(ĐSPL) - Cuộc sống vợ chồng mà như địa ngục thì tìm đâu ra hạnh phúc. Khi không thể sống chung với người chồng bạo hành, người vợ đã phải dứt lòng để chọn cách ly hôn nhằm giải thoát cho bản thân và đã được tòa giải quyết ly hôn. Nhưng từ khi có quyết định giải quyết ly hôn của tòa án chị và con đã bị người chồng cũ đuổi ra khỏi căn nhà, phải sống cảnh “màn trời chiếu đất”.
Bạo lực khiến một gia đình tan vỡ
Không thể sống chung với người chồng bạo hành, chị Võ Thị Hồng Đ. (SN 1983, P.Trần Quang Diệu, TP.Quy Nhơn, Bình Định) đã được tòa giải quyết ly hôn. Từ khi có quyết định ly hôn (29/12/2015), chị Đ. và con đã bị chồng cũ đuổi ra khỏi căn nhà chung, phải sống cảnh màn trời chiếu đất ngay bên cạnh căn nhà của mình. Chị Đ. rơi nước mắt kể về những thăng trầm của cuộc đời mình, quê chị ở xã Phước Thắng (H.Tuy Phước, Bình Định), chồng chị quê ở Cát Thắng (H.Phù Cát, Bình Định).
Năm 2004, sau khi kết hôn, vợ chồng chị vào phường Trần Quang Diệu (Quy Nhơn) mua nhà ở để tiện đi làm. Đến năm 2005, chị sinh con gái đầu lòng, năm 2007, sinh con thứ hai. “Lúc mới quen, dù biết chồng hay cờ bạc, nhưng vì yêu nên tôi chấp nhận, nghĩ lấy nhau rồi anh ấy sẽ thay đổi. Nào ngờ, vừa cưới nhau về anh đã lừa tôi lấy hết tiền, vàng cưới, nói đi mua cổ phiếu nhưng thật ra là tiêu xài hết.
Phát hiện sự việc, vợ chồng cãi nhau thì anh và gia đình anh nói tôi xúi bẩy chồng bán vàng tiêu xài”, chị Đ. nói. Mâu thuẫn gia đình tích tụ dần, chồng chị ngày càng sa vào cờ bạc, rượu chè, mỗi lần thua bạc, say rượu lại sinh sự với vợ con. “Con gái lớn khỏe mạnh nhưng con gái thứ hai sinh thiếu tháng, hay đau bệnh nên tôi rất cực. Công ty giày thì làm thời vụ, lương thưởng bấp bênh, tôi phải nghỉ ra ngoài chạy chợ mới có tiền nuôi con. Tình cảnh như vậy mà chồng tôi kiếm được đồng nào là nướng hết vào đỏ đen.
Sau khi ly hôn, chồng nhẫn tâm đuổi vợ con ra đường sống cảnh "màn trời chiếu đất" |
Mỗi lần vợ chồng cãi nhau là anh ấy lại đánh tôi. Có lần mới dọn mâm cơm, anh ấy mang cả nồi cơm nóng đập vào ngực tôi, khiến tôi phải nằm bệnh viện mất năm, sáu ngày…”, chị Đ. khóc. Đỉnh điểm của lần bị chồng bạo hành khiến chị quyết tâm ly hôn là sau lần chị nhập viện hơn 10 ngày tại bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Định. Gia đình chồng muốn cho các anh chị em cùng sống trong căn nhà chung của vợ chồng chị nhưng chị không đồng ý nên bị chồng đánh. “Ra viện ngày 31/10/2015 sau 11 ngày nằm viện, tôi viết giấy ly hôn, đồng thời viết đơn tố cáo.
Phường yêu cầu tôi bãi nại, chỉ xử lý hành chính chồng tôi tội bạo lực gia đình. Ngày 29/12/2015, TAND tỉnh Bình Định giải quyết ly hôn, tôi được quyền nuôi hai con, căn nhà là tài sản chung chờ phân định. Chồng tôi mỗi tháng phụ cấp nuôi con 800.000đ/tháng/cháu”, chị Đ. kể. Thế nhưng, sau khi có quyết định ly hôn của tòa, anh T. cùng anh trai đã đuổi ba mẹ con chị Đ. khỏi nhà, và ít lâu sau thì xây tường bít luôn lối vào nhà. Mẹ con chị Đ. phải tá túc tại vỉa hè nhà hàng xóm.
Gần năm tháng sống trong cảnh màn trời chiếu đất, chị Đ. phải mua bán ve chai nuôi con. Hai con chị (con lớn học lớp 5, nhỏ học lớp 3) sau giờ đến trường thì tự chăm nhau. Bậc thềm hàng xóm là nơi ăn ở, sinh hoạt của ba mẹ con. Chúng tôi tìm đến "nơi ở" của mẹ con chị Đ., khi mẹ đi làm, hai chị em đang chuẩn bị bài vở.
