảng giá đất mới theo Luật Đất đai năm 2024 để từ thực hiện từ đầu năm 2026.
Trong quá trình điều chỉnh, địa phương phải phân tích kỹ, xác định khu vực, vị trí hợp lý đối với từng loại đất, tổ chức lấy ý kiến để đảm bảo sự đồng thuận, hạn chế phản ứng bất bình trong xã hội. Khi tổ chức đấu giá đất, địa phương phải công khai quy hoạch, điều chỉnh hợp lý giá đất trong Bảng giá đất làm cơ sở tính giá khởi điểm; có thể quy định công khai trường hợp bỏ cọc nhằm hạn chế người lợi dụng đấu giá đất để trục lợi, thổi giá, gây nhiễu loạn thị trường bất động sản, VnExpress đưa tin.
Cần theo sát các cuộc đấu giá
Theo báo Lao Động, để đảm bảo quá trình đấu giá diễn ra công bằng, minh bạch, giảm thiểu tối đa các trường hợp đầu cơ, thổi giá, theo Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS), cần lưu ý các vấn đề sau. Thứ nhất, các đơn vị tổ chức đấu giá cần rà soát chặt chẽ, đảm bảo mọi quy trình, thủ tục đấu giá tuân thủ đúng quy định của pháp luật hiện hành.
Thứ hai, các cơ quan quản lý Nhà nước cần tiếp tục theo sát từng động thái của các cuộc đấu giá để có biện pháp điều chỉnh kịp thời khi phát hiện các dấu hiệu bất ổn.
Đồng thời, cũng xem xét để sớm đưa các điều chỉnh về cơ chế, chính sách, quy định chặt chẽ hơn liên quan đến hoạt động này vào đời sống để kịp thời nắn chỉnh hoạt động này đi đúng hướng. Trong đó, mức phạt bỏ cọc cần được xem xét nâng cao hơn.
Thứ ba, Nhà nước cũng cần có biện pháp mạnh tay hơn với các trường hợp trúng đấu giá nhưng “sang tay” ngay trong thời gian ngắn.
Đặc biệt, điều quan trọng nhất, theo VARS vẫn nằm ở nút thắt về nguồn cung nhà ở. Cần sớm có các biện pháp tích cực và thiết thực để khơi thông nguồn cung nhà ở. Trong đó, xem xét, tháo gỡ dứt điểm các dự án đang bị vướng mắc về pháp lý là cách nhanh nhất giúp bơm thêm nguồn cung vào thị trường.