Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Luật sư phân tích vụ phòng vệ quá giới hạn bị truy tố ở Thọ Xuân (Thanh Hóa)

(DS&PL) -

Luật sư Lê Minh Công - Đoàn Luật sư TP. Hà Nội vừa có văn bản phân tích một số dấu hiệu bất thường trong vụ phòng vệ quá giới hạn bị truy tố ở Thọ Xuân (Thanh Hóa).

Văn bản của Luật sư Lê Minh Công gửi đến một số cơ quan chức năng đề nghị các cơ quan tiến hành tố tụng huyện Thọ Xuân căn cứ vào điều số 42, 43, 85, 88, 89, 100, 201, 204, 205,207, 211, khoản 3 Điều 214 của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 để làm rõ, khởi tố và không bỏ lọt tội phạm, giám định lại thương tật để đưa ra những những kết luận khách quan hơn.

Trang 2 văn bản phân tích của Luật sư Lê Minh Công

Liệu CQĐT có bỏ lọt tội phạm?

Vừa qua báo Đời sống & Pháp luật nhận được đơn kêu cứu của ông Đỗ Văn Thuận trú tại xã Xuân Lập, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa gửi tới các cơ quan chức năng và cơ quan thông tấn báo chí về việc con trai của mình chỉ vì chống trả kẻ côn đồ lao vào nhà đánh người mà bị truy tố về tội cố ý gây thương tích.

Theo đơn trình bày của Đỗ Văn Thuận và ghi nhận ý kiến của một số nhân chứng, vào khoảng 10h sáng ngày 26/11/2017, khi con trai ông là Đỗ Văn Thắng đang bế con trong nhà thì bất ngờ bị Đặng Quang Hiếu (trú tại thôn 3, xã Xuân Bái) một tay cầm kiếm, một tay cầm tuýp sắt xông từ ngoài đường vào đánh đập dã man, Thắng buộc phải lấy thân mình che chở cho con, cố đẩy được cháu bé vào khe tủ để tránh bị thương rồi bỏ chạy ra ngoài sân. Lúc này trên người Thắng chảy máu rất nhiều bởi có một vết thương bị rách gần mắt bên phải do bị tuýp sắt đập trúng.

Khi Thắng chạy đến gần khu vực nhà ông Vinh (hàng xóm) thì nhặt đươc một khúc củi lên để chống trả lại. Thắng vụt làm cho gậy sắt trong tay của Hiếu bị văng ra ngoài rồi cả hai tiếp tục xô xát, Thắng túm được tay rồi giật được thanh kiếm mà Hiếu đang cầm sau đó khua khoắng để tự vệ, vô tình gây cho Hiếu một vết thương ở tay, lúc này Hiếu quay đầu bỏ chạy cho nên Thắng cũng vứt bỏ thanh kiếm rồi về nhà bế con nhỏ.

Nghe tin con trai bị người vào tận nhà đánh đập, ông Thuận vội vàng bỏ lại công việc chạy về nhà. Ông được hàng xóm cho biết trước đó khoảng 30 phút trên đường đi ăn sáng về thì Thắng thấy 03 người gồm bà Nguyễn Thị Thu Liên (là Chủ đầu tư chợ Bái Thượng), Nguyễn Thị Hiền (em gái Liên), Đặng Quang Hiếu (con trai bà Liên) đang đập phá hàng hóa, chửi bới và đánh một người phụ nữ mang thai bán hàng tại đó. Vì bất bình, Thắng lên tiếng can ngăn thì liền bị đám người lao vào đánh. Lúc đó chị Trần Thị Hương người bán hàng cạnh đó chạy tới can ngăn cũng bị đánh tới gục ngã tại chỗ. Sự việc chỉ dừng lại khi có nhiều người dân ở đó chạy tới hô hoán can ngăn. Thắng đưa con về nhà thì khoảng 30 phút sau Hiếu đi xe máy cùng một đối tượng tên Khoa (người này theo phản ánh là đang có tiền án, tiền sự) xông đến nhà tiếp tục hành hung như trên.

Ông Thuận cho rằng hành vi của Hiếu rõ ràng vi phạm nghiêm trọng đến pháp luật vậy mà không hiểu cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Thọ Xuân xử lý thế nào mà không khởi tố vụ án, khởi tố bị can để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với Hiếu mà lại quyết định khởi tố vụ án hình sự và bắt tạm giam đối với Đỗ Văn Thắng về tội cố ý gây thương tích cho Hiếu.

