Thanh kiểm tra thường xuyên – mấu chốt xử lý doanh nghiệp vi phạm về bảo hiểm
Doanh nghiệp nợ đóng bảo hiểm xã hội là tình trạng doanh nghiệp không đóng đủ hoặc chậm đóng tiền Bảo hiểm xã hội (BHXH) cho người lao động theo quy định của pháp luật. Việc này không những ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động mà còn làm giảm uy tín và gây thiệt hại cho doanh nghiệp.
Những tháng đầu năm nay, TP Hà Nội đã tổ chức hàng trăm cuộc thanh tra, kiểm tra nhằm phát hiện, chấn chỉnh và xử lý nợ đọng tại các đơn vị, qua đó kịp thời đảm bảo quyền lợi chính đáng của người lao động.
Người lao động làm bảo hiểm thất nghiệp tại trung tâm giới thiệu việc làm Hà Nội.
BHXH TP Hà Nội đã công khai danh sách hơn 35.000 đơn vị, doanh nghiệp nợ đóng, chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN từ 1 tháng trở lên. Trong đó doanh nghiệp có mức nợ thấp nhất là hơn 1,1 triệu đồng; cao nhất hơn 58 tỷ đồng. Điều đáng nói, tình trạng các doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ chậm đóng BHXH có xu hướng tăng đột biến. Ảnh hưởng khó khăn từ tình hình kinh tế đã khiến nhiều đơn vị đứt gãy sản xuất, cạn kiệt dòng tiền và không còn khả năng để thực hiện nghĩa vụ BHXH, BHYT.
Trước thực trạng này, 5 tháng đầu năm 2024, các lực lượng chức năng đã thực hiện tổng số 976 cuộc thanh tra, kiểm tra. Việc chủ động thanh tra sớm sẽ giúp kịp thời chấn chỉnh, thu hồi tiền BHXH từ các doanh nghiệp (DN) mới phát sinh nợ đọng… Thay vì để lâu kéo dài sẽ dẫn đến thực trạng nhiều DN phá sản, giải thể hoặc bỏ trốn trong khi lại thiếu chế tài xử lý vấn đề này.
Kết quả, sau thanh tra, kiểm tra, 5 tháng đầu năm, số tiền các đơn vị đã nộp về cơ quan BHXH Hà Nội để khắc phục nợ tiền đóng BHXH, BHYT, BHTN là 85,7 tỷ đồng (đạt gần 82%).
Xử lý vi phạm Doanh nghiệp nợ đóng BHXH
Nếu doanh nghiệp chậm đóng BHXH từ 30 ngày trở lên, doanh nghiệp sẽ phải đóng đủ số tiền chưa đóng, chậm đóng và bị xử lý theo quy định của pháp luật. Ngoài ra, doanh nghiệp còn phải nộp số tiền lãi bằng 02 lần mức lãi suất đầu tư quỹ bảo hiểm xã hội bình quân của năm trước liền kề tính trên số tiền, thời gian chậm đóng.
Theo đó, Căn cứ theo Điều 56, Quy định ban hành kèm theo Quyết định số 1111/QĐ-BHXH nêu rõ:
Đơn vị đóng BHXH bắt buộc, BHYT, BHTN chậm quá thời hạn theo quy định từ 30 ngày trở lên thì phải đóng số tiền lãi tính trên số tiền BHXH bắt buộc, BHYT, BHTN chưa đóng gồm:
- Số tiền BHXH bắt buộc, BHYT, BHTN phải đóng nhưng chưa đóng đã quá thời hạn quy định, trừ số tiền 2% trong kỳ được giữ lại của đơn vị tham gia BHXH bắt buộc.
- Số tiền 2% đơn vị được giữ lại lớn hơn số tiền được quyết toán, đơn vị phải đóng phần chênh lệch vào tháng đầu của quý sau nhưng chưa đóng.
- Phương thức tính lãi: ngày đầu hằng tháng.
Mức phạt hành chính doanh nghiệp nợ đóng BHXH
Bên cạnh việc phải đóng số tiền lãi tính trên số tiền BHXH bắt buộc, BHYT, BHTN chưa đóng doanh nghiệp còn có thể bị phạt tài chính nếu chậm đóng BHXH. Căn cứ theo Khoản 4, Điều 38, Nghị định số 28/2020/NĐ-CP ban hành ngày 1/3/2020 quy định:
“4. Phạt tiền từ 12% đến 15% tổng số tiền phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính nhưng tối đa không quá 75.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau:
a) Chậm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp;
b) Đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp không đúng mức quy định mà không phải là trốn đóng;
c) Đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp không đủ số người thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp mà không phải là trốn đóng.”
Như vậy, nếu nợ đóng BHXH doanh nghiệp có thể bị xử phạt hành chính theo quy định. Mức xử phạt tiền từ 12% đến 15% tổng số tiền phải đóng BHXH bắt buộc, BHTN tại thời điểm lập biên bản vi phạm. Tuy nhiên tối đa mức phạt không quá 75.000.000 đồng.
Cách bảo vệ quyền lợi khi doanh nghiệp nợ BHXH
Việc doanh nghiệp nợ BHXH sẽ làm gián đoạn quá trình ghi nhận thời gian tham gia BHXH của người lao động. Điều này sẽ ảnh hưởng đến các quyền lợi về BHXH của người lao động khi hưởng các chế độ ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, hưu trí và tử tuất.
Ngoài ra, khi doanh nghiệp nợ BHXH từ 30 ngày trở lên, thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) của người lao động sẽ bị khóa. Điều này sẽ gây khó khăn cho người lao động khi đi khám chữa bệnh và được hưởng các quyền lợi về BHYT.