Cụ thể, trên sông Thao tại Lào Cai là 86,18m, trên báo động 3, tại Bảo Hà là 61,81m, trên mức lũ lịch sử năm 2008 gần một mét. Riêng tại Yên Bái, lũ sông Thao dâng lên 35,22m, vượt qua lũ lịch sử được ghi nhận vào năm 1968.
Trên sông Cầu tại Cầu Gia Bảy, mức nước lũ lúc 1 giờ sáng nay lên tới 28,81m, trên mức lũ lịch sử năm 1959 khoảng 0,67m, tại Đáp Cầu là 5,92m. Đến 5 giờ sáng nay, mực nước sông Cầu tại Đáp Cầu nâng lên 6,06m.
Nhiều dòng sông khác đang trên mức báo động 3 như sông Thương tại Phủ Lạng Thương, sông Lục Nam tại Lục Nam.
Dự báo trong ngày hôm nay, lũ trên sông Thao tại Lào Cai xuống nhưng tại Bảo Hà, Yên Bái tiếp tục lên duy trì ở mức trên lũ lịch sử. Lũ trên sông Lô, sông Cầu, sông Thương tiếp tục lên hôm nay tiếp tục lên, sông Lục Nam xuống chậm.
Trong đêm nay, lũ trên sông Thao tại Lào Cai tiếp tục xuống, tại Bảo Hà biến đổi chậm, tại Yên Bái tiếp tục lên và duy trì trên mức lũ lịch sử.
Ngoài ra, từ nay (10/9) đến 11/9, trên các sông khác ở khu vực Bắc Bộ xuất hiện một đợt lũ. Trong đợt lũ này, đỉnh lũ trên các sông nhỏ tại các tỉnh miền núi phía Bắc, đặc biệt tại các tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Kạn, Bắc Giang, Lào Cai, Yên Bái, Hòa Bình, Sơn La lên mức BĐ2-BĐ3, có sông trên BĐ3.
Cơ quan khí tượng tiếp tục cảnh báo nguy cơ ngập lụt sâu trên diện rộng và kéo tại các tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng, Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Bắc Giang, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Hòa Bình.
Do ảnh hưởng của siêu bão Yagi (cơn bão số 3), trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên xuất hiện mưa lớn kéo dài khiến mực nước các sông dâng cao gây ngập lụt nhiều nơi trên địa bàn. Ảnh: Lao Động
Trong một diễn biến khác liên quan, đêm 9/9, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh ký ban hành công điện hoả tốc về việc tập trung ứng phó lũ lớn trên các tuyến sông.
Theo Công điện, hiện nay mực nước sông Hồng (sông Thao) tại Lào Cai, Yên Bái đang vượt trên báo động 3; mực nước sông Lô đang tiếp tục lên nhanh (hồ Tuyên Quang mở 08 cửa xả đáy; hồ Thác Bà mở 03 cửa xả mặt). Trên lưu vực sông Đà, lưu lượng nước đến hồ Hòa Bình đang tăng nhanh, hồ đang mở 02 cửa xả đáy và sẽ tiếp tục mở thêm. Mực nước sông Đà, sông Hồng, sông Đuống đang rất lên nhanh, lưu tốc dòng chảy lớn.
Đáng chú ý, mực nước các sông trên địa bàn thành phố Hà Nội hiện đang ở mức cao: Sông Tích, sông Bùi: trên báo động 3; sông Cầu, sông Cà Lồ: trên báo động 2; sông Đáy: trên báo động 1 và đang xu hướng tiếp tục lên; sông Hồng tại trạm thủy văn Long Biên: 7,81m (dưới báo động 1 là 1,69m, dự báo sẽ lên báo động 1 vào đêm 10/9).
Để chủ động ứng phó với lũ lớn trên sông, giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra, Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu, giám đốc/thủ trưởng các cấp, các ngành, lãnh đạo các địa phương căn cứ tình hình mưa lũ, chủ động kiểm tra, rà soát, sẵn sàng triển khai các kế hoạch, phương án hộ đê, phương án ứng phó với mưa lũ theo phương châm “4 tại chỗ” phù hợp với địa bàn, phạm vi, lĩnh vực quản lý; tổ chức thông báo ngay đến người dân, các tổ chức có hoạt động ở khu vực bãi sông, trên sông biết để chủ động phòng, tránh đảm bảo an toàn.
Tổ chức các hoạt động tuyên truyền đến người dân ở tại các khu vực có nguy cơ cao, đặc biệt là các vùng ven sông, vùng trũng thấp, vùng có nguy cơ lũ rừng ngang bằng nhiều hình thức để thông báo, cảnh báo người dân; tăng cường tuyên truyền tại các trường học, khu dân cư, cơ quan, doanh nghiệp; phối hợp với các tổ chức đoàn thể để tuyên truyền đến từng tổ chức, hộ gia đình.
Chủ tịch thành phố yêu cầu tổ chức trực ban, ứng trực 24/24h: theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ; bố trí cán bộ trực ban 24/24h, đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt; theo dõi sát sao các bản tin dự báo, cảnh báo mưa lũ; kịp thời báo cáo về Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố khi có sự cố, tình huống bất thường; duy trì liên lạc thường xuyên với các địa phương, đơn vị để nắm bắt tình hình và chỉ đạo kịp thời.
Chủ tịch UBND quận, huyện, thị xã cần kịp thời thông báo cho người dân ở những vùng thấp, trũng có khả năng bị ngập hoặc có nguy cơ bị sạt lở biết để chủ động phòng tránh; không để người dân đến những khu vực bị ngập, có nguy cơ sạt lở. Chủ động rà soát, sẵn sàng các phương án sơ tán người dân, di chuyển tài sản đến nơi an toàn khi cần thiết.
Xác định các khu vực nguy hiểm, khu vực có địa hình trũng, thấp dễ xảy ra ngập sâu, cô lập, khu vực sát bờ sông, nguy cơ sạt lở nguy hiểm, khu vực bãi giữa sông Hồng, lên danh sách các hộ dân cần sơ tán; chuẩn bị các điểm sơ tán an toàn, đảm bảo đủ chỗ ở, lương thực, nước uống, thuốc men cho người dân; kiên quyết triển khai phương án sơ tán, đảm bảo an toàn đối với người dân; phân công cán bộ phụ trách từng khu vực, hộ gia đình cần sơ tán, đảm bảo không bỏ sót người dân.