Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

“Lộ mật” tài sản khủng, các quan chức nói gì?

(DS&PL) -

Những vụ trộm mà nạn nhân là người nổi tiếng hoặc là các “quan to” đều gây sự chú ý của dư luận.

Những vụ trộm mà nạn nhân là người nổi tiếng hoặc là các “quan to” đều gây sự chú ý của dư luận. Nếu như giới nghệ sĩ/đại gia không cần nhiều lời giải thích thì các cán bộ cấp cao lại phải vòng vo lý giải tiền ấy đâu ra.

Có nhiều vụ trộm vào nhà "quan" mà sự thật chỉ lộ ra sau khi tên trộm bị tóm cổ. Một vài vụ nạn nhân chỉ “nói nhỏ” với cơ quan điều tra, vài vụ khác thì mất trộm một đằng, kê khai một nẻo. Nguyên nhân chính là vì số tài sản bị mất quá lớn, khó mà giải thích cho lọt lỗ tai dư luận khi mà nạn nhân chỉ là cán bộ, công chức nhà nước.

Từ việc nhỏ là bị dòm ngó tài sản khủng, đến việc to là bị “khoắng” két, rồi đến dư luận lao xao là chỉ có trộm mới biết quan chức mình giàu đến thế nào, các đương sự đều có cách riêng để giải thích số tài sản ấy là “minh bạch”.

Mất một vali vàng nhưng chỉ khai là… 5 lượng

Cuối năm 2012, nhà riêng của vợ chồng ông Đặng Xuân Thọ - Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Kon Tum và bà Trần Thị Xuân Lan - Trưởng phòng tổ chức Cục thuế tỉnh Gia Lai bị trộm viếng thăm.

Đám trộm sau khi lục lọi tủ, giường thì phát hiện một vali “khả nghi” dưới gậm giường. Khi mở ra, cả đám giật mình vì trong đó là nhiều vàng thẻ đóng gói thành dây bọc trong túi nilon, nhiều nhẫn vàng, bông tai, lắc vàng, dây chuyền vàng…

Lê Đình Đạt, một tên trộm đã khoắng đồ ở nhà "quan" bị bắt.

Vụ trộm xảy ra khi gia đình ông Thọ đi du lịch. 5 ngày sau trở về phát hiện nhà bị đột nhập, bà Lan trình báo Công an phường Yên Đổ (TP Pleiku) nhưng khai là không mất tài sản. Sau đó, bà Lan trình báo lại là bị mất… 5 lượng vàng.

Một tháng sau khi nhóm trộm sa lưới và khai nhận, người ta mới “hoảng hồn” vì tổng giá trị tài sản gia đình ông Thọ bị mất lúc đó lên đến… 2,792 tỷ đồng.

Chưa dừng lại ở đó, vì đã bắt được kẻ gian, nên bà Lan khai thêm mình còn mất 3 lượng vàng SJC, 11 nhẫn vàng trọng lượng 12 chỉ, một đôi bông tai vàng trắng gắn đá, một sợi dây chuyền vàng trắng.

Quan chức mất tiền tỉ ngay tại trụ sở

Mới đây nhất, vụ việc xảy ra với ông Đào Anh Kiệt, Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường TP.HCM, vẫn đang khiến dư luận xôn xao. Ông Kiệt bị mất khoảng 1,6 tỉ đồng ngay tại phòng làm việc.

Theo lời giám đốc này, ông đem tiền đến văn phòng để giao cho người ta đi mua giúp một căn hộ cho con. Tất cả đều là tiền mặt gồm 1 tỉ đồng tiền Việt và 30.000 USD. Tuy nhiên, do ngày hôm đó không hẹn được người cần gặp nên ông cất tiền vào tủ (không phải két) ở văn phòng và… cắm nguyên chìa khóa trong ổ và ra về.

Giám đốc Đào Anh Kiệt.

“Tôi đã làm việc tại Sở TNMT 37 năm rồi, không lẽ không thể tích lũy đủ số tiền trên. Nguồn thu nhập tôi đã khai rõ trong bản kê khai tài sản nên tôi không ngại”, ông Kiệt giải thích trên báo chí sau khi sự việc xảy ra.

Vấn đề trong vụ việc này không hẳn là ở số tiền khá lớn mà ông Kiệt bị mất, mà người ta đặt ra câu hỏi tại sao với một món tài sản mà ông giải thích là “đã tích cóp cả đời” để mua nhà cho con trai mà bản thân ông lại “đối xử” với nó một cách quá bất cẩn đến vậy.

Tài sản tuy nhiều nhưng là của… con

Ngoài những vụ mất trộm mới bộc lộ khối tài sản khủng thì có nhiều quan chức khác số tài sản của họ… khổng lồ đến nỗi nó lồ lộ giữa thanh thiên bạch nhật.

Hẳn nhiều người còn nhớ vụ lùm xùm xung quanh căn biệt thự của nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền ở Bến Tre.

