Giải thích hợp lý nhất về sự biến mất của thủy thủ đoàn là việc liên quan đến các thùng cồn mà tàu Mary Celeste chở. Thuyền trưởng Briggs chưa bao giờ nhận chở một loại hàng hóa nguy hiểm như vậy và không tin tưởng vào sự an toàn của chúng. Tuy nhiên, 1.701 thùng cồn vẫn được chất lên tàu theo mệnh lệnh của James Winchester, ông chủ nắm giữ nhiều cổ phần nhất của tàu.
|
Lộ trình của tàu Mary Celeste. |
Sau khi phát hiện ra Mary Celeste lênh đênh không người giữa đại dương, khi kiểm tra số hàng hóa, người ta thấy 9 thùng cồn rỗng không. Chín thùng cồn này được làm bằng gỗ sồi đỏ chứ không phải gỗ sồi trắng như các thùng còn lại. Gỗ sồi đỏ thường xốp hơn gỗ sồi trắng và do đó cồn đựng bên trong có nhiều khả năng thoát hơi ra ngoài. Lượng hơi cồn này đã tích tụ nhiều trong khoang. Các thùng cồn được sắp xếp không chặt có thể cọ xát vào nhau trong quá trình di chuyển. Khi đó, đai bằng thép của thùng này va đập vào thùng kia có thể tạo ra tia lửa gây nổ. Vụ nổ dù chỉ xảy ra trong khoang chứa hàng nhưng có thể đã khiến thủy thủ đoàn hoảng loạn mà bỏ tàu.
Nhà sử học Conrad Byers cho rằng, thuyền trưởng Briggs đã ra lệnh mở khoang tàu chứa hàng, khiến khói và hơi nước ồ ạt tràn ra. Ông tin rằng con tàu sắp nổ tung nên đã yêu cầu mọi người xuống xuồng cứu sinh nhưng lại không buộc chặt được xuồng vào tàu. Khi gió thổi mạnh, con tàu đã bị trôi ra xa tầm với của họ. Những người trên xuồng cứu sinh hoặc là chết đuối, chết vì không thức ăn thức uống hoặc vì dãi dầm mưa nắng.
Giả thuyết này được củng cố thêm bởi nhà báo người Đức Eigel Wiese vào năm 2005. Theo đề xuất của nhà báo này, tiến sĩ Andrea Sella thuộc trường Đại học College London đã dựng lại khoang tàu năm 2006 để kiểm tra giả thuyết hơi cồn thoát ra phát nổ do gặp tia lửa. Lực của vụ nổ trong thí nghiệm đã làm bật tung các cửa khoang tàu và khiến mô hình tàu rung chuyển. Ethanol bốc cháy ở nhiệt độ tương đối thấp. Điểm bốc cháy của ethanol là 13oC. Muốn bốc cháy phải có tối thiểu một tia lửa, ví dụ như lửa phát ra từ hai vật bằng kim loại cọ xát. Thế nhưng các thùng giấy lại không bị thiêu rụi, thậm chí không có một vết cháy sém. Điều này cho thấy vụ nổ trong khoang chứa hàng chỉ đủ để khiến thủy thủ đoàn sợ mà hạ xuồng cứu sinh, chứ chưa đủ để phá hủy số hàng còn lại và làm hư hỏng tàu.
|
Tranh vẽ minh họa cảnh gia đình thuyền trưởng và thuyền viên xuống xuồng. |
Theo tiến sĩ Sella, họ đã tạo ra một vụ nổ theo kiểu gia tăng áp suất. Có ngọn lửa nhưng phía sau đó không khí vẫn tương đối mát. Vụ nổ nhỏ nên không để lại bồ hóng hay vết cháy. Ethanol bốc hơi trong khoang tàu Mary Celeste sẽ đốt cháy nhanh hơn với ngọn lửa màu xanh hoặc gần như không nhìn thấy ngọn lửa. Và nó cũng không gây nóng như ngọn lửa vàng khi đốt cháy butane.
