Bên cạnh chữ tượng hình, đài tưởng niệm và hoa văn hình học, mèo được coi là một trong những đặc điểm nổi bật của nghệ thuật Ai Cập cổ đại, phản ánh địa vị độc nhất của loài vật này đối với những cư dân sống ở dọc con sông Nile. Mèo ban đầu được coi là kẻ săn mồi hữu ích và dần dần trở thành biểu tượng của thần thánh và sự bảo vệ ở thời Ai Cập cổ đại, theo History.
Mèo được coi là một biểu tượng của người Ai Cập cổ đại. Ảnh: History.
Nhà Ai Cập học, trợ lý giáo sư về lịch sử tại Đại học Bang Missouri (Mỹ), đồng thời là tác giả của cuốn sách Death, Power, and Apotheosis in Ancient Egypt: The Old and Middle Kingdoms - Julia Troche cho biết: "Do có quá nhiều thay đổi đã xảy ra trong hơn 3.000 năm lịch sử nên người Ai Cập nói chung không tôn thờ động vật. Thay vào đó, họ coi động vật là đại diện cho các khía cạnh thiêng liêng của các vị thần".
Dù có được tôn thờ như những vị thần hay không, mèo vẫn là một phần không thể thiếu trong cuộc sống của người Ai Cập cổ đại.
Theo Julia Troche, trong phần lớn lịch sử của nền văn minh, người Ai Cập cổ đại coi mèo là những người bạn đồng hành với nhiều lợi ích. Cô giải thích: "Mèo có thể ở trong nhà khi trời nóng, chúng sẽ giúp xua đuổi những loài vật nguy hiểm, có nọc độc như rắn và bọ cạp".
Hình ảnh mèo xuất hiện trong tác phẩm Nebamun Săn Chim, hình ảnh từ lăng mộ của Nebamun, Thebes, Ai Cập, khoảng 1.400 trước CN. Ảnh: Getty Images.
Bên cạnh đó, người Ai Cập cổ đại coi hoàng gia là những người tạo ra xu hướng về mọi thứ, từ thực phẩm, thời trang cho đến việc nuôi mèo.
Monique Skidmore, giáo sư nhân chủng học tại Đại học Deakin (Australia) và là biên tập viên của Trip Anthropologist, cho biết: "Người Ai Cập cổ đại rất coi trọng mèo vì tập quán và các vị vua của họ (Pharaoh) nuôi những con mèo khổng lồ. Các thành viên của tầng lớp hoàng gia Ai Cập mặc đồ bằng vàng cho mèo và để chúng ăn từ đĩa thức ăn của họ".
Mặc dù các thành viên của tầng lớp thấp hơn không có khả năng cho mèo mặc quần áo được làm bằng kim loại quý, nhưng họ đã tự làm đồ trang sức cho mình với thiết kế giống kiểu trang phục giá trị của những con mèo được các vị Vua Pharaoh nuôi dưỡng.
Ngoài việc đánh giá cao khả năng xua đuổi loài gặm nhấm, rắn và các loài gây hại khác ra khỏi nhà, người Ai Cập cổ đại cho rằng mèo ở mọi kích cỡ đều thông minh, nhanh nhẹn và mạnh mẽ.
Mèo ở thời Ai Cập cổ đại cũng được coi là sở hữu một loại sức mạnh khác là khả năng sinh sản. Julia Troche cho biết: “Mèo thường được miêu tả ngồi dưới ghế của những người phụ nữ, ngụ ý có mối liên hệ với phụ nữ và có lẽ muốn nhắc đến khả năng sinh sản".
Bast (Bastet, Ubaste, hay Baset) là một trong những vị thần được người dân Ai Cập cổ đại tôn sùng nhất, mang hình dáng một người phụ nữ có cái đầu mèo.
Nữ thần Bast được mô tả với mèo con bên cạnh, như tỏ lòng kính trọng với vai trò của mình như là một nữ thần của khả năng sinh sản. Vì vậy, Bast cũng được xem là một nữ thần bảo vệ các bà mẹ và con cái mới sinh của họ. Trong các văn bản ma thuật của Ai Cập, một phụ nữ bị vô sinh có thể đưa ra lời đề nghị với nữ thần Bast với hy vọng rằng điều này sẽ giúp cô thụ thai.
Bên cạnh đó, mèo còn được coi là bán thần với người Ai Cập cổ đại và chỉ các vị Vua Pharaoh mới có quyền nuôi chúng như thú cưng. Vì vậy, tất cả mèo đều được bảo vệ theo luật. Nếu ai làm hại mèo, dù cố ý hay không, đều bị xử tử. Việc giết mèo chỉ được tiến hành khi chúng sinh sôi quá nhiều và người ta sẽ hiến tế mèo cho nữ thần Bast.
Bích Thảo (Theo History)