(ĐSPL)- Người dân cho rằng, trong làng hiện tại có 31 cụ sống trên tuổi 81, có cụ thọ tới 104 tuổi và con cháu đỗ đạt thành công nhiều là đều do ông Đức Thầy phù hộ. Ngôi mộ thiêng của ông Đức Thầy còn là nơi để người dân địa phương cầu mong cho thời tiết thuận lợi, mùa màng bội thu.
Chuyện Đức Thầy về làng
Câu chuyện từ thời Pháp thuộc kể lại rằng, có ông thầy thuốc có nhiều biệt tài từ Hà Tĩnh đi lang thang chữa bệnh cứu người, đã dừng chân ở vùng đất Cảnh Hóa (huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình). Từ đó, câu chuyện về ông thầy giỏi này được nhiều người biết tới. Đến tận lúc ông mất, Cảnh Hóa trở thành nơi chôn cất của ông. Ngôi mộ đó được người làng gọi bằng cái tên gần gũi: Mộ ông Đức Thầy. Đây được coi là ngôi mộ linh thiêng và có nhiều câu chuyện ly kỳ, như một nét văn hóa được người dân Cảnh Hóa lưu truyền.
Tò mò về câu chuyện ngôi mộ thiêng, chúng tôi được chỉ tới nhà ông Hoàng Minh Hiệu (người làng thường gọi là ông Liễu). Ông là một trong hai người hiện đang phụ trách việc trông coi ngôi mộ Đức Thầy.
Dù đã bước qua tuổi 86, nhưng ông Liễu vẫn rất minh mẫn. Khi chúng tôi tỏ ý muốn nghe câu chuyện về Đức Thầy, ông vừa nhai trầu vừa chậm rãi kể chuyện: "Ông Đức Thầy có tên là Trương Công Trứ, quê ở Hà Tĩnh, là thầy thuốc chuyên chữa bệnh cho vợ và các con vua, nên ông được nhà vua phong tặng danh hiệu "Vị thần quan thánh, quan tướng". Khi đã lớn tuổi, ông xin cáo quan và đi lang thang bốc thuốc chữa bệnh cứu người. Có dịp đi qua vùng đất thuộc xã Cảnh Hóa ông đã có thời gian dừng chân tại đây".
|
Ngôi mộ thiêng của ông Đức Thầy có cây đa to hàng trăm tuổi. |
Chuyện kể rằng, Trương Công Trứ đã đi ngang làng Tứ Tiền Lương (nay là xã Quảng Trường, huyện Quảng Trạch, Quảng Bình). Ông thấy người ta khiêng một con trâu mộng, hỏi ra mới biết đó là con trâu cày nhưng không may bị chết, người dân đang chuẩn bị đưa đi làm thịt. Ông nghe thấy vậy liền hỏi: "Mọi người có muốn để con trâu sống dậy cày tiếp không?". Người dân ở đây cho rằng ông nói nhảm và mắng: "Ông có bị mù hay bị điên không, trâu đã chết rồi làm sao sống lại được?". Nghe vậy, ông chẳng nói năng gì, chỉ bẻ một cành cây rồi phất phất lên người con trâu ba lần. Lạ thay, con trâu sống lại thật".
Nghe câu chuyện quá ly kỳ, chúng tôi tò mò hỏi lại, ông Liễu khẳng định: "Đây là câu chuyện có thật, được người đời trước kể lại nếu các bạn không tin thì có thể đi hỏi tất cả những người lớn tuổi trong làng để kiểm chứng". Sau sự việc đó, ông Trương Công Trứ được bà con tin tưởng và mời ở lại trong làng. Mỗi khi ai có bệnh tật gì đều được ông cứu chữa. ông Đức Thầy còn có biệt tài đi qua sông, chỉ cần ngồi trên cái nón chứ không chèo xuồng hay đi đò.
Một thời gian sau, trong lúc qua làng Lệ Sơn, xã Văn Hóa (huyện Tuyên Hóa) chữa bệnh cho người dân, ông đã bị một số người xấu lừa cho ông ăn thịt chó đen. Sau đó không biết ông chết vì ăn phải thịt chó đen hay uất ức mà ra sông tự tử. Người ta chỉ nghe kể lại rằng, điều đặc biệt là lúc chết, xác ông Đức Thầy không chìm mà trôi đứng dọc theo sông Gianh dài mấy cây số, từ bờ sông Gianh xã Văn Hóa về tới làng Thượng Thọ, xã Cảnh Hóa. Thấy vậy, người dân hai bên bờ sông trải chiếu, thắp hương mời ông về an nghỉ tại làng. Cuối cùng, Đức Thầy đã chọn bờ Lèn Rồng thuộc làng Phù Kinh ngày ấy (nay tách thành xã Phù Hóa và Cảnh Hóa, huyện Quảng Trạch) mà dạt vào.
