Ông Võ Hoàng Yên được nhiều người trong và ngoài nước biết đến với việc điều trị các chứng bệnh câm điếc, bại liệt... Tuy nhiên, thời gian đầu hành nghề chữa bệnh vì không có giấy phép hoạt động, nên ông Yên bị phạt nhiều lần.
Ông Võ Hoàng Yên. |
Chữa bệnh trong vài phút bấm huyệt?
Ông Võ Hoàng Yên sinh năm 1975, quê ở ấp Cái Nước, thị trấn Cái Nước (huyện Cái Nước, Cà Mau). Khi còn nhỏ, nhà ông rất nghèo nên đã gửi ông vào chùa Hưng Nghĩa Tự (thị trấn Cái Nước). Ở đó, ông được các thượng tọa chỉ dạy chữa trị bệnh bằng phương pháp y học cổ truyền.
Sau đó, ông Yên được đến các chùa khác để ăn học. Trong quá trình này, ông được học và thực hành nhiều cách chữa bệnh bằng phương pháp y học cổ truyền. Sau nhiều năm bôn ba với nghề y khám bệnh, bốc thuốc, ông tích lũy kinh nghiệm từ các phương pháp chữa trị theo y học cổ truyền và nghiên cứu thành đề tài riêng cho mình trên nền tảng cũ.
Những bệnh câm điếc, bại liệt do tai biến, ông Võ Hoàng Yên trị rất hiệu quả chỉ trong vài phút bấm huyệt. Đánh giá về phương pháp và hiệu quả chữa trị của ông có nhiều ý kiến trái chiều, nhất là khi nhiều người nghĩ rằng, ông chữa theo cách thần thánh, siêu nhiên.
Tuy nhiên, thời gian đầu hành nghề chữa bệnh vì không có giấy phép hoạt động, nên ông nhiều lần bị phạt. Mãi đến những năm 2011- 2012 khi nhiều báo đưa tin việc Võ Hoàng Yên điều trị thành công các bệnh lý câm điếc, bại liệt cho người dân tại Bình Phước, Bình Dương khiến hàng trăm người tìm tới. Nhờ các chuyên gia về y học cổ truyền kiểm chứng, cơ quan chức năng mới cấp giấy phép hành nghề cho ông.
Nhờ thông tin báo chí đăng tải, ông Võ Hoàng Yên cũng được kiều bào biết đến. Những năm gần đây, ông Yên thường xuyên ra nước ngoài hành nghề với rất nhiều clip đăng tải trên mạng xã hội và YouTube.
Hiện tại, ông Võ Hoàng Yên sống tại xã Gia An, huyện Tánh Linh, tỉnh Bình Thuận. Tuy nhiên, ông thường đi chữa ở các tỉnh thành như Bình Dương, Bình Phước, Hà Tĩnh...
Buổi "đối chất" giữa vợ chồng ông Dũng "lò vôi" với ông Võ Hoàng Yên. |
Cuộc “đối chất” với ông Dũng “lò vôi”
Vào ngày 1/3, vợ chồng ông Huỳnh Uy Dũng (tức Dũng "lò vôi") tố cáo ông Võ Hoàng Yên có "hành vi ăn chặn tiền cứu trợ và xây chùa" của vợ chồng mình. Trong khi đó, ông Yên phủ nhận những lời tố cáo đó...
Thông tin trên báo chí, sáng qua 2/3, vợ chồng ông Dũng "lò vôi" và ông Võ Hoàng Yên đã có buổi “đối chất” xung quanh việc vợ chồng ông Dũng tố cáo ông Yên lợi dụng việc chữa bệnh, làm từ thiện để chiếm đoạt tiền.
Buổi “đối chất” tổ chức tại Tổ đình Hưng Minh tự (Q.6, TP.HCM), có đại diện Tịnh độ cư sĩ Phật hội Việt Nam, luật sư của hai bên và một số phóng viên báo chí...
Trước những lời tố cáo của vợ chồng ông Dũng, ông Võ Hoàng Yên cho hay: “Tôi chưa bao giờ đặt vấn đề xin tiền, vay tiền, hay mượn tiền. Tôi thấy tất cả những gì anh chị chuyển cho tôi đó là tình thương, Bồ Tát đưa anh chị tới với tấm lòng Bồ Tát, thực hiện công tác từ thiện với bá tánh. Tôi hạnh phúc vô cùng”.
Cũng theo ông Yên: “Anh chị (tức vợ chồng ông Dũng “lò vôi” - PV) cho tôi tình thương, tôi đã chia sẻ hết cho mọi người, lũ lụt, cầu đường. Nói tôi ăn chặn lũ lụt (tức tiền cứu trợ - PV), tôi có điểm sai sót là không kiểm lại, đối chiếu các con số với các cháu, dẫn đến số liệu lập cập trong ngày khánh thành. Ở đây có chứng từ rất rõ, tôi đã chi 3 lần hơn 7 tỷ đồng, chứ không phải 3,8 tỷ đồng”.
Ngoài ra, ông Yên trình bày sẽ cung cấp toàn bộ chứng từ, hóa đơn, sao kê ngân hàng về việc thu chi khoản tiền do vợ chồng ông Dũng “lò vôi” chuyển khoản. Đồng thời cho rằng, việc vợ chồng ông Dũng “lò vôi” tố cáo ông là vội vàng, ảnh hưởng đến uy tín của ông và gia đình...
Liên quan đến ngôi chùa (Hưng An Tự) mà ông Dũng “lò vôi” được cho là đã bỏ tiền ra xây cho lương y Võ Hoàng Yên làm điểm khám chữa bệnh tại xã Gia An, huyện Tánh Linh, tỉnh Bình Thuận, ngày 2/3, ông Mai Trí Mân - Chủ tịch UBND xã Gia An - cho biết, hiện nơi đây vẫn tổ chức bốc thuốc, khám bệnh cho người dân.
Theo ông Mân, ông Yên là thành viên của hội Đông y huyện Tánh Linh và là Trưởng ban quản lý Hội quán Hưng An Tự. Sau khi có thông tin vợ chồng ông Dũng "lò vôi" tố cáo ông Yên cắt xén tiền xây dựng Hưng An Tự, ông Mân cho biết, phòng thuốc vẫn đang hoạt động bình thường.
Theo ông Mân, dù có đăng ký hộ khẩu thường trú ở địa phương, nhưng ông Yên ít khi có mặt tại đây. Việc điều hành phòng thuốc do các thành viên của ban quản lý Hội quán Hưng An Tự thực hiện.
"Sau Tết, ông Yên có về khám bệnh tại phòng thuốc rồi lại đi. Phòng thuốc chủ yếu bốc thuốc, còn khám chữa bệnh thì ít thấy. Tại buổi khánh thành Hưng An Tự, ông Yên có nhắc đến ông Dũng và cảm ơn ông này...", ông Mân nói.
Quốc Tiệp (T/h)
Bài đăng trên ấn phẩm Đời sống & Pháp luật số Chủ Nhật (10)