Tại buổi gặp gỡ nhà đầu tư ngày 16/2, Công ty CP Đầu tư Thế Giới Di Động (Mã cổ phiếu: MWG) cho biết sẽ MWG đóng cửa toàn bộ chuỗi Bluetronics tại Campuchia trong quý 1/2023 này.
Trong khi trước đó, MWG cho biết đã và đang chuyển đổi chuỗi điện máy này tại Campuchia, dự định mở thêm 10 cửa hàng trong năm 2022 và kỳ vọng đạt được điểm hoà vốn vào tháng 6. Bluetronics là bước đi đầu tiên của MWG trong cuộc khai thác thị trường quốc tế từ 5 năm về trước, tên gọi ban đầu là chuỗi BigPhone.
Sau 3 năm hoạt động tại đây, đến cuối năm 2020 MWG đã chuyển đổi hoàn toàn từ chuỗi điện thoại sang chuỗi điện máy và đổi tên thành Bluetronics. Tính đến cuối năm 2021, dù Campuchia cũng bị tác động nặng nề bởi dịch bệnh COVID-19, Bluetronics theo MWG vẫn vượt qua và đạt được kế hoạch doanh thu.
CEO Đoàn Văn Hiểu Em chia sẻ: “Hiện, mô hình Bluetronics tại Campuchia thì khá giống mô hình Điện Máy Xanh ở Việt Nam, tức bán cả điện thoại, điện máy và sản phẩm vệ tinh khác. Mô hình tại Campuchia không phải mô hình khá tệ, thậm chí chúng tôi cũng đã 'customize' (điều chỉnh) lại cho phù hợp với thị trường này hơn”.
Cửa hàng Bluetronics tại Campuchia. Ảnh: MWG.
Tri Thức Trực Tuyến dẫn thông tin từ báo cáo tài chính của Bluetronics cho thấy, chuỗi bán lẻ của Thế Giới Di Động tại Campuchia đã lỗ liên tục từ năm 2017 đến nay, với lũy kế 605 tỷ đồng.
Ông Đoàn Văn Hiểu Em cho biết, doanh thu của chuỗi Bluetronics ước đạt 500 tỷ đồng trong năm 2021. Nếu không bị ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, Bluetronics đã có thể đạt tới điểm hòa vốn ngay trong năm 2021. Khi đó, lãnh đạo công ty vẫn đặt mục tiêu hồi vốn và có lời ở chuỗi này vào năm 2022.
Lãnh đạo Thế Giới Di Động cũng nhìn nhận đây không phải mô hình quá tệ. Tuy nhiên, thị trường Campuchia quá nhỏ, chính sách thuế khóa phức tạp. Vì vậy, sau gần 6 năm hoạt động tại đây, tập đoàn đã quyết định đóng toàn bộ cửa hàng Bluetronics trong quý I năm nay để tập trung cho các thị trường khác như Indonesia và dồn lực cho các mô hình kinh doanh khác.
Trái ngược với thị trường Campuchia, thị trường Indonesia rất lớn với nhiều cơ hội cho mô hình Era Blue. Thế Giới Di Động cho biết sẽ tiếp tục thử nghiệm, nhân rộng các cửa hàng Era Blue ở Indonesia để có sự đánh giá toàn diện hơn sau đó bước vào giai đoạn tăng tốc và mở rộng.
Được biết, cuối tháng 11/2022, MWG đã khai trương cửa hàng Era Bule đầu tiên tại Indonesia. Trong đó, Era Blue là thương hiệu thuộc liên doanh PT Era Blue Elektronic (thương hiệu Era Blue) - MWG hợp tác với đơn vị địa phương PT Erafone Artha Retailindo (Erafone), một công ty con của Tập đoàn Erajaya.
Thực tế, đây không phải lần đầu tiên Thế Giới Di Động ra quyết định cắt bỏ một chuỗi kinh doanh không hiệu quả. Tháng 6/2022, tập đoàn bán lẻ này đã đóng cửa hai chuỗi bán lẻ AVAFashion và AVAJi cũng vì kinh doanh không hiệu quả và cần sắp xếp lại.
Tương tự, tháng 7/2020, chuỗi Điện Thoại Siêu Rẻ, chuyên kinh doanh smartphone giá dưới 8 triệu của Thế Giới Di Động, cũng đã phải đóng cửa sau chưa đầy một năm ra mắt.
Bích Thảo (T/h)