Ngôi mộ ông Đức Thầy được đắp lên trên đất ven bờ sông Gianh nằm cạnh Lèn Rồng làng Phù Kinh hồi đó, sau một thời gian thì bị sạt lở do mưa lũ. Bởi vậy người dân trong làng chuyển mộ ông lên khu vực thuộc đuôi đồi Rú Vắp (làng Thượng Thọ, xã Cảnh Hóa, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình).
|
Ông Hoàng Minh Hiệu (ông Liễu) kể lại chuyện ông Đức Thầy về làng và chuyện ngôi mộ thiêng. |
Ngôi mộ thiêng?
Từ đây, ngôi mộ ông Đức Thầy lại có nhiều câu chuyện linh ứng kỳ lạ. Theo ông Liễu, hồi đó, mộ ông Đức Thầy do ông Quản Hiếu (người làng Thượng Thọ, xã Cảnh Hóa) phụ trách thắp hương, thờ cúng. Sau đến ông Hoàng Đàm (con trai ông Quản Hiếu) và tiếp đến là ông Hoàng Thắm - SN 1929 - con trai ông Hoàng Đàm) trông coi. Hiện tại, mấy cha con ông Thắm đều đã mất, nên cả làng giao lại cho ông Liễu và ông Hoàng Thanh Lượng (SN 1934) lo liệu việc tu sửa, thờ cúng.
Ông Liễu cho biết: "Cha tôi từng kể rằng, hồi đó rừng núi còn hoang sơ, ngôi mộ ông Đức Thầy vừa được đắp lên ở đuôi đồi Rú Vắp thì đến đêm có tiếng hổ gầm. Người ta bảo nhau là có con hổ to lắm, hằng đêm nó về nằm canh mộ cho ông Đức Thầy ngủ". Ngày trước trong làng có ông Nguyễn Văn Pháp (nay đã mất) vô tình dẫn bò vào mộ ông Đức Thầy cho ăn cỏ, liền bị hất bay ra ngoài. Nhưng cả người và bò đều không bị thương gì, từ đó không ai dám dẫn trâu, bò giẫm lên mộ ông nữa.
Khi ngôi mộ được xây đắp lại sau một thời gian, có một cây đa mọc ngay bên cạnh, giờ đã hơn trăm tuổi. Điều đặc biệt là nằm sát ngôi mộ, nhưng rễ cây đa lại mọc ra hai bên không phá vỡ mộ. Cây đa trở thành bóng mát che cả ngôi mộ, đồng thời đó cũng là bóng râm cho người dân nghỉ chân sau những lần đi làm ruộng. Trên cây đa, chim muông kéo về làm tổ, nhưng không đứa trẻ nào trong làng quấy phá, vì cho rằng chim đó do ông Đức Thầy nuôi.
Ngôi mộ ông Đức Thầy đã có từ rất lâu và trở thành một phần trong đời sống tâm linh của người dân địa phương. Các ngày rằm, ngày ba mươi hay mồng một hàng tháng, lễ, Tết, người dân đều ghé qua ngôi mộ, quét dọn và hương khói. Bất kể có việc lớn, việc nhỏ, việc của địa phương hay của gia đình, người ta lại ra đó thắp hương và cầu xin cho công việc tốt đẹp.
Theo ông Liễu trong làng hiện tại có 31 cụ sống trên tuổi 81, có cụ thọ tới 104 tuổi và con cháu đỗ đạt thành công nhiều là đều do ông Đức Thầy phù hộ. Ngôi mộ thiêng của ông Đức Thầy còn là nơi để người dân địa phương cầu mong cho thời tiết thuận lợi, mùa màng bội thu, cầu mong sức khỏe đến với mọi người, mọi nhà.
Không chỉ có người dân mới coi ngôi mộ thiêng như một nét văn hóa, một phần trong đời sống tâm linh của họ mà chính quyền địa phương cũng đã đóng góp trong công tác xây dựng và bảo vệ ngôi mộ. Mặc dù hiện tại ông Liễu và ông Lượng phụ trách việc thờ cúng và trông coi ngôi mộ, nhưng đến dịp làm lễ cúng ông Đức Thầy vào ngày 17/7 (âm lịch) thì cán bộ xã Cảnh Hóa cũng cử người xuống tham gia. ông Liễu cho biết, bà con trong làng luôn tự nguyện đóng góp tiền bạc để hương khói cho ông Đức Thầy.
Văn hóa tâm linh của làng Ông Hoàng Minh Trí (Trưởng thôn Thượng Thọ, xã Cảnh Hóa) cho biết: "Ngôi mộ ông Đức Thầy là nét văn hóa tâm linh của cả làng, là điểm đến của những người con Cảnh Hóa, để con người sống và tin tưởng vào những điều tốt đẹp như ở hiền gặp lành. Chính quyền địa phương cũng tạo điều kiện hỗ trợ kinh phí để bà con tôn tạo, sửa chữa và giữ gìn ngôi mộ, để con cháu đời sau biết đến...". |