Puka làm đám cưới với Gin Tuấn Kiệt là thông tin gây chú ý những ngày qua. Thực chất hình ảnh xuất hiện trên mạng xã hội được cắt từ một chương trình truyền hình.
Tuy chỉ là một phần của chương trình truyền hình nhưng hình ảnh tái hiện trong show đã đưa người xem đến gần hơn và hiểu hơn về văn hóa đám cưới miền Tây.
"Đám cưới" của Puka và Gin Tuấn Kiệt
Cụ thể, ê-kíp chương trình tất bật chuẩn bị mọi khâu sao cho giống nhất có thể các lễ nghi trong đám cưới. Trường Giang và ca sĩ Bích Phương vào vai ba mẹ của cô dâu Puka. Thúy Ngân, Huỳnh Lập… vào vai anh chị cô dâu.
Về phía nhà trai, Lâm Hùng và Lâm Vỹ Dạ hóa thân thành ba mẹ Gin Tuấn Kiệt. Ca sĩ Hồ Phi Nal làm cậu chú rể. Diễn viên Lê Dương Bảo Lâm với vai trò MC, là đại diện cho họ nhà gái, liên tục đọc thơ ngang ngang, biến tấu với ca dao, tục ngữ gây cười.
Trong lúc làm lễ, Puka luôn tỏ ra lo lắng, hốt hoảng thốt lên: "Như đám cưới thiệt, mọi người gả em mà ba mẹ em chưa hay". Đến khi cả hai lạy trước bàn thờ gia tiên, Trường Giang pha trò "lạy là dính nhe". Vì thế Puka vừa lạy vừa nói "con giả bộ đám cưới".
Đám cưới giả phong cách miền Tây của Puka và Gin Tuấn Kiệt.
Sau phần bái tổ tiên, làm lễ giữa hai bên gia đình, đám cưới miền Tây không thể thiếu phần "ăn nhậu" mừng cô dâu - chú rể về một nhà, bên cạnh đó là phần nhạc sống giao lưu.
Rồi tới luôn - ca khúc về đám cưới miền Tây hiện đạt gần 190 triệu lượt xem - do Hồ Phi Nal sáng tác và thể hiện vang lên giữa bàn tiệc mang lại không khí đậm chất miền Tây sông nước.
Văn hóa "Đám cưới miền Tây"
Dưới phần bình luận, khán giả để lại nhiều ý kiến thích thú với màn kết hôn giả giữa Puka và Gin Tuấn Kiệt.
"Là người miền Tây, tôi cảm thấy xúc động khi thấy màn tái hiện đám cưới này, giống như những gì tôi thấy trong hình ảnh cưới của cha mẹ mình"
“Chương trình đã tái hiện cho khán giả những giá trị truyền thống từ đời xưa của Việt Nam mình, thật đáng quý. Hy vọng chương trình sẽ khai thác thêm được nhiều phong tục tập quán của ông bà ta để lại và mong rằng những giá trị đó sẽ không phai mờ đi mà sẽ tiếp tục được nhớ đến và lưu truyền”, một số bình luận của khán giả.
Chương trình đã rất tinh tế khi truyền tải được văn hóa miền Tây đến khán giả. Ngày nay, dù cuộc sống hiện đại thay đổi nhiều, đám cưới vẫn giữ nguyên những nét đẹp truyền thống, không thể thiếu cổng hoa trang trí bằng vật liệu thô sơ, kết tay bằng lá dừa, dây đủng đỉnh mang ý nghĩa gắn kết.
Trên bàn thờ, mâm lễ vật luôn đầy đủ bộ lư đồng sáng bóng, chân đèn trang trí bằng giấy đỏ, lễ vật long phụng được sắp xếp chỉn chu để chờ cô dâu và chú rể thực hiện nghi lễ uống rượu giao bôi và lễ lên đèn.
Hình ảnh rước dâu bằng xuồng ba lá, đặc trưng trong đám cưới của miền Tây sông nước.
Thông thường, nhà trai khi đến nhà gái phải mang đủ mâm quả, chú rể phụ đi đầu - thường là những người viên mãn trong hôn nhân, con cái đầy đủ, mâm lễ vật đa dạng từ bánh phu thê, trái cây, vàng mừng cô dâu. Tất cả đều được đậy bằng vải đỏ.
Sau màn giới thiệu hai họ, cô dâu được mẹ dẫn ra nhà trước, giới thiệu "bà con cô bác" trong gia đình. Màn trao lễ vật (có thể là vàng, tiền mặt) không thể thiếu trong ngày trọng đại. Kiềng vàng, dây chuyền, cà rá (nhẫn), đeo bông (hoa tai) là lễ vật được trao nhiều nhất.
Mẹ chồng đeo bông cho con dâu, cô dâu - chú rể uống rượu giao bôi... là nghi thức quan trọng. Một điều đáng lưu ý trong đám cưới miền Tây là hai buổi lễ trong tiệc cưới có cách gọi khác nhau, nếu nhà trai là Tân hôn, nhà gái là Vu quy.
Khách mời dự tiệc phần lớn chọn trang phục đỏ, rực rỡ, hạn chế trang phục tối màu. Họ quan niệm đây là ngày vui của cô dâu, trang phục càng sặc sỡ càng giúp cô dâu, chú rể hạnh phúc.
Phương Linh (T/h)