Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Mạnh tay xử lý hiện tượng "nhờn luật" khi tham gia giao thông

  • Nguyễn Lâm
(DS&PL) -

Sau hơn 3 tháng Nghị định 168 đi vào cuộc sống, lực lượng CSGT bắt đầu ghi nhận xuất hiện trường hợp "nhờn luật". Hành vi vi phạm sẽ luôn bị xử lý kiên quyết, nghiêm minh.

Thời gian qua, Nghị định số 168/2024/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ; trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe đã có hiệu lực và đi sâu vào đời sống, tạo hiệu ứng tích cực.

Và kết quả ngay trong quý I/2025, số vụ tai nạn giao thông và số người vi phạm luật giao thông đã giảm sâu. Cụ thể, so với cùng kỳ năm 2024, số vi phạm xử phạt giảm 341.519 trường hợp (-31,9%); số vụ tai nạn giảm 1.821 (-29,09%), giảm 245 người chết (-3,91%), giảm 1.864 người bị thương (-29,77%).  

Nghị định 168/2024/NĐ-CP có hiệu lực, bộ mặt giao thông hoàn toàn thay đổi

Các lỗi vi phạm phổ biến trong 3 tháng đầu năm như: Vi phạm nồng độ cồn 149.931 trường hợp (giảm 130.340 trường hợp (-46,5%); vi phạm tốc độ 168.598 trường hợp (-35,4%); chở quá số người quy định 5.444 trường hợp (-63,1%); không chấp hành hiệu lệnh tín hiệu đèn giao thông 9.131 trường hợp (-36,6%)… 

Có thể thấy rằng, thời gian đầu Nghị định 168 có hiệu lực, bộ mặt giao thông hoàn toàn thay đổi, trật tự thay thế cho hỗn loạn, đó là bằng chứng cho thấy phạt nặng là cách rất hiệu quả; các chế tài hiện hành đủ sức răn đe nếu được thực hiện nghiêm túc. 

Người dân từ việc sợ bị phạt đến hình thành thói quen, ý thức chấp hành pháp luật và từ đó dẫn đến hành vi cụ thể khi tham gia giao thông. Cùng với đó, cơ sở hạ tầng giao thông được kiểm tra, rà soát để đầu tư, sửa chữa nâng cấp theo hướng hiện đại, hợp lý, đáp ứng nhu cầu của người tham gia giao thông.

Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong việc quản lý giao thông, nhất là xử lý hành vi vi phạm hành chính được thực hiện nhanh, gọn, kịp thời, hiệu quả. 

Nhiều người tham gia giao thông cố tình quay đầu xe, đi ngược chiều trên đường Phạm Văn Đồng (Hà Nội)

Trước đó, chiều 1/4, Cục CSGT cho biết, sau hơn 3 tháng Nghị định 168/2024/NĐ-CP đi vào cuộc sống, lực lượng CSGT bắt đầu ghi nhận hiện tượng "nhờn luật". Một bộ phận nhỏ người tham gia giao thông có dấu hiệu không chấp hành quy định của pháp luật về TTATGT, mặc dù đã biết các chế tài xử phạt đã được tăng nặng theo Nghị định 168.

Đi qua các tuyến đường nội đô vào bất kỳ thời gian nào trong ngày,  vẫn còn bắt gặp hình ảnh các phương tiện len lỏi, lấn làn, leo cả lên vỉa hè hay phóng bạt mạng, vượt đèn đỏ vv.

Đoàn xe nối đuôi nhau đi ngược chiều trên đường Phạm Văn Đồng, bất chấp mức phạt cao

Thực tế, người vi phạm khi bị CSGT xử lý đều nhận thức rõ hành vi vi phạm của mình, những lý do được đưa ra để biện minh cho sai phạm là “để tránh tắc đường”, “nhà ngay gần đây”, “vội đón con”, “thấy mọi người đi nên đi theo”,…  Nguyên nhân chính do đâu?

Cần liều thuốc đặc trị

Trao đổi với PV Đời sống & Pháp luật về vấn đề này, TS. Nguyễn Xuân Thủy, chuyên gia giao thông cho biết, Nghị định 168 đã có những kết quả cụ thể, để đảm bảo hiệu quả lâu dài, việc duy trì hoạt động tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm là vô cùng quan trọng.

Việc duy trì sự hiện diện của lực lượng chức năng trên đường là rất cần thiết, tạo sự răn đe đối với những hành vi vi phạm tiềm ẩn. Đồng thời, việc xử lý nghiêm các vi phạm cũng góp phần củng cố niềm tin của người dân vào hệ thống pháp luật, khẳng định rằng mọi hành vi vi phạm đều sẽ bị xử lý nghiêm minh. 