Trả lời báo chí, ông Lê Hồng Lĩnh, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch, Tài chính và Tổng hợp cho biết tổng thu nhập từ lương, phụ cấp của Tổng TTCP hiện khoảng 18 triệu đồng/tháng; thu nhập của các Phó Tổng TTCP khoảng 15 triệu đồng/tháng. Dư luận đặt câu hỏi, với mức thu nhập đó, làm cách nào ông có thể xây được một dinh thự trên nền đất rộng đến….16.000 m2 với nhiều vật dụng trang trí đáng tiền như vậy?

Biệt thự siêu sang của ông Trần Văn Truyền.

Theo lời ông Truyền, khu đất này do con trai ông mua. Còn xây căn biệt thự này là do những người quen ở trường ĐH Kiến trúc TP.HCM giúp đỡ bản vẽ và thi công luôn. “Tôi cũng không ngờ nó lớn đến thế. Sự thành hình của ngôi biệt thự này có sự giúp góp vật chất của nhiều người, toàn là những người thân quen chứ một mình tôi cũng không thể nào làm xuể”.

Ông Truyền khẳng định tiền xây dựng nên ngôi nhà này một phần là do gia đình tích cóp, một phần là được… đóng góp, người cho gạch, người cho đá… và có một vài “cô em gái” giúp đỡ trong việc trang trí nội thất. Tất cả các tài sản khác bị “khui” ra và đặt dấu hỏi đều được đứng tên bởi nhiều người trong gia đình ông Truyền, trừ ông ra.

Với phó Tổng Thanh tra chính phủ Ngô Văn Khánh, bản kê khai tài sản của ông cũng khiến người ta không khỏi ngưỡng mộ. Ông Khánh khai sở hữu hai căn nhà 5 tầng ở Hà Nội, một căn diện tích 114m2, 1 căn khác diện tích 248m2; 1.800m2 đất ở dự án Mê Linh trị giá tối thiểu 18 tỉ đồng; ngoài ra còn nắm giữ nhiều cổ phiếu của các ngân hàng Nam Á, Ngân hàng Quân đội, Ngân hàng Đông Á, Công ty CP Thiết bị Bưu điện… tiền mặt gửi tại ngân hàng VIB 7,18 tỉ đồng.

Phó Tổng Thanh tra chính phủ Ngô Văn Khánh.

Khi được hỏi về khối tài sản này, trả lời báo chí ông Khánh nói: “Đây không phải là vấn đề của cá nhân tôi. Do đó, cơ quan Thanh tra Chính phủ nói riêng và cơ quan chức năng của nhà nước liên quan nói chung sẽ có trả lời chính thức về việc này.”

Sau đó, Tổng thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh kết luận: "Qua đối chiếu, ông Khánh kê khai tài sản đúng theo quy định của pháp luật”.

Tại một cuộc họp báo của thanh tra Chính phủ, ông Trần Đức Lượng, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ, khẳng định tài sản kê khai của ông Khánh là "minh bạch”. Ông Lượng nói thêm: “Tài sản của một cá nhân không chỉ được tính bằng thu nhập của chính người đó mà còn cả thu nhập của các thành viên trong gia đình. Trường hợp chồng làm thanh tra nhưng có vợ, con làm kinh doanh, vì thế chúng ta không nên gắn thu nhập cụ thể của một người với tài sản mà người ta phải kê khai”.

Dự án Mê Linh đáng giá tiền tỉ ở Hà Nội.

Cho dù có giải thích ra sao thì những lời nói của các vị quan chức trên phần nào chỉ là lời nói một chiều được đưa ra trước công chúng, do đó tính thuyết phục cũng chỉ có giới hạn.

Vấn đề đặt ra là khi có dư luận về khối tài sản khủng của các quan chức trong bộ máy chính quyền, các cơ quan chức năng cần sớm làm rõ và công khai ra trước công luận để xóa tan những hoài nghi của xã hội. Bên cạnh đó cần sớm hoàn thiện khung pháp lý về kiểm soát tài sản, thu nhập của cán bộ, quan chức, tiến tới xử lý những khối tài sản bất minh - không chứng minh được nguồn gốc hợp pháp. Có như thế mới đáp ứng được sự kỳ vọng của người dân và cuộc đấu tranh chống giặc nội xâm - tham nhũng - mới có thể bước sang trang mới.

Những vụ mất trộm tiền tỉ

Ngoài những vụ án chấn động dư luận trên còn có nhiều quan chức khác trở thành “con mồi” của những tay đạo chích siêu hạng.

Chính “siêu trộm” Đặng Ngọc Tân (SN 1982, Đà Nẵng) khẳng định trộm nhà quan chứ nhà dân thì có gì để trộm.

Ngày 5-12-2011, két sắt tại nhà một cán bộ chi cục Thuế ở TP.HCM bị cạy, số tài sản bị mất là 10 lượng vàng SJC, 2 bông tai hột xoàn, 1 nhẫn kim cương, 6.000 USD, 12 cuốn sổ tiết kiệm trị giá 5 tỷ đồng đứng tên người vợ, tổng giá trị khoảng 6 tỷ đồng.

Ngày 30-5-2014, cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bắc Kạn bắt được ba tên trộm đã cuỗm đi 40.000 USD, 5 cây vàng SJC, 1 lắc tay, đôi nhẫn cưới vàng và gần 100 triệu đồng tiền mặt từ nhà của một giám đốc sở ở tỉnh Bắc Kạn...

Tin nổi bật