Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Lựa chọn ngành học theo sở thích hay xu hướng? Gợi ý những ngành có cơ hội việc làm cao

  • Thùy Dung
(DS&PL) -

Tính đến thời điểm hiện tại, hơn 6 tháng nữa các sĩ tử sẽ bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024, hiện vẫn còn nhiều bạn đắn đo không biết nên lựa chọn ngành học theo sở thích hay xu hướng.

Nên lựa chọn ngành học theo sở thích hay xu hướng?

Chọn ngành học là việc cực kỳ quan trọng, cần có sự cân nhắc kỹ lưỡng trước khi quyết định. Vì ngành học này sẽ liên quan đến công việc trong tương lai và có thể gắn bó với bản thân cả đời.

Hiện có rất nhiều ngành học hot, thu hút số lượng thí sinh đăng ký theo học. Điều này cũng khiến không ít bạn trẻ chạy theo và quên mất đi bản thân có thực sự yêu thích ngành học đó hay không. Để chọn được ngành học phù hợp với bản thân phải dựa trên nhiều yếu tố.

Theo bài viết trên website Thongtintuyensinh.com, PGS.TS Trần Trọng Nguyên, Giám đốc Học viện Chính sách và Phát triển cho biết: “Có nhiều thí sinh lựa chọn ngành học dựa theo xu thế xã hội trong khi bản thân chưa biết mình có yêu thích ngành học đó hay không. Điều này dẫn đến việc sau một thời gian học, sinh viên tự thấy mình không phù hợp ngành đã chọn, động lực học tập không còn".

Vì thế, thí sinh cần xét xem bản thân mình thích ngành gì, năng lực bản thân có phù hợp không. Ngoài ra, cần lưu ý thêm năng lực về sức khỏe, tài chính, cơ hội việc làm và tham chiếu điểm chuẩn từ những năm tuyển sinh trước để cân đối sức học. Đây là một gợi ý quan trọng để thí sinh tìm được ngành học phù hợp và có khả năng đỗ cao nhất.

Chọn nghề cần cân nhắc mức lương

Để chọn ngành học phù hợp với bản thân mình, báo Lao Động dẫn lời  ông Đỗ Đức Linh – Cán bộ Phòng khảo thí và Đảm bảo chất lượng (Trường Đại học Hải Phòng) cho biết, ngoài niềm đam mê, học sinh nên tìm hiểu về nhu cầu của xã hội đối với ngành học của mình.

"Ngoài yếu tố đam mê, học sinh cần nắm bắt xu hướng nghề nghiệp tương lai hiện nay tình hình thị trường lao động đồng thời, so sánh với những công việc khác và dự đoán nhu cầu sử dụng nhân lực trong 3 – 4 năm tới để có lựa chọn đúng đắn nhất" - ông Linh cho hay.

Bên cạnh đó, ông Linh cũng đưa ra một tiêu chí nữa để giúp các em học sinh có động lực và xem xét kĩ lưỡng trước khi đưa ra quyết định chọn ngành học.

"Thật ra, có nhiều học sinh chọn ngành học thường hay chú tâm tới cơ hội việc làm tốt. Tuy nhiên, có những công việc dễ dàng ứng tuyển song mức lương lại không cao. Dù lương không phải yếu tố duy nhất để chọn nghề nhưng đây cũng là yếu tố rất quan trọng giúp duy trì mức sống. Vì vậy, trước khi chọn nghề, các em hãy chắc chắn rằng có thể đủ sống với mức lương mà công việc đó mang lại" - ông Linh chia sẻ.

Một số nguyên tắc chọn ngành học thí sinh cần lưu ý

Một người chọn sai ngành học sẽ không phát huy được hết năng lực, tố chất của mình trong học tập và công việc, giảm năng suất cũng như hiệu quả làm việc. Từ đó, sẽ gây tâm lý chán nản, thất vọng, thiếu tự tin và động lực phát triển bản thân.

Các chuyên gia đã chỉ ra 4 bước để giúp thí sinh dễ dàng hơn trong lựa chọn ngành nghề:

Bước 1: Tôi thích ngành nghề gì?

Hãy liệt kê những ngành nghề mà bản thân biết và có hứng thú. Mong muốn về nghề nghiệp: cơ hội thăng tiến, môi trường làm việc, thu nhập, giờ giấc, tính chất công việc hấp dẫn, uy tín xã hội. Sau đó, hãy lập danh sách thứ tự ưu tiên ngành nghề.

Bước 2: Tôi phù hợp với ngành nghề gì?

Tìm hiểu yêu cầu của từng ngành nghề (năng lực, tính cách, điều kiện lao động…), có thể tham khao ở mục tuyển dụng trên các báo, tạp chí để tìm điểm chung giữa yêu cầu của  ngànhnghề và khả năng đáp ứng bản thân.

Bước 3: Tôi chọn ngành nghề gì?

Ngành nghề bản thân thích, nội dung công việc, điều kiện lao động, giá trị ý nghĩa đối với bản thân, các cơ hội - nghề bản thân có năng lực đáp ứng, sức khỏe, năng lực học tập, điều kiện gia đình.

Bước 4: Tôi nên học ở đâu?

Bạn hãy xác định ngành nghề đó thuộc lĩnh vực nào; trường nào đào tạo lĩnh vực đó. Lập danh sách ưu tiên các trường công lập; dân lập; điểm chuẩn; chỉ tiêu tuyển sinh, danh tiếng; uy tín (thời gian thành lập, thành tích); thời gian đào tạo (đại học, cao đẳng, trung cấp); địa điểm đào tạo (gần nhà, xa nhà).

