BSCKII Cao Thị Ánh Tuyết (Phòng M7, Viện Sức khỏe Tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, đơn vị vừa tiếp nhận một bệnh nhân nam T.N.H (34 tuổi), được người nhà đưa vào viện trong tình trạng buồn chán kéo dài, thường xuyên bỏ nhà đi, vùi mình trong các sòng cá độ suốt nhiều tháng trời.
Theo BS Tuyết, H bắt đầu cá độ bóng đá từ thời sinh viên. Ban đầu chỉ chơi vui, nhưng theo thời gian, tần suất và số tiền cược ngày càng tăng. Sau khi mất việc, ba lần nộp hồ sơ xuất khẩu lao động không thành, cuộc sống của H ngày càng bấp bênh, thu nhập giảm sút, dẫn đến mâu thuẫn vợ chồng và cuối cùng là ly hôn.
Sau biến cố hôn nhân, H rơi vào trạng thái trầm uất, ăn ngủ kém, mất năng lượng làm việc. Anh sống khép kín, thường xuyên bỏ nhà ra quán internet chơi tài xỉu và cá độ. Tình trạng kéo dài suốt 4 năm, có thời điểm anh ở ngoài hàng tháng trời, tiêu tốn 60–80 triệu đồng mỗi tháng vào cờ bạc và sinh hoạt.
Ảnh minh họa
Theo bác sĩ Tuyết, ban đầu cờ bạc mang lại cho H cảm giác giải tỏa căng thẳng. Nhưng càng về sau, anh càng mất kiểm soát, liên tục vay mượn bạn bè, người thân để tiếp tục chơi. Sáu tháng gần đây, H. có biểu hiện tự ti, bi quan, lo âu về tương lai, sút 10kg, kèm theo hồi hộp, trống ngực và run tay chân.
"Bệnh nhân tỉnh táo khi nhập viện. Bệnh nhân được chẩn đoán mắc hội chứng lo âu, trầm cảm, hành vi cờ bạc bệnh lý, trên nền bệnh Basedow. Sau 7 ngày điều trị, tình trạng ăn ngủ của bệnh nhân cải thiện rõ rệt.
Rối loạn cờ bạc là một chứng bệnh tâm thần phổ biến nhưng thường bị bỏ qua. Chỉ đến khi xuất hiện những hậu quả nghiêm trọng về sức khỏe và đời sống, bệnh nhân mới tìm đến viện", BS Tuyết cho hay.
Căn bệnh tâm thần âm thầm tàn phá cuộc sống
BSCKII Bùi Nguyễn Hồng Bảo Ngọc, Phó phòng M7, Viện Sức khỏe Tâm thần Bệnh viện Bạch Mai cho biết, rối loạn cờ bạc là một dạng rối loạn tâm thần liên quan đến hành vi đánh bạc lặp đi lặp lại, gây tổn hại cho cá nhân, gia đình và xã hội.
Người bệnh không kiểm soát được hành vi đánh bạc, dù biết rõ hậu quả tài chính, tinh thần và các mối quan hệ. Tương tự như nghiện rượu hay ma túy, cờ bạc làm rối loạn hệ thống tưởng thưởng trong não, khiến người bệnh liên tục bị thôi thúc chơi để giải tỏa căng thẳng. Cảm giác thỏa mãn tạm thời sau mỗi lần chơi thường đi kèm với hối hận, tội lỗi và tự trách, nhưng không thể dừng lại.
Trước mỗi lần đánh bạc, người bệnh trải qua cảm giác hưng phấn, mong đợi. Sau đó là sự nhẹ nhõm ngắn ngủi, rồi quay lại với lo lắng và tiếc nuối. Việc che giấu hành vi đánh bạc khiến họ trì hoãn điều trị, đến viện khi đã bị tổn thương sâu sắc về tâm lý.
Theo bác sĩ Bảo Ngọc, cờ bạc là hành vi phổ biến toàn cầu. Khảo sát của Trung tâm Nghiên cứu Quốc gia Hoa Kỳ (NORC) cho thấy tỷ lệ rối loạn cờ bạc trọn đời là 0,8%. Một nghiên cứu khác của Donald W. Black (2019) ghi nhận tỷ lệ dao động từ 0,42% đến 4%, chủ yếu ở nam giới trẻ, với tỷ lệ nam mắc bệnh là 0,64%, nữ là 0,23%. Tại Anh, Ủy ban Cờ bạc ước tính khoảng 0,6% dân số trưởng thành có vấn đề nghiêm trọng liên quan đến cờ bạc.
Các bác sĩ tại Viện Sức khỏe tâm thần phân tích trường hợp mắc rối loạn cờ bạc
Rối loạn cờ bạc thường diễn tiến theo hai dạng:
Từng đợt: Giai đoạn nghiện xen kẽ với các thời kỳ tạm ổn.Dai dẳng: Kéo dài liên tục trong nhiều năm, người bệnh thường xuyên bị ám ảnh bởi ý nghĩ về cờ bạc, cảm thấy khó cưỡng lại thôi thúc chơi.Các giai đoạn thuyên giảm được phân loại gồm:
Thuyên giảm sớm: từ 3 đến dưới 12 tháng không xuất hiện triệu chứng.Thuyên giảm liên tục: từ 12 tháng trở lên.Cũng theo bác sĩ Ngọc, chẩn đoán rối loạn cờ bạc không chỉ dựa vào việc chơi thường xuyên. Những người chơi vé số, đánh bạc vì xã giao hay giải trí mà không có biểu hiện rối loạn thì không đủ tiêu chuẩn chẩn đoán. Chỉ khi hành vi này gây tổn hại sức khỏe hoặc tâm thần thì mới được phân loại là "cờ bạc nguy hiểm" – theo phân loại ICD-11.
"Rối loạn cờ bạc cũng cần được phân biệt với rối loạn chơi game, vốn không liên quan đến đặt cược tiền hoặc vật có giá trị. Tuy nhiên, nếu trò chơi điện tử hoặc các hoạt động như đầu tư chứng khoán mang yếu tố đặt cược, gây mất kiểm soát và tổn hại nghiêm trọng, thì vẫn có thể xếp vào nhóm rối loạn cờ bạc.
Đáng chú ý, có tới 96% người mắc rối loạn cờ bạc đồng thời có một hoặc nhiều rối loạn tâm thần khác. Cụ thể, tỷ lệ rối loạn nhân cách chiếm khoảng 60%, rối loạn cảm xúc khoảng 50% và rối loạn lo âu khoảng 40%.
Điều trị nghiện cờ bạc đòi hỏi một chiến lược toàn diện, kết hợp giữa trị liệu tâm lý, can thiệp hóa dược và điều biến thần kinh. Phát hiện và can thiệp sớm chính là chìa khóa giúp người bệnh thoát khỏi vòng xoáy nguy hiểm này", BS Ngọc cho hay.