TS. Nguyễn Xuân Thủy, chuyên gia giao thông

Bên cạnh đó,  thực tế cơ sở hạ tầng giao thông đường bộ tuy được cải thiện nhưng chưa theo kịp với tốc độ phát triển dân số và gia tăng phương tiện tham gia giao thông, đây là nguyên nhân căn bản của tình trạng kẹt xe tại ngã ba, ngã tư ở các thành phố lớn và là nguyên nhân của tình trạng vi phạm pháp luật giao thông...  

Ông Thuỷ cũng phân tích thêm: "Để hạn chế tình trạng ùn tắc giao thông, người dân vi phạm giao thông thì vai trò của giao thông công cộng là rất quan trọng. Trong khi đó, hệ thống giao thông công cộng chưa có sự kết nối đồng bộ. Việc xây dựng tuyến tàu điện metro diễn ra chưa đúng tiến độ, trong khi nhiều tuyến xe buýt không tuân thủ đúng lịch trình, khiến người dân ít mặn mà với việc sử dụng phương tiện công cộng.

Vì vậy, để giảm ùn tắc giao thông một cách bền vững, từ đó xây dựng ý thức tham gia giao thông cho người dân, cơ quan quản lý cần phát triển mạnh kết cấu hạ tầng giao thông, nâng cấp các tuyến đường chính, xây dựng cầu vượt, đường ngầm, mở rộng cửa ngõ thành phố; quy hoạch đô thị gắn với giao thông, hạn chế xây dựng nhà cao tầng tại khu vực trung tâm để giảm áp lực lên hạ tầng; hiện đại hóa hệ thống giao thông công cộng, ưu tiên phát triển đường sắt đô thị, đặc biệt là hệ thống tàu điện metro; tuyên truyền, khuyến khích người dân sử dụng phương tiện công cộng, nâng cao ý thức tuân thủ luật giao thông". 

Luật sư Chu Quỳnh Vương, Văn phòng luật sư Trung Hòa (Đoàn luật sư TP.Hà Nội)

Cùng trao đổi về vấn đề này, luật sư Chu Quỳnh Vương, Văn phòng luật sư Trung Hòa (Đoàn luật sư TP.Hà Nội) nhận định, trong bối cảnh giao thông hiện nay, đặc biệt là với tình trạng vi phạm giao thông từ phía người dân, hiện tượng “nhờn luật” đang trở thành một vấn đề đáng quan tâm, cần mạnh tay xử lý triệt để. Người dân thường lợi dụng những khoảng trống  để vi phạm luật giao thông mà không sợ bị phát hiện hoặc bị xử phạt nghiêm khắc.

Bên cạnh đó, công tác giám sát còn ít nhiều hạn chế. Việc kiểm tra, giám sát trực tiếp còn phụ thuộc nhiều vào con người thiếu thiết bị giám sát thông minh, đặc biệt là ở vùng sâu vùng xa. Hệ thống camera giám sát chưa phủ rộng, dẫn đến người dân có hành vi  vi phạm khi tham gia giao thông mà không bị phát hiện. Đặc biệt, nhận thức của một số người dân, đặc biệt là thanh thiếu niên còn chưa ý thức đầy đủ hậu quả của hành vi vi phạm giao thông. Tâm lý “chắc không sao đâu”, “có thể sẽ không bị phát hiện”... từ đó dẫn đến hiện tượng “nhờn luật”.

Theo luật sư Vương, để giảm thiểu tình trạng này trong vi phạm giao thông, đặc biệt đối với tài xế xe máy, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa việc tăng cường xử phạt, bao gồm cả xử phạt trực tiếp và xử phạt nguội với việc ứng dụng công nghệ hiện đại trong giám sát, cùng với các biện pháp tuyên truyền, giáo dục pháp luật hiệu quả. Việc áp dụng chế tài nghiêm khắc sẽ không chỉ tạo ra hiệu ứng răn đe mà còn góp phần xây dựng một nền văn hóa giao thông lành mạnh, an toàn cho cộng đồng.

Trung tá Phạm Văn Chiến, Đội trưởng Đội CSGT đường bộ số 6, Phòng CSGT Công an TP.Hà Nội cho biết, để tăng cường bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, từng bước nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông, Đội CSGT đường bộ số 6 sẽ tăng cường công tác kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về trật tự, an toàn giao thông.  

Các hành vi như đi không đúng phần đường, làn đường, dừng đỗ xe không đúng quy định, vượt đèn đỏ, đi lên vỉa hè, vi phạm nồng độ cồn,... sẽ bị lực lượng chức năng kiểm tra và xử nghiêm. Bên cạnh đó, kết hợp với các phương tiện thông tin đại chúng để tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về chấp hành các quy định giao thông trong đó có Nghị định 168.  

Tin nổi bật