Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Lo ngại nhân tài được trọng dụng... nửa vời kiểu “trên trải thảm, dưới rải đinh”

(DS&PL) -

Bộ Nội vụ vừa đưa ra lấy ý kiến góp ý dự thảo Chiến lược Quốc gia thu hút, trọng dụng nhân tài.

Bộ Nội vụ vừa đưa ra lấy ý kiến góp ý dự thảo Chiến lược Quốc gia thu hút, trọng dụng nhân tài. Chiến lược đề ra mục tiêu từ 2026 -2030, 100% các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương bảo đảm khung tỉ lệ tối thiểu từ 2- 5% nhân tài trở lên trong cơ cấu lãnh đạo, quản lý... Xung quanh dự thảo này, có nhiều ý kiến trái chiều và lo ngại có tình trạng người tài không được trọng dụng thay vào đó sẽ tạo kẽ hở cho những kẻ cơ hội chạy chọt, lọt vào, lấp cho đầy chỉ tiêu...

Tại sao lại không phải là 100% nhân tài làm lãnh đạo, quản lý?

Chiến lược cũng nhằm thu hút, trọng dụng nhân tài không phân biệt nhân tài là đảng viên hay người ngoài Đảng, người Việt Nam ở trong nước hay ở nước ngoài, bảo đảm cơ hội bình đẳng cho nhân tài được cống hiến và đãi ngộ xứng đáng với kết quả thực hiện nhiệm vụ. Chiến lược cũng đề ra từ năm 2030 trở đi, phấn đấu mỗi năm tăng thêm ít nhất 1% nhân tài trở lên với cơ cấu lãnh đạo, quản lý và 3% trở lên trong cơ cấu chuyên môn, nghiệp vụ.

Dự thảo chiến lược cũng nêu rõ quan điểm nhân tài là nguồn lực quan trọng nhất để phát triển đất nước hùng cường; là tiềm lực và sức mạnh của quốc gia; là hạt nhân của nền kinh tế trí thức; là yếu tố then chốt của sự phát triển. Đội ngũ nhân tài phải tiêu biểu cho nền văn hóa và trí tuệ Việt Nam vừa có tài, vừa có đức, năng lực sáng tạo và khát khao cống hiến. Xây dựng chính sách nhân tài đảm bảo khách quan, công khai, minh bạch. Có cơ chế đãi ngộ đặc biệt, tạo lập môi trường làm việc tốt; có chính sách khen thưởng và xử lý nghiêm những hành vi lạm dụng quyền lực để gây cản trở, trù dập nhân tài...


Quốc gia hùng mạnh là quốc gia có nền giáo dục đẳng cấp, ở đó tạo ra một lực lượng nhân tài toàn diện trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.

Liên quan đến dự thảo trên, PGS.TS Bùi Thị An- Phó Chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội cho rằng: Trong thời đại công nghệ 4.0, muốn tạo nên một tập thể vững mạnh phải xây dựng từng con người, quan tâm phát hiện và bồi dưỡng nhân tài; Có chính sách trọng dụng trí thức, đặc biệt đối với nhân tài của đất nước; Hình thành đồng bộ cơ chế, chính sách khuyến khích sáng tạo, trọng dụng nhân tài và đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ; Chú trọng phát hiện, bồi dưỡng, phát huy nhân tài; đào tạo nhân lực cho phát triển kinh tế tri thức.

"Học vấn phải trở thành văn hóa, thành nguồn nhân lực và trong nguồn nhân lực đó có đội ngũ người tài làm đầu tàu. Dự thảo đưa ra mục tiêu từ 2026 -2030, 100% các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương bảo đảm khung tỉ lệ tối thiểu từ 2- 5% nhân tài trở lên trong cơ cấu lãnh đạo, quản lý dựa trên cơ sở nào và cần có tiêu chí cụ thể. Nhân tài trong từng lĩnh việc khác nhau và phải được đánh giá trong quá trình thực tiễn. Điều quan trọng, ai là người đánh giá nhân tài và người đánh giá phải có tài thực sự", bà An nói.

Theo bà An, muốn xây dựng được đội ngũ cán bộ và tuyển chọn được nhiều nhân tài cho đất nước, phải coi trọng giáo dục, chấn chỉnh việc giáo dục - đào tạo làm sao phải “thực học để có thực lực”, phải coi trọng cả giáo dục khoa học lẫn đạo đức. Thực hiện tốt chính sách thu hút sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ nhằm bồi dưỡng nhân tài, tạo nguồn cán bộ, chuyên gia giỏi trong các lĩnh vực để phục vụ lâu dài cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội.

Đồng quan điểm trên, trao đổi với PV ĐS&PL, ông Lê Như Tiến, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội thẳng thắn đặt câu hỏi: “Tại sao lại không phải là 100% nhân tài làm lãnh đạo, quản lý mà chỉ đưa ra con số tối thiểu 2-5% tới năm 2030. Nói như vậy, hóa ra 98% còn lại không phải là nhân tài?”.

Ông Tiến nhận định, việc đưa ra con số cụ thể của bộ Nội vụ không phải là không khả thi mà đó là con số rất khiêm tốn so với mong muốn của chúng ta. Chúng ta mong muốn 100% nhân tài giữ cương vị quản lý Nhà nước chứ không phải chỉ có 2-5%. “Tôi đề nghị phải đưa ra một căn cứ khoa học cụ thể để xác định nhân tài”, ông Tiến nói.

