Với cách làm này, gà cúng gia tiên đêm Giao thừa sẽ đứng dáng mà vẫn ngon mềm, da căng bóng.
Cách làm gà cúng đêm giao thừa
Cắt tiết gà
- Sau khi vặt lông dưới tai gà, dùng dao sắc cắt một nhát thật khéo, không cắt quá sâu đứt cả cổ gà, ra ít tiết sẽ bị thâm đen.
- Hứng tiết vào bát cho thêm một chút nước cho xốp. Khi cắt tiết không cầm quá chặt ở phần đầu làm tụ máu, đầu gà bị đen.
- Khi gà chảy hết tiết mới bỏ vào chậu, nếu gà chưa chết hẳn sẽ giãy giụa khiến cánh bị gãy.
Vặt lông gà
Nhúng gà vào nước nóng khoảng 70 độ C (pha 4 phần nước sôi 1 phần nước lạnh) nếu nước sôi 100 độ C, gà non dễ bị rách da. Nhổ sạch lông, bóc màng chân, bóc vỏ sát muối toàn thân để tẩy hết mùi của lông, rửa nhiều lần cho sạch.
Mổ moi
Cắt đứt đoạn da ở diều, lôi diều và cuống họng ra, cắt ngang bụng dưới cách hậu môn 2-3 cm, vết cắt dài khoảng 4 cm, lấy nội tạng ra, khoét hậu môn để lòng rời khỏi thân gà. Sau đó làm lòng sạch để ráo nước.
Cách luộc gà
Chuẩn bị
- Nồi hoặc xoong sâu lòng.
- Muối, gừng, hành.
Tạo hình
Dùng lạt buộc cổ giữa hai cánh gà, định hình như gà còn sống cổ vươn cao, hai cánh xoè như hai cánh tiên, đôi chân gà cài vào trong phần bụng gà để cho gọn.
Cách luộc
- Đổ nước vào nồi ước lượng đủ ngập gà, đặt lên bếp nóng khoảng 50 độ C (để hạn chế nước trong thịt gà không bị tiết ra nước, giữ độ ngọt của thịt).
- Cho muối gừng hành đập dập, rồi cho gà vào luộc.
- Đậy vung đun lửa vừa, khi bắt đầu sôi, hạ nhiệt độ nước sôi lăn tăn, cho tiết lòng vào luộc.
- Khi gà nổi lên, nước có nhiều váng béo, dùng tăm xiên thử vào đùi gà, thấy nước tiết ra không đỏ là gà đã chín.
Chú ý
- Đặt gà nằm sấp khi chín mới đẹp.
- Để gà luộc trông mọng, màu da tươi tắn, sau khi vớt ra, nên nhúng ngay vào nồi nước sôi để nguội, nước lạnh càng tốt. Đến lúc gà nguội hẳn mới lấy ra đĩa. Nếu không, da gà sẽ bị khô và xỉn màu.
Chúc bạn thực hiện thành công!
Quỳnh Chi (T/h)