Việc sưu tầm đồ cổ là một thú vui phổ biến tại Trung Quốc. Nắm bắt được xu hướng này, các nhà sản xuất chương trình truyền hình đã tạo ra gameshow thực tế mang tên "Kiểm định bảo vật". Đây là một sân chơi hấp dẫn, nơi các nhà sưu tầm có thể mang những món đồ quý giá của mình đến để giới thiệu và được các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực khảo cổ và thẩm định đánh giá.
Trong một tập của chương trình "Kiểm định bảo vật", ông Trương, 58 tuổi đến từ Chiết Giang, đã mang đến một miếng ngọc bích. Câu chuyện về miếng ngọc này cũng khá đặc biệt. Nhiều năm về trước, một người họ hàng xa của gia đình ông Trương muốn khởi nghiệp nên đã vay cha của ông 100.000 NDT (tương đương hơn 350 triệu đồng).
Tuy nhiên, việc kinh doanh của người này không thành công, dẫn đến phá sản và không có khả năng trả nợ. Để trừ nợ, người họ hàng đã đưa miếng ngọc bích tinh xảo này cho gia đình ông Trương. Kể từ đó, miếng ngọc được gia đình ông Trương cất giữ cẩn thận.
Miếng ngọc được người đàn ông đưa đi thẩm định. Ảnh: Baijiahao
Sau khi cha qua đời, ông Trương mới tình cờ phát hiện ra miếng ngọc bích. Vô cùng ngạc nhiên trước vẻ đẹp tinh xảo của nó, ông quyết định mang đến chương trình "Kiểm định bảo vật" để nhờ các chuyên gia thẩm định và định giá.
Ngọc bích có một vị trí đặc biệt trong văn hóa Trung Hoa, với lịch sử lâu đời bắt nguồn từ thời kỳ xã hội nguyên thủy. Nền văn minh ngọc bích của Trung Quốc đã trải qua nhiều giai đoạn phát triển, mỗi giai đoạn mang một dấu ấn riêng.
Thời kỳ Xuân Thu và Chiến Quốc chứng kiến sự phát triển vượt bậc của đồ ngọc, đặc biệt là ngọc bích, khi nó trở thành biểu tượng được giới quý tộc hết mực tôn sùng. Ngọc bích không chỉ là vật trang sức mà còn mang ý nghĩa về địa vị xã hội và quyền lực.
Đến thời nhà Tần và nhà Hán, kỹ thuật chế tác ngọc bích đạt đến trình độ tinh xảo hơn. Phong cách chạm khắc thời kỳ này mang đậm nét mạnh mẽ, dứt khoát và phóng khoáng, thể hiện sự sáng tạo và kỹ năng bậc thầy của các nghệ nhân.
Các triều đại sau đó, như nhà Nguyên, nhà Minh và nhà Thanh, tiếp tục kế thừa và phát triển nghệ thuật chạm khắc ngọc bích, đạt đến đỉnh cao với những tác phẩm tinh tế và phức tạp. Có thể nói, đây là giai đoạn hoàng kim của nghệ thuật chế tác ngọc bích trong lịch sử Trung Quốc.
Các chuyên gia thẩm định nhận định rằng miếng ngọc của ông Trương được chế tác thành hình tượng một con hổ từ bạch ngọc Hòa Điền. Bạch ngọc Hòa Điền là loại ngọc quý giá nhất trong dòng ngọc Nephrite, và là một trong Tứ đại danh ngọc nổi tiếng của Trung Quốc.
Điều đặc biệt là rất hiếm khi tìm thấy một tác phẩm điêu khắc bạch ngọc có kích thước lớn như vậy. Kích thước này cho thấy khối ngọc gốc ban đầu phải vô cùng đồ sộ. Quan sát kỹ hơn, có thể thấy hình tượng con hổ không được khắc họa theo lối tả thực mà mang phong cách đơn giản và trừu tượng. Phần đầu hổ được làm khá lớn, hình dáng có phần tương đồng với các vật dụng từ thời nhà Thương - triều đại được công nhận là triều đại đầu tiên trong lịch sử Trung Quốc.
Tuy nhiên, khi xem xét phần cổ của con hổ, các chuyên gia phát hiện một số đường khắc có góc nghiêng gần 40 độ, kết hợp với bề mặt ngọc bị mài mòn. Đây là đặc điểm điển hình của đồ ngọc thời Tây Chu (khoảng năm 300 TCN).