Cần có chính sách đãi ngộ để không “chảy máu chất xám”

Mới đây, trong khuôn khổ đại hội Tài năng trẻ Việt Nam, anh Đào Đức Triệu, đoàn thanh niên bộ Công an cho rằng, chính sách thu hút đãi ngộ tài năng chưa đủ mạnh. “Tôi thấy ở Singapore, họ chọn người tài nhất vào làm việc trong khu vực nhà nước thì 1 người làm bằng hằng trăm người, nhưng quan trọng là họ đãi ngộ hấp dẫn. Vì vậy, tôi cho rằng dù là nước nghèo nhưng cũng phải chi mạnh cho tài năng thì mới có nguồn nhân tài.

Phải xác định vị trí việc làm mới không đặt nhân tài nhầm chỗ

Cũng theo ông Lê Như Tiến, cần làm rõ định nghĩa nhân tài là thế nào? Người xưa vẫn nói “hiền tài là nguyên khí quốc gia”, bộ Nội vụ nên đề cập đến mục tiêu cố gắng tuyển chọn người tài vào bộ máy Nhà nước với tỉ lệ càng cao càng tốt. Người tài phải có mặt ở các doanh nghiệp, tập đoàn, tổng công ty. Ở nhiều nước trên thế giới, nhân tài đứng ở vị trí rất cao, là mũi nhọn của tất cả các mặt xã hội, chính trị, kinh tế..., như vậy mới tạo ra giá trị gia tăng cho xã hội...”, ông Tiến nói.

Bên lề câu chuyện lựa chọn nhân tài vào bộ máy quản lý, ông Lê Như Tiến đánh giá, việc sử dụng nhân tài của chúng ta chưa được sử dụng tốt. Công tác tuyển dụng, đề bạt, bổ nhiệm theo công thức “5C” – con cháu các cụ cả, 4 “Ệ”- nhất hậu duệ, nhì tiền tệ, ba quan hệ, bốn trí tuệ tiền tệ và “5Đ”– Đố điều đi đâu được...

Cần có chính sách "trải thảm đỏ đón nhân tài". Ảnh minh họa

“Từ thực tế đó, tôi kiến nghị Quốc hội cần ban hành luật Trọng dụng nhân tài, cụ thể hóa định nghĩa thế nào là nhân tài, chính sách đối với nhân tài như thế nào để nhân tài không bị chảy máu chất xám ra nước ngoài, chính sách để níu giữ người tài lại với đất nước, hàng loạt vấn đề cần phải luật hóa, chứ không nói chung chung. Tôi từng phát biểu nhiều lần ở nghị trường, trọng dụng nhân tài không thể “trên thì rải thảm, dưới thì rải đinh”, Chính phủ luôn hướng đến trọng dụng nhân tài nhưng khi xuống cơ sở, họ không cần nhân tài, vì người tài thì hay có tính độc lập, thích phản biện, trong khi họ chỉ cần những người biết lắng nghe và thuần phục. Khi nhân tài xuống muốn tìm cách dìm nhân tài, không cho nhân tài ngóc đầu lên được”, ông Tiến thẳng thắn đưa ra ý kiến.

TS.Bùi Văn Nhơn, nguyên giảng viên cao cấp học viện Hành chính Quốc gia cho rằng, mấu chốt là do không xác định được vị trí việc làm, từ chỗ không xác định được vị trí việc làm sẽ không xác định được mỗi vị trí cần bao nhiêu người và cần những người như thế nào. Bộ Nội vụ đặt ra mục tiêu tuyển nhân tài vào vị trí quản lý, lãnh đạo thì cũng cần làm rõ nhân tài là ai, tiêu chí cụ thể như thế nào. Chưa ai biết định nghĩa về nhân tài theo đề án này là thế nào, tiêu chí, tiêu chuẩn xác định nhân tài theo đề án là gì? Nhân tài là dựa vào bằng cấp, chức danh hay là dựa vào công trình khoa học, dựa vào nghiên cứu, sáng chế thực tế để đánh giá, chấm điểm nhân tài? Việc này phải được làm rõ.

Bàn về mục tiêu thu hút nhân tài trong bộ máy quản lý Nhà nước và trong bộ phận chuyên môn, nghiệp vụ, TS. Bùi Văn Nhơn lo ngại vòng luẩn quẩn sẽ lặp lại, người tài không trọng dụng được thay vào đó sẽ tạo kẽ hở cho những kẻ cơ hội chạy chọt, lọt vào, lấp cho đầy chỉ tiêu. Theo đó, phải xác định số lượng, tiêu chuẩn về nhân tài cho từng vị trí, công việc phù hợp. Với những cơ quan nghiên cứu khoa học thì nhân tài là những người như thế nào? Còn với cơ quan quản lý hành chính phải cần người thế nào? Nếu không xác định rõ được vị trí việc làm, không định nghĩa rõ về nhân tài sẽ nảy sinh việc tuyển chọn có sự nhầm lẫn, chồng chéo. Cơ quan quản lý lại tuyển nhầm người làm khoa học, người làm khoa học lại đi làm quản lý...

Hương Lan – Nguyễn Thúy
Bài đăng trên ấn phẩm Đời sống & Pháp luật số thứ Bảy (3)

Tin nổi bật