(ĐSPL) - Mưa lũ diễn biến bất thường, trái với quy luật hàng năm, cùng với đó là sự thiếu chủ động trong công tác phòng chống lụt bão của chính quyền địa phương, khiến hàng vạn người “bất lực” nhìn lũ hoành hành.
Lũ đã cướp đi sinh mạng của ít ba người dân và gây thiệt hại hàng trăm tỉ đồng... Bên cạnh đó, câu chuyện thủy điện Hương Điền (Thừa Thiên - Huế) xả lũ đã gây thêm phần khó khăn thiệt hại cho người dân. Tình cảnh lũ chồng lũ không phải là lần đầu xảy ra, nhưng câu hỏi trách nhiệm thuộc về ai vẫn treo lơ lửng...
Những cái chết đau xót
Liên tục từ ngày 24 đến 27/3, mưa trái mùa đã đổ xuống các tỉnh miền Trung với lưu lượng lớn chưa từng có so với thường kỳ tháng Ba hàng năm. Ở huyện Ba Tơ (Quảng Ngãi) có nơi lượng mưa trung bình lên đến 530mm đã gây lở núi nghiêm trọng, khiến hơn 1.600 người dân ở xã Ba Nam bị cô lập hoàn toàn.
Ông Lê Hàn Phong, Chủ tịch UBND huyện Ba Tơ cho biết: “Vụ sạt lở xảy ra vào rạng sáng 25/3, do mưa lớn đột ngột nên nhiều điểm sạt lở nghiêm trọng xé toạc tuyến đường từ Ba Bích đi Ba Nam thành nhiều dòng suối chảy xiết, khiến hàng nghìn hộ dân bị cô lập hoàn toàn. Hiện tại trên tuyến đường này đã có khoảng 40 điểm sạt lở với tổng khối lượng đất, đá đổ xuống đường gần 70.000m3 nên người dân không thể đi lại được”.
Người dân đau xót vì hàng trăm héc ta dưa bị lũ cuốn trôi. |
|
Mưa lũ lớn gây ách tắc giao thông nghiêm trọng, nhiều người dân ở xã Ba Nam hiện đang bị mắc kẹt ở thị trấn Ba Tơ, phải đi bộ hàng chục km để về nhà. Các giáo viên trường THCS Ba Nam phải cắt rừng đi bộ hơn 15km vượt qua hàng chục điểm sạt lở, về thăm nhà dịp cuối tuần. "Tôi phải tìm đường về nhà vì còn mẹ già đang đau ốm, cần chăm sóc. Còn đứa con trai thì đưa nó quay trở lại trường Dân tộc nội trú ở thị trấn vậy. Đi đường kiểu này nguy hiểm lắm", anh Phạm Văn Tin, ở xã Ba Nam chia sẻ.
Tại huyện Sơn Hà, mưa lớn làm nước suối Tà Man dâng cao và chảy xiết đã gây nhiều đoạn suối sạt lở và làm nhiều nhà dân bị cuốn trôi. Ông Phùng Tô Long, Chánh văn phòng UBND huyện Sơn Hà thông tin: "Qua kiểm tra dọc suối Tà Man đã có hơn 500m bờ suối bị sạt lở, bảy hộ dân có nguy cơ bị nước cuốn trôi. Riêng căn nhà của bà Đỗ Thị Thủy bị nước chảy xói lở đã bị sập hoàn toàn”. Tại huyện Nghĩa Hành, hai cầu tạm cũng bị đợt lũ trái mùa cuốn trôi...
Theo ông Dương Văn Tô, Giám đốc sở NN&PTNT kiêm Phó trưởng Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn Quảng Ngãi, tính đến sáng 30/3 thiệt hại do trận lũ trái mùa gây ra toàn tỉnh có hơn 2.653ha, 123,33ha rau, màu, cây lương thực bị ngập úng. Diện tích ao cá, tôm nuôi bị trôi là 18ha. Cuốn trôi 9.260m kênh mương, 48 đập bổi bị cuốn trôi, hai cầu tạm. Bốn tuyến tỉnh lộ bị sạt lở, ngoài ra trên quốc lộ 24 tại đèo Violet cũng bị gián đoạn bởi một khối đất đá lớn sạt xuống đường.
Xem thêm clip: Xe bus bị nước lũ cuốn xuyên qua lòng đất.
Có hai nhà bị sập đổ và 212 nhà bị ngập, 13 hộ gia đình bị ảnh hưởng do sạt lở bờ sông, núi; chín xe máy và một con trâu bị cuốn trôi. Đáng buồn hơn khi đợt lũ cũng đã cướp đi sinh mạng của hai người dân. Đó là trường hợp của anh Đinh Văn Ben (40 tuổi, trú thôn Yên Ngựa, xã Long Sơn, huyện Minh Long) bị nước cuốn trôi khi đi qua suối lúc 17h ngày 27/3 và cháu (Đỗ Thanh Nhân, 15 tuổi, trú thôn Thuận Hòa, xã Hành Thịnh, huyện Nghĩa Hành) bị ngã xuống nước chết đuối trước đó một ngày.
Ông Nguyễn Văn Hòa (49 tuổi, trú xã Đại Lãnh, huyện Đại Lộc) cho hay: “Nước lũ về quá nhanh khiến chúng tôi không kịp trở tay. Chỉ chưa đầy hai tiếng đồng hồ, nước lũ từ thượng nguồn đổ về đã phủ trắng những ruộng dưa. Hàng trăm héc ta dưa đang chuẩn bị thu hoạch thì phần lớn dưa đã bị nước lũ cuốn trôi, phần chúng tôi vớt lại hoặc sót lại trên các ruộng dưa thì hầu hết đã bị thối sau 3 ngày ngâm trong nước lũ. Hiện tại dưa úng thối không thể bán, thậm chí đem trâu bò cũng ăn không xuể, nhiều hộ trắng tay, món nợ nần hàng chục triệu đồng đang treo lơ lửng trên đầu”.