Đến đây, vị chuyên gia nhìn ông Trương với vẻ mặt đầy phấn khích và thốt lên: "Vận may của ông thật sự quá lớn!". Sau khi nghiên cứu kỹ lưỡng, chuyên gia đã kết luận món đồ này có niên đại khoảng 2500 năm, có nguồn gốc từ thời Tây Chu. Quả thực, việc một bảo vật hoàn chỉnh và tinh xảo như vậy được bảo tồn nguyên vẹn cho đến ngày nay là vô cùng hiếm có.
Điều đáng nói là ban đầu, món bảo vật này chỉ được dùng làm vật thế chấp, tương đương với việc gia đình ông Trương đã bỏ ra 100.000 NDT để "mua" nó. Giờ đây, các chuyên gia khẳng định đó là một khoản đầu tư vô cùng sáng suốt. Giá trị của miếng ngọc bích không chỉ nằm ở giá trị vật chất mà còn là một tư liệu vô giá, đóng góp quan trọng vào việc nghiên cứu văn hóa ngọc bích của triều đại Tây Chu.
Chuyên gia khẳng định chắc nịch: "Với giá thị trường hiện tại, con hổ ngọc này ít nhất cũng phải có giá một triệu NDT (tương đương khoảng hơn 3,5 tỷ đồng)." Nghe được con số này, ông Trương không khỏi vui mừng, nhảy cẫng lên vì quá phấn khích. Ông hoàn toàn không ngờ món đồ tưởng chừng nhỏ bé lại có giá trị lớn đến vậy.
Thấy ông Trương vui mừng khôn xiết, người dẫn chương trình liền trêu đùa: "Vậy món đồ này ban đầu chỉ có giá 100.000 NDT, hay là tôi mua lại với giá 200.000 NDT nhé?". Nghe vậy, ông Trương càng cười tươi hơn bao giờ hết. Đối với ông, đây quả là một vận may muộn màng nhưng vô cùng ý nghĩa. Ông khẳng định sau khi về nhà nhất định sẽ phải bái tạ Thần Tài và cha mình để bày tỏ lòng biết ơn.
Trước đó, trong một chương trình "Kiểm định bảo vật " của CCTV, một người đàn ông đã mang tới một thanh kiếm gỗ đào nhờ các chuyên gia thẩm định giúp. Anh giới thiệu thanh kiếm này vốn là món đồ tùy táng trong ngôi mộ tổ nhà anh, trong một lần di dời mộ tổ, anh đã phát hiện ra nó và có linh cảm đây là món bảo vật rất giá trị.
Nghe tới đây, gương mặt các chuyên gia kiểm định bỗng lộ rõ vẻ không vui, một vị chuyên gia lên tiếng: "Tôi chưa biết thanh kiếm này có giá trị ra sao, nhưng khuyên anh nên chôn nó lại nhanh đi!"
Trong văn hóa Trung Quốc và nhiều quốc gia châu Á, đào mộ tổ tiên, lấy đồ đạc bên trong ra ngoài là việc "đại kỵ".
Hành động xâm phạm mồ mả như thế này không chỉ gây ảnh hưởng tiêu cực lên phong thủy của một gia đình mà còn bị coi là bất hiếu, bất kính với các thế hệ đi trước. Vậy mới nói việc người đàn ông này lấy kiếm trong mộ đi kiểm định là rất đáng trách.
Chủ nhân bảo vật nghe những lời này thì vô cùng bối rối, anh phân trần mình mang kiếm tới đây vốn chỉ vì tò mò chứ không có ý định đem thanh kiếm của tổ tiên đi bán. Sau hồi nghe giải thích, các chuyên gia sau đó cũng đồng ý kiểm định thanh kiếm giúp cho anh.
Thanh kiếm này thực chất có nguồn gốc từ thời Trung Hoa Dân Quốc (1912-1949), kiếm được làm bằng gỗ đào, tạo tác tương đối tinh xảo.
Gỗ đào vốn thuộc giống gỗ thân mềm và xốp, do cây gỗ đào đực không ra hoa ra quả nên người ta tâm niệm loại cây này có khả năng hấp thụ tinh khí của trời đất, gắn với công dụng xua đuổi tà ma trong phong thủy phương Đông.
Người xưa thường chôn theo gỗ đào trong lăng mộ của mình để bảo vệ mộ phần và cầu chúc cho các thế hệ mai sau được thịnh vượng, bình an. Do vậy, thanh kiếm này tuy không có giá trị vật chất nhưng mang rất nhiều ý nghĩa về tinh thần.
Trước những phân tích của chuyên gia, chủ nhân bảo vật cũng cúi đầu cảm ơn. Anh không hỏi thêm về giá trị thanh kiếm nữa mà hứa sẽ mang kiếm về bảo quản cẩn thận trong khu mộ mới của tổ tiên.