KL của cơ quan điều tra.

Để rộng đường dư luận, PV Báo Đời sống và Pháp luật đã về tận nơi xảy ra vụ việc để tìm hiểu thực hư sự việc. Qua lời của những người hàng xóm nhà Thắng đồng thời cũng là nhân chứng của sự việc thì vào khoảng 10h sáng ngày 26/11/2017 có 02 người đi xe máy mang kiếm và gậy sắt đến xông vào nhà hành hung anh Thắng.

Ông Đỗ Quang Trung là hàng xóm cũng là nhân chứng của vụ việc cho hay: “Khi tôi đang ngồi uống nước cùng với Lê Văn Thắng và Nguyễn Văn Tú ở trước cửa nhà thì trông thấy 02 người đi xe máy hiệu SH xông đến trước cửa thì dừng lại, người cầm lái tên là Khoa, ngồi sau tên Hiếu. Vừa đến nơi người tên Hiếu lập tức cầm tuýp sắt xông vào nhà vụt tới tấp vào người Thắng (đang bế con nhỏ) nên chúng tôi bỏ chạy toán loạn. Sau đó tôi thấy Thắng bỏ chạy được ra ngoài còn Hiếu theo sau đuổi đánh”.

Đơn của những người chứng kiến sự việc minh oan cho Thắng

Liên quan đến quá trình tố tụng của vụ việc, Luật sư Lê Minh Công – Đoàn Luật sư TP Hà Nội –là người bào chữa cho bị can Đỗ Văn Thắng cho biết:

“Trong hồ sơ vụ án còn nhiều vấn đề chưa làm rõ, chưa chứng minh được tội phạm, chưa thể hiện hết các quy định của pháp luật về các nội dung điều tra, cụ thể: Trong hồ sơ vụ án không có Biên bản thực nghiệm điều tra, không có sơ đồ hiện trường điều tra thể hiện rõ địa điểm xảy ra sự việc, nơi các đối tượng nhặt hung khí là khúc gỗ, vứt ống tuýp sắt và thanh kiếm, nơi xảy ra va chạm ban đầu lúc Hiếu đến nơi này, vị trí khi cả hai bên ngã, gây thương tích rồi bỏ chạy, không thu giữ được hung khí là kiếm nên không chứng minh được các lời khai của từng bên một Hiếu và Thắng mà chỉ tin vào một lời khai của Hiếu là nhận định phiến diện và không chứng minh được sự liên quan của các nhân chứng đối với diễn biến của vụ án.

Trong bản cáo trạng của CQĐT phần kết luận nêu rằng: Do mâu thuẫn trong cuộc sống, Đỗ Văn Thắng đã dùng một thanh kiếm dài khoảng 80cm chém Đặng Quang Hiếu. Hậu quả làm Hiếu bị tổn thương 32% sức khỏe là hành vi nguy hiểm cho xã hội, do đó Đỗ Văn Thắng phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi mình đã gây ra. Kết luận này chưa khách quan bởi trong suốt quá trình xảy ra xô xát, vết thương của Hiếu là do Thắng gây nên bằng hung khí nguy hiểm và ngược lại, của Thắng là do Hiếu gây nên cũng bằng hung khí nguy hiểm.

Việc CQĐT chỉ khởi tố Đỗ Văn Thắng về tội cố ý gây thương cho Đặng Quang Hiếu mà không khởi tố Đặng Quang Hiếu về tội cố ý gây thương tích cho Đỗ Văn Thắng khi Thắng và gia đình đã có đơn yêu cầu khởi tố vụ án và khởi tố bị can là chưa giải quyết triệt để vụ án và bỏ lọt người, lọt tội. Vì: trong vụ án này Hiếu là bị hại đối với Thắng nhưng cũng là đối tượng gây thương tích cho Thắng nên cần phải giải quyết trong cùng một vụ án mới đúng quy định của pháp luật và đúng người đúng tội.

Việc CQĐT trả lời cho gia đình Thắng và nhân dân địa phương biết là khởi tố việc gây thương tích cho Thắng trong một vụ án khác là không phù hợp với các quy định của pháp luật, không giải quyết triệt để vụ án và xử lý không đúng người đúng tội, để lọt tội phạm. Vụ án này xảy ra, Đỗ Văn Thắng là người bị động, bị gây thương tích khi bị đối tượng mang hung khí đến tận nhà áp đảo nên các hành động của Thắng là hành vi tự vệ nhưng vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng, cần phải xem xét kỹ về nguyên nhân, diễn biến sự việc xảy ra.