Sau một lúc e dè, hai bé cho biết: “Từ ngày bố mẹ không sống chung, con không thấy gia đình bên nội hỏi thăm lần nào. Bố có đến thăm một lần, hỏi mấy câu rồi xây gạch bít đường vào nhà, bọn con phải qua phần hiên nhà ngồi học bài cho đỡ nắng. Ở đó chỉ có mấy bộ đồ, sách vở, mùng mền… Ngày nào mẹ cũng cho tụi con ăn cơm hộp”.
Trao đổi với chúng tôi, bà Trần Thị Bích Ngọc, Chủ tịch Hội LHPN P.Trần Quang Diệu cho biết: “Trường hợp của gia đình chị Đ. có nhiều vấn đề riêng giữa chị và gia đình chồng nên chúng tôi khó can thiệp. Trong khi chờ phân xử của pháp luật, mới đây chính quyền địa phương đã đến yêu cầu dỡ tường rào, cắt cửa để mẹ con chị Đ. vào nhà sinh sống”. “Nguyện vọng của tôi là mấy mẹ con ổn định chỗ ở để các con học hành. Từ ngày ly hôn đến nay chồng cũ không quay về căn nhà này nữa, chỉ có người anh chồng hay ghé lại và đe dọa mẹ con tôi. Tôi rất mong tòa án sớm có quyết định cuối cùng về phân chia tài sản”, chị Đ. nói.
Ly hôn kiệt nghĩa cạn tình
Đã từng tham dự nhiều phiên toà ly hôn, ông Nguyễn Văn Lý, Hội thẩm nhân dân - TAND Hà Nội nhận thấy, hầu như đa số những người vợ phải nhận về mình nhiều thiệt thòi do nhận thức kém, “ú ớ” về mặt pháp luật. Tư tưởng “của chồng công vợ” đã khiến nhiều phụ nữ cả đời làm lụng vất vả, tằn tiện gom góp mua tài sản rồi lại để người chồng đứng tên. Cho đến khi ra toà, nhiều người khóc lóc, kêu oan là tài sản này do mình gây dựng nhưng rồi phải ngã ngửa ra vì không thể chứng minh đó là tài sản của mình.
Trường hợp của chị L.T.O. ở Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc là một hoàn cảnh đau thương điển hình mà ông Lý còn nhớ mãi. Lấy nhau từ những năm 1980, vợ chồng chị O. có hai mặt con. Sinh ra và lớn lên ở vùng đất có truyền thống làm giàu, vợ chồng chị O. cũng gia nhập vào đội quân buôn bán phụ tùng xe máy với những chuyến hàng đánh từ Lạng Sơn về Hà Nội rồi toả đi khắp các tỉnh phía bắc. Ăn nên làm ra, hai vợ chồng dành dụm được một số tiền lớn để mua căn nhà tại phố M.K., Hà Nội và mở một cửa hàng bán buôn phụ tùng xe máy ngay giữa trung tâm thành phố.
Vào đầu những năm 2000, chị O. bán căn nhà ở M.K. và mua một biệt thự rộng 200m2 tại khu đô thị mới Linh Đàm trị giá 3 tỷ. Nhà cao cửa rộng, cửa hàng tấp nập xe ra, xe vào, vợ chồng con cái đi đâu cũng có cái ô tô che mưa, che nắng... những tưởng phúc lộc đã đến trọn vẹn với chị O. Nào ngờ, vào một đêm đột xuất từ Lạng Sơn về Hà Nội, chị bắt gặp cô kế toán của cửa hàng đang “mây mưa” với ông chồng trên chiếc giường ngủ của hai vợ chồng.
Như một kẻ điên, chị lao vào cấu xé, chửi rủa tình địch cho hả cơn tức giận. Sau một thời gian tĩnh tâm, khi định tha thứ cho người chồng thì chị nhận được tin sét đánh là cô kế toán kia đã có con với chồng chị được 4 tháng và chồng chị quyết định giữ lại đứa con đó của hai người. Anh chồng trong cơn “say tình” còn bỏ nhà ra ở riêng với nhân tình mặc kệ sự lên án, chửi rủa của anh em, họ hàng.
Bị đẩy vào đường cùng, chị O đã quyết định ly dị và xây dựng lại cuộc đời với hai con. Khi bị toà gọi đến về việc phân chia tài sản, chị mới ngã ngửa ra vì tất cả mọi tài sản từ nhà xưởng, đất đai, cửa hàng đều đứng tên chồng chị, ngoại trừ chiếc xe máy mới mua còn đứng tên chị. Khóc ngằn ngặt với thư ký tòa, chị kể về những năm tháng khó khăn dù bụng mang dạ chửa, một mình trên chiếc xe Minsk chạy đi giao hàng từ Vĩnh Phúc cho đến Phú Thọ, Tuyên Quang, Yên Bái.
