Giải trình trước Quốc hội tại phiên thảo luận kinh tế - xã hội chiều 1/11, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, khoảng 176.000 tỷ đồng (tương đương 50% nguồn lực) của chương trình phục hồi kinh tế theo Nghị quyết 43 của Quốc hội được dành đầu tư vào những dự án hạ tầng trọng điểm, chiến lược.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng. Ảnh: Quốc hội
Tuy vậy, một số chính sách thuộc chương trình phục hồi, như gói hỗ trợ lãi suất 2% của ngành ngân hàng giải ngân thấp. Đến cuối tháng 10, gói này mới giải ngân 873 tỷ đồng, tức gần 2,3% kế hoạch (40.000 tỷ đồng).
Vì vậy, Chính phủ đề xuất Quốc hội cho phép thực hiện tiếp gói hỗ trợ lãi suất này tới hết năm 2023, nếu không giải ngân được hết thì sẽ hủy dự toán.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói thêm rằng việc này không ảnh hưởng tới bội chi do đây là khoản chưa huy động.
Giải thích việc giải ngân gói hỗ trợ lãi suất 2% chậm, báo VOV dẫn lời Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết có 2 lý do.
Thứ nhất, do nền kinh tế gặp khó khăn, nên nhiều doanh nghiệp có đủ điều kiện vay lại không vay, do đơn hàng, do tình hình sản xuất. Nhưng một số doanh nghiệp muốn vay lại không đủ điều kiện vay.
Thứ 2, do thiết kế chương trình hỗ trợ rất thận trọng, trong đó có quy định về "dự án có khả năng phục hồi". Quy định này khiến người đi vay, đơn vị cho vay đều "ngại" trong việc hiểu thế nào là doanh nghiệp có khả năng phục hồi. Do đó, chưa đạt kỳ vọng chương trình đưa ra.
“Thay vào chính sách hỗ trợ 2% lãi suất này chúng ta sẽ chuyển tiếp sang xin giãn, hoãn thuế giá trị gia tăng cũng như các thuế khác trong thời gian tới để hỗ trợ cho doanh nghiệp”, Bộ trưởng nói.
Theo báo VnExpress, thảo luận trước đó, nhiều đại biểu băn khoăn khi chính sách hỗ trợ lãi suất 2% giải ngân rất thấp.
Ông Trần Chí Cường, Phó trưởng đoàn chuyên trách TP.Đà Nẵng bày tỏ thất vọng khi gói hỗ trợ 2% - chính sách được kỳ vọng giúp doanh nghiệp bớt khó khăn về vốn, đến nay được đánh giá không khả thi.
Còn ông Nguyễn Tâm Hùng, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, đề nghị Chính phủ ngoài tháo gỡ để đẩy nhanh gói này, cần làm rõ trách nhiệm khi chính sách triển khai chậm trễ.
Đồng tình với đề xuất của Chính phủ kết thúc chính sách này sau 2023 nếu không giải ngân thêm, ông Trần Anh Tuấn, Trưởng ban Ban Đổi mới phát triển doanh nghiệp TP.HCM, gợi ý có thể vận dụng cơ chế này cho 2 năm tới. Tức là có thể sử dụng dư địa bội chi trong giai đoạn 2021 - 2025 để dành nguồn lực này đầu tư cho các dự án cấp bách trong y tế, giáo dục và giao thông quan trọng.
Vân Anh (T/h)