Văn bản trả lời của Cơ quan điều tra về việc không khởi tố Hiếu

Giám định có nhiều điểm bất thường?

Đối với kết quả giám định Hiếu bị tổn hại sức khỏe 32%, Luật sư Lê Minh Công cũng nêu ra một số điểm bất thường, chưa thật sự đúng theo quy định, ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc xem xét truy tố và xét xử, không công bằng và không đảm bảo đến quyền lợi chính đáng của bị cáo, cụ thể:

Khi xem xét vết thương của Hiếu tại cơ sở y tế tỉnh Thanh Hóa chỉ xác định một vết thương ở tay vào phần mềm và gân, một vết thương ở lưng vào phần mềm, và một số chỗ xây xước da. Khi chuyển viện ra Bệnh viện 108 tiến hành phẫu thuật cho Hiếu khâu nối gân và da, các bác sĩ trực tiếp khâu nối vết thương khi còn đang hở (chưa khâu) đã khẳng định trong bệnh án và phim XQ là không có tổn thương về xương (BL 90 ngày 04/01/2018) và Biên bản xem xét dấu vết ngày 28/11/2017 và giấy ra viên ngày 01/12/2017Nhưng Kết luận giám định pháp y của cơ quan giám định pháp y tỉnh Thanh Hóa được ban hành là khi xem xét trên hồ sơ. Lúc này vết thương của Hiếu đã khâu kín và liền sẹo thì có điều bất thường xảy ra là: nhìn bên ngoài và nhìn bằng mắt thường lại thấy mẻ 1/3 xương(?)

Trang 3 văn bản phân tích của Luật sư Lê Minh Công

Cùng trong một ngày 01/02/2018, cơ quan giám định pháp y tỉnh Thanh Hóa ra hai bản kết luận giám định số 44 và số 45, sau đó cơ quan công an huyện Thọ Xuân ra thông báo Kết luận giám định số 05 mà không có đóng dấu là việc không bình thường, gây nghi ngờ trong các gia đình và nhân dân. Tại Văn bản giám định của cơ quan Giám định tỉnh Thanh Hóa cũng có những điểm chưa thực hiện đúng nguyên tắc giám định quy định tại thông tư 20/2014-BYT là: “chỉ giám định trên hồ sơ khi người cần được giám định đã chết hoặc mất tích”, ở đây cơ quan giám định đã “giám định qua hồ sơ” khi đối tượng Hiếu vẫn đang sinh sống. (mục 2 điều 2 thông tư 20).

Mỗi tổn thương cơ quan của cơ thể và mỗi di chứng do tổn thương này gây ra chỉ được tính tỷ lệ % TTCT một lần nhưng cơ quan giám định tỉnh Thanh Hóa tính 2 lần. Vết mổ nối gân đã tính trong % tổn thương gân, thần kinh lại tính sẹo tay là không hợp lý.

Cả 3 mục đều lấy tỷ lệ ở khung cao nhất trong khi thông tư 20 quy định khi giám định qua hồ sơ, tỷ lệ TTCT được xác định ở giới hạn thấp nhất của khung tỷ lệ tương ứng. Cụ thể là : khung % tổn thương nhánh thần kinh trụ quy định từ 11-15% thì cơ quan giám định lấy 15% là sai (mục 3.17 chương 2) đáng lẽ chỉ được tính 11%.

Ảnh hưởng gân tổn thương là đã khâu nối ảnh hưởng nhiều đến động tác khớp cổ tay khung quy định là 6-10% thì cơ quan giám định lấy 10% thì chỉ được lấy 6%.

Số lượng sẹo CQĐT xác địn chỉ 1 vế chém sau lưng tại thông tư 20 là số lượng sẹo nhiều kích thước trung bình hoặc số lượng sẹo ít kích thước lớn khung 8-10% cơ quan giám định tỉnh Thanh Hóa lấy 10% thì chỉ được lấy 8.

Thiết nghĩ để xử lý đúng người đúng tội rất cần sự vào cuộc mạnh mẽ của cơ quan có thẩm quyền cũng như cơ quan điều tra CA huyện Thọ Xuân sớm có câu trả lời thỏa đáng cho gia đình ông Thuận và dư luận quan tâm, tránh oan sai cho người bị hại cũng như bỏ lọt tội phạm nguy hiểm cho xã hội.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc!

Trí Dũng/Khỏe 365

Tin nổi bật