Rồi những ngày thức khuya đi đánh hàng, trắng đêm chờ hàng, rồi lao vào tranh cướp sứt đầu mẻ trán với những nhà buôn khác để mua được hàng tốt, hàng rẻ... bao nhiêu năm chắt chiu, kham khổ là thế, nhưng ở giữa cửa công lý, nếu không có chứng cớ nào chứng minh đó là tài sản của chung thì chị sẽ mất trắng. Những ai dự phiên toà hôm đó không khỏi cầm nước mắt khi thấy người phụ nữ đã gầy rạc này vừa kể về những ngày lập nghiệp vừa run bần bật lôi từ trong túi ra bao nhiêu phụ tùng, ốc vít đã han rỉ vẫn được chị giữ làm kỉ niệm để chứng minh cho những chuỗi ngày gian khó của mình.
Rồi cả những tấm ảnh chụp cảnh vợ chồng con cái quây quần hạnh phúc bên ngôi nhà hay cửa hàng mới khánh thành cũng được chị lôi ra để làm “chứng cớ” về khối tài sản chung của hai vợ chồng. Trong lúc người vợ, người mẹ của hai đứa con mình đang đau đớn khóc ngằn ngặt trước toà, thì người chồng, ở hàng ghế bên cạnh giữ gương mặt lạnh tanh. Đến phiên mình trình bày, anh ta vẫn một mực khăng khăng nhận ngôi nhà và cửa hàng là tài sản riêng và anh ta có giấy tờ chứng minh quyền sở hữu những tài sản đó.
Chỉ khi bên nguyên đơn là bên người vợ, đưa ra chứng cứ về giấy nộp tiền cho công ty nhà đất là do người vợ đi nộp, thì khuôn mặt người chồng biến sắc, không còn giữ thái độ khăng khăng, ngang ngược như trước nữa. Và chứng cứ cuối cùng này, toà đã công nhận căn biệt thự đó là tài sản chung và chia cho mỗi vợ chồng một nửa giá trị. Còn cửa hàng buôn bán phụ tùng xe máy thì thuộc về người chồng do không có chứng cứ chứng minh đó là tài sản chung.
Mỗi tháng, người chồng còn chu cấp cho vợ một số tiền để nuôi dưỡng hai con cho đến khi chúng 18 tuổi. Phiên toà kết thúc, người vợ ra về với nỗi đau vì sự thiếu hiểu biết và quá cả tin của mình. Nhưng như lời chị nói với Ban hội thẩm, chị vẫn còn tài sản quý nhất là hai đứa con và nhất định chị sẽ xây dựng lại cuộc sống mới của ba mẹ con trên đống đổ nát này. Người chồng trở về với một khối tài sản khổng lồ. Nhưng anh ta sẽ đối mặt bằng lương tâm với hai đứa con ruột của mình như thế nào đây?
Đừng biến ly hôn thành chuyện… cơm bữa
Bất cứ ai khi bước chân vào ngưỡng cửa hôn nhân đều mong muốn có cuộc sống viên mãn, hạnh phúc. Nhưng khi cả hai không còn nhìn chung về một hướng, những rạn nứt bắt đầu xuất hiện, ly hôn là giải pháp cuối cùng được đặt ra để kết thúc sự đổ vỡ của tình yêu hoặc chấm dứt quan hệ gia đình khi không còn hạnh phúc.
Theo chuyên gia tâm lý Trịnh Trung Hòa, gánh nặng, sự tổn thương do ly hôn mang lại cho phụ nữ lớn hơn rất nhiều so với nam giới. Có người ám ảnh, cay đắng cả đời, không thể tìm lại hạnh phúc lần nữa. Ngoài những tổn thương, mất niềm tin, bị xúc phạm, khó khăn khi phải bươn chải nuôi con, phụ nữ còn phải vượt qua rất nhiều định kiến của xã hội đối với một người đàn bà ly hôn. Không ít người cho rằng, phụ nữ “không ra gì” thì chồng mới ruồng rẫy.
Những người không có điều kiện nuôi con, phải nuốt nước mắt để con ở lại cho chồng nuôi còn bị mang tiếng bỏ con, bị lên án, đánh giá về nhân cách. Đây cũng là rào cản khiến phụ nữ thiếu tự tin, sống lệ thuộc, không biết yêu thương bản thân.
HÂN NGUYÊN
Xem thêm video:
[mecloud]sPr9Qfical[/mecloud]