Chưa hết đau lòng nhìn hàng chục héc ta dưa “mất trắng”, người dân Đại Lộc càng xót xa hơn bởi cái chết quá đột ngột của cháu Nguyễn Hoài An (10 tuổi, trú thôn Ô Gia Bắc, Đại Cường, Đại Lộc, Quảng Nam). Bà Võ Thị Thúy Nguyệt, Chủ tịch UBND xã Đại Cường cho biết, chiều 28/3 nhiều hộ dân trên địa bàn xã cố gắng bơi theo dòng nước lũ để vớt dưa. Cháu An lúc này cũng đang chèo xuồng cùng gia đình đi “cứu” dưa. Tuy nhiên, điều không may đã xảy ra khi cháu bị ngã xuống nước rồi bị dòng nước xiết cuốn trôi. Mặc dù, đã huy động tối đa lực lượng cứu nạn, nhưng đến khi tìm được cháu An cách đó gần 2km, cháu đã tử vong do ngạt nước.
Nguy cơ lũ chồng lũ
Theo Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên - Huế, ảnh hưởng của nhiễu động trong đới gió Đông trên cao kết hợp với không khí lạnh, nên tỉnh Thừa Thiên - Huế có mưa rất to. Mưa tại chỗ kết hợp với mưa đầu nguồn lớn nên lưu lượng nước đến hồ thủy điện Hương Điền đo được từ 0h đến 5h sáng 27/3 đạt 728-1.735 m3/s.
6h sáng 27/3, thủy điện này bắt đầu xả lũ với lưu lượng 500 m3/s. Thủy điện Hương Điền xã lũ với lưu lượng ban đầu 500 m3/s, sau đó tăng lên, khiến nhiều vùng trũng ở huyện Quảng Điền (Thừa Thiên - Huế) ngập lụt giữa mùa khô.
“Đến chiều 27/3, toàn huyện có trên 500ha lúa; 26ha lạc; 5,5ha sắn; 8ha rau màu và 6,5ha mặt nước nuôi cá nước ngọt bị ngập, chủ yếu ở các xã Quảng An, Quảng Thành, Quảng Thọ và Quảng Phú. Thiệt hại toàn huyện lên đến hàng chục tỷ đồng”, ông Hoàng Vọng, Phó phòng Nông nghiệp huyện Quảng Điền nói.
Ông Trần Kim Thành, Phó Giám đốc sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết: “Bây giờ đang là mùa kiệt nên cơ chế vận hành thuỷ điện là theo mùa kiệt. Trong một ngày đầu thì nước về lai rai nên giữ lại phát điện. Đến đêm 27/3, mưa to một trận quá bất thường không ai nghĩ đến và không thể dự đoán được!
Lúc đó có chỉ đạo giữ lại một số chứ không xả hết. Giữ lại rồi đưa về dần dần, tính ra là 80 triệu m3 nước, giữ trong hồ 50 triệu m3 và xả dần dần 30 triệu m3. Nếu xả cả 80 triệu m3 thì vấn đề còn nghiêm trọng hơn nữa. Hạn chế tối đa thiệt hại nhưng không thể không xả! Vì không xả thì sẽ vượt mức nước cho phép của hồ và làm nguy cơ vỡ đập. Nếu mà để vỡ hồ thì đại họa!”.
Ông Phan Thanh Hùng, Chánh văn phòng Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, trước khi nhà máy thủy điện Hương Điền xả lũ khoảng một giờ đã báo với lãnh đạo tỉnh. Chính quyền đã lập tức thông báo đến các địa phương. Tuy nhiên, khi xã thông báo đến người dân thì có sự chậm trễ, dẫn đến việc người dân không kịp chủ động chống lũ.
Bên nào sai phải chịu trách nhiệm Ông Đỗ Đức Quân, Vụ trưởng vụ Thủy điện, bộ Công Thương cho biết: Việc xả lũ ở thủy điện Hương Điền đã được phía thủy điện thông báo cho cơ quan chức năng của địa phương. Trước thông tin, nhiều lãnh đạo xã ở địa phương này không nhận được tin, ông Quân cho rằng, theo quy trình xả lũ, nếu có hành động xả lũ không đúng quy trình, bên nào sai phải hoàn toàn chịu trách nhiệm. Trách nhiệm của địa phương là phải xem xét cụ thể việc để xảy ra xả lũ gây ngập lụt giữa mùa khô. Nếu thủy điện không tuân thủ quy trình xả lũ thì ngoài việc địa phương - nơi đặt thủy điện - có quyền xem xét, truy cứu trách nhiệm, bộ Công Thương cũng sẽ có ý kiến. Dân chờ xả lũ, cán bộ ngồi nhậu? Từ sáng 27/3, nước lũ bất ngờ đổ về gặp ngay phải con đập ngăn nước tại hạ du sông Bồ, tạo bức tường thành ngăn tiêu nước. Tuy nhiên, trong khi người dân đang chờ đợi một quyết sách quyết đoán của các cơ quan chức năng để “khơi thông” con đập kia thì tại trụ sở xã Quảng An (huyện Quảng Điền, Thừa Thiên - Huế) cán bộ đang “bận” ngồi... nhậu? Đến 28/3, Chủ tịch UBND huyện Quảng Điền xuống tận đập ngăn nhánh sông Bồ, bắt nhà thầu phải xẻ đập để xả lũ, nhưng tất cả đã quá muộn! |
NGUYỄN HƯNG – DƯƠNG KHA