Khi quyết định chọn ngành nghề theo học trong tương lai, thí sinh cần phải cân nhắc đến rất nhiều yếu tố. Với những thông tin trên, chắc hẳn các bạn thí sinh đã tìm được đáp án cho câu hỏi "Nên lựa chọn ngành học theo sở thích hay xu hướng?". 

Gợi ý những ngành học có cơ hội tìm kiếm việc làm tốt nhất

Ngành Công nghệ thông tin

Đây là ngành học có cơ hội tìm kiếm việc làm tốt nhất, không bao giờ lỗi thời. Sự bùng nổ của cách mạng công nghệ 4.0 khiến ngành công nghệ thông tin lại càng thêm hot. Đây là ngành học thu hút cả thị trường lao động trong và ngoài nước. 

Mức thu nhập cho từng vị trí của ngành học này cũng rất hấp dẫn, ít nhất từ 15-28 triệu đồng/ tháng. Học Công nghệ thông tin cơ hội làm việc rất đa dạng, có thể làm lập trình, quản trị cơ sở dữ liệu, kỹ sư phần mềm, thiết kế game video, quản trị mạng...

Công nghệ thông tin là ngành học được ưu tiên đào tạo. Mỗi năm, Việt Nam cần tới 80.000 nhân lực ngành công nghệ thông tin, tuy nhiên, thị trường chỉ đáp ứng được khoảng 32.000 sinh viên trong một năm.

Ngành ngoại ngữ

Ngoại ngữ là ngành học có cơ hội tìm kiếm việc làm dễ nhất. Số lượng các văn phòng công ty đại diện nước ngoài đến Việt Nam ngày càng nhiều, sự đa dạng của các công ty nước ngoài tại Việt Nam là cơ hội rất lớn cho nguồn tuyển dụng lao động ngoại ngữ.

Chỉ cần thành thạo nghe nói đọc viết 1 trong 4 ngoại ngữ như Tiếng Anh, Tiếng Trung, Tiếng Hàn, Tiếng Nhật thì sẽ không bao giờ lo thất nghiệp. Có khả năng ngoại ngữ tốt sẽ giúp bạn có cơ hội cạnh tranh cao trong công việc, thường làm cho các công ty nước ngoài thì bạn phải chứng minh bằng năng lực. 

Ngành nha sĩ

Bác sĩ nha khoa là một trong những ngành nghề khó học với số điểm cao đầu vào ở nhiều trường đại học rất cao. Nhưng tỷ lệ thất nghiệp của ngành này là 0,9%, và nằm trong top 4 của 300 ngành có lương cao nhất thế giới. 

Nhu cầu về chỉnh sửa răng cũng như chăm sóc răng miệng ngày càng cao, khiến cho chuyên ngành nha khoa trở thành lựa chọn mà nhiều bạn trẻ muốn theo đuổi ngành y học.

Ngành Marketing

Marketing có vai trò quan trọng trong việc phát triển của công ty, bất kỳ công ty nào, ngành nghề nào, sản xuất gì cũng cần đến tiếp thị, quảng bá sản phẩm cho mình. Vì vậy, khi theo học ngành này bạn sẽ có nhiều cơ hội nghề nghiệp.

Ngành Marketing gồm nhiều vị trí làm việc rất đa dạng, phân ngạch như Brand Marketing, Content Marketing đều có những đặc thù công việc riêng và cơ hội phát triển cao có thể thu hút nhiều bạn trẻ.

Theo dự báo của trung tâm nhân lực TP.HCM, chỉ riêng tại thành phố này đã có nhu cầu tuyển dụng nhân lực ngành Marketing là 10.000 người/năm.

Ngành Logistics

Trong 3 năm tới, ngành Logistics và quản lý chuỗi cung ứng sẽ cần tuyển dụng khoảng 18.000 lao động. Mức lương của các vị trí ngành Logistics tại Việt Nam rất hấp dẫn, bởi thị trường chuỗi cung ứng đang từng bước đóng vai trò trụ cột trong kinh tế Việt Nam. Bạn hoàn toàn có thể thử sức với ngành Logistics, bởi đây là ngành dễ xin việc và có cơ hội thăng tiến cao.

Ngành kiến trúc

Kiến trúc sư là những người có thu nhập cao và dễ dàng đứng ở vị trí “chọn việc” với nhiều cơ hội việc làm hấp dẫn. Khi bạn có những ý tưởng sáng tạo độc đáo, bản lĩnh trong việc khẳng định phong cách thiết kế hoặc có bề dày kinh nghiệm thì sẽ có cơ hội thăng tiến rất cao trong ngành nghề này.

Ngành thiết kế đồ họa

Thiết kế đồ hoạ cũng là một trong những ngành học dễ kiếm việc làm nhất. Thiết kế đồ họa loại hình nghệ thuật ứng dụng, sản phẩm đồ họa hiện diện ở hầu hết các lĩnh vực từ truyền thông, giải trí, ngành sản xuất. Thiết kế đò họa cũng đóng vai trò khá lớn trong hoạt động kinh doanh.

Sinh viên tốt nghiệp ngành này có khả năng làm việc ở nhiều lĩnh vực với nhiều vị trí và chức vụ khác nhau, thiết kế đồ hoạ được dự đoán  sẽ tiếp tục nằm trong top ngành dễ xin việc được nhiều người săn đón.

Trên đây là những ngành học có khả năng dễ kiếm việc làm và có sức hút rất lớn với các bạn trẻ, mong rằng bạn sẽ tìm được những thông tin cần thiết để lựa chọn công việc trong tương lai của mình.

Thùy Dung (T/h)

Tin nổi bật