Thực hiện thông báo số 26 - TB/BCĐ ngày 26/7/2024 của BCĐ phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hoá và Thông báo kết luận của Thường trực Ban chỉ đạo, tại Hội nghị Quý II, sơ kết 6 tháng đầu năm 2024, UBND Tỉnh lào Cai triển khai kế hoạch tiếp tục khôi phục và định hướng phát triển ngành hàng sản xuất dâu tằm tơ trong thời gian tới.
Người dân Lào Cai tích cực khôi phục phát triển ngành trồng dâu nuôi tằm.
Theo đó, tỉnh Lào Cai đề ra mục tiêu khôi phục các diện tích sản xuất dâu tằm trên địa bàn các huyện, trên cơ sở tiềm năng, lợi thế của các địa phương, nâng cao chất lượng, giá trị thu nhập, chuyển đổi diện tích cây trồng kém hiệu quả sang trồng dâu. Tổ chức lại sản xuất, hình thành các vùng sản xuất tập trung, quy mô lớn, hình thành chuỗi liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp với người sản xuất, từ sản xuất đến chế biến và tiêu thụ.
Dự kiến đến năm 2025, tỉnh Lào Cai sẽ khôi phục và mở rộng vùng trồng dâu đạt 85 ha; Sản lượng kén đạt 102 tấn. Giá trị sản phẩm trên 15 tỷ đồng. Đến năm 2030, phát triển vùng sản xuất quy mô khoảng 1.000 ha; Sản lượng kén đạt trên 1.500 tấn, giá trị sản phẩm trên 225 tỷ đồng. Bên cạnh đó là phát triển hệ thống nhà nuôi tằm con, nhà nuôi tằm lớn phù hợp với tiến độ và quy mô phát triển diện tích trồng dâu để nuôi tằm. Tổ chức 1 buổi tham quan học tập tại Trung Quốc và 5 buổi học tập kinh nghiệm trồng dâu, nuôi tằm tại Yên Bái; phấn đấu 100% các hộ trồng dâu, nuôi tằm được đạo tạo nghề trồng dâu, nuôi tằm.
Theo kế hoạch, trong giai đoạn cuối năm 2024 - 2025: Tiếp tục khôi phục và mở rộng vùng trồng dâu tại các huyện, đến hết năm 2025, tổng diện tích đạt 85 ha; năng suất bình quân 30 tấn lá/ha; sản lượng 2.550 tấn lá tươi. Năng suất kén trung bình đạt trên 1,2 tấn/ha/năm, sản lượng kén đạt trên 102 tấn, giá trị thu nhập đạt trên 15 tỷ đồng.
Giai đoạn 2026 - 2030: Phấn đấu đến năm 2030 đạt 1.000 ha tại các huyện Bảo Yên 500ha, Văn Bàn 300 ha, Bảo Thắng 100 ha, Bát Xát 50 ha, Bắc Hà 50 ha. Năng suất bình quân 32,5 tấn/ha. Sản lượng 32.500 tấn lá tươi, năng suất kén trung bình đạt trên 1,5 tấn/ha/năm, sản lượng kén toàn tỉnh năm 2030 đạt trên 1.500 tấn, giá trị thu nhập trung bình đạt trên 225 tỷ đồng.
Huyện Bảo Yên, Lào Cai là một trong những địa phương đi đầu trong công tác khôi phục và phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm tại Lào Cai. Bà Nhữ Thị Tâm, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bảo Yên cho biết, huyện Bảo Yên vẫn kiên định đưa cây dâu tằm trở thành cây chủ lực, ưu tiên phát triển, mở rộng trong thời gian tới. Đến năm 2025, huyện phấn đấu phát triển và giữ ổn định khoảng 300 ha và mở rộng lên 500 ha cây dâu tằm vào năm 2030. Sau khi ngành dâu tằm tơ phục hồi, địa phươn tiếp tục xác định dâu tằm là cây có giá trị kinh tế cao, nếu có thể liên kết phát triển theo chuỗi sẽ giúp nông dân nâng cao thu nhập.
Trước đó, Ngày 7/12, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Bảo Yên – Lào Cai đã phối hợp với Hợp tác xã Nấm Tam Đảo tổ chức tập huấn kỹ thuật trồng dâu nuôi tằm cho 60 hộ dân tại xã Việt Tiến. Đây là những hộ có đất sản xuất bị vùi lấp do ảnh hưởng bởi mưa lũ trong cơn bão số 3.
Lào Cai có tiềm năng phát triển, xuất phát từ nhu cầu phát triển của thực tiễn, giai đoạn 2019-2021 một số địa phương đã tổ chức phát triển ngành trồng dâu, nuôi tằm với tổng diện tích 346,28 ha. Từ kết quả khả quan bước đầu, đã hình thành các liên kết sản xuất trồng dâu nuôi tằm, mang lại thu nhập tương đối ổn định cho các hộ sản xuất. Hiện tại, kén tằm có giá bán từ 150 -170 nghìn/kg, là một sản phẩm rất được ưa chuộng. Do đó việc mở rộng, phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm sẽ giúp người dân phục hồi sản xuất sau thiên tai, phát triển kinh tế bền vững, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo và nâng cao chất lượng xây dựng nông thôn mới tại địa phương.