Một đầu sợi dây thừng trôi tự do đằng sau đuôi tàu cho thấy thủy thủ đoàn vẫn buộc xuồng vào tàu để chờ tình huống khẩn cấp trôi qua. Thủy thủ đoàn rời tàu trong khi tàu vẫn căng tất cả các buồm. Ngay sau đó không lâu lại xảy ra một cơn bão. Gió mạnh, buồm căng nên sợi dây thừng buộc xuồng vào tàu đã bị tuột ra. Một con xuồng nhỏ như vậy sẽ không thể chống đỡ nổi trong cơn bão. Giả thuyết này đã được trình bày chi tiết trong một chương trình phim tài liệu và điều tra trên truyền hình năm 2008 và đã thuyết phục được nhiều người.
Tuy nhiên, giả thuyết có một điều vô lý là đoàn thủy thủ của tàu Dei Gratia khi lên tàu Mary Celeste để kiểm tra thì phát hiện thấy cửa hầm chứa hàng vẫn đóng. Khi vào trong khoang, họ không ngửi thấy bất kỳ mùi hay hơi cồn nào mà nếu giả thuyết này đúng thì mùi cồn phải nồng nặc vào thời điểm đó. Bất kỳ ai lên tàu tại Gibraltar và Genoa cũng khai rằng không ngửi thấy mùi cồn. Không có bằng chứng cho thấy tàu chứa cồn ở chỗ nào khác ngoài khu vực khoang chở hàng. Sự biến mất khó hiểu của lượng cồn trong 9 thùng rỗng không cũng khó hiểu như bí ẩn về số phận thủy thủ đoàn.
Ngoài giả thuyết trên, người ta còn đặt ra vô số tình huống khác. Một phóng viên tờ New York Times cho rằng Mary Celeste có thể đã là nạn nhân của cướp biển, thủy thủ đoàn bị giết hại và ném xuống biển. Khu vực tàu Mary Celeste đi qua thường có cướp biển Ottoman hoạt động. Tuy nhiên, điểm yếu của suy luận này là không có dấu hiệu bạo lực trên tàu. Chỉ có những thiết bị định vị thông thường biến mất, các tài sản khác vẫn còn nguyên. Chẳng lẽ bọn cướp không thể lấy số hàng hóa hay tài sản của thủy thủ đoàn sau khi đã giết họ?
Cũng có khả năng trong số thủy thủ đoàn xảy ra một cuộc nổi loạn khiến họ giết chết thuyền trưởng Briggs và gia đình ông rồi trốn thoát bằng xuồng cứu sinh. Khả năng này không đáng tin do Briggs không phải là người bạo ngược để đến nỗi gây bất mãn trong thủy thủ đoàn khiến họ nổi dậy. Xét mọi phương diện, ông là một người đáng kính, công bằng và có năng lực. Cấp phó và các thành viên còn lại đều có danh tiếng tốt, kinh nghiệm và trung thành.
Một tình huống nữa được đặt ra là thủy thủ đoàn sau khi uống hết rượu trong thùng đã giết hại gia đình thuyền trưởng Briggs trong cơn túy lúy. Rồi họ đã cố ý phá hỏng tàu để tạo cảm giác thủy thủ đoàn buộc phải bỏ tàu, sau đó họ bỏ đi bằng xuồng cứu sinh. Tuy nhiên, Briggs là người không bao giờ động vào một giọt rượu và không thể có khả năng ông để mặc cho thủy thủ đoàn uống rượu. Thêm nữa, không có dấu hiệu vật lộn hay bạo lực trên tàu để chứng minh cho tình huống này.
Giả thiết cuối cùng là thủy thủ đoàn bỏ tàu quá sớm. Một bộ phim tài liệu mang tên “Câu chuyện thật về tàu Mary Celeste” năm 2007 đặt ra giả thuyết là thuyền trưởng Brigss cho rằng con tàu có thể không đến được Italy một cách an toàn khi phát hiện ra rằng đồng hồ bấm giờ chạy chậm. Điều này có thể khiến ông nghĩ rằng ông đang đi quá xa về phía đông. Một trong hai chiếc bơm ở đáy tàu bị tắc do hút phải nhiều vật như bụi than, mảnh gỗ… nên không hoạt động. Do đó, khi thấy lượng nước ở đáy tàu nhiều bất thường, thuyền trưởng có thể cho rằng tàu sắp chìm nên vội vã rời tàu và hướng tới đảo Santa Maria ở phía đông nam Azores. Trên đường tới đảo này, xuồng cứu sinh bị chìm và không bao